|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

7 tháng đã qua, ngành nào vẫn còn giữ được phong độ và hứa hẹn nhiều tươi sáng?

16:24 | 08/08/2022
Chia sẻ
Cac chuyên gia đánh giá ngành bán lẻ sẽ là điểm sáng nhất trong tăng trưởng quý III và IV năm nay. Trong khi đó, triển vọng tiêu cực từ nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có thể sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cũng như sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong các tháng cuối năm

Kinh tế Việt Nam đã trải qua 7 tháng đầu năm 2022 với những chỉ số vĩ mô khác lạc quan bất chấp nhiều yếu tố biến động từ thế giới. Trong những tháng còn lại của năm, những lĩnh vực nào sẽ hứa hẹn tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan, góp phần cho tăng trưởng chung toàn nền kinh tế?

Động lực tăng trưởng nào sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng cuối năm 2022? (Đồ họa: Đức Bùi).

Động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất sẽ trở nên khiêm tốn hơn 

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ được đà hồi phục khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,7% so với cùng kỳ (lũy kế 7 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ). Trong đó, tăng trưởng sản xuất đồ uống, thực phẩm, và hóa chất tháng 7 có sự tăng tốc, với mức tăng trên 20% so với tháng 7/2021.

Chỉ số PMI cũng cho thấy kỳ vọng mở rộng sản xuất trong 10 tháng liên tiếp (với PMI duy trì trên 50 điểm liên tục từ tháng 10/2021). Tuy nhiên, theo S&P Global, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 7 có phần tăng chậm hơn so với tháng 6.

 

Cập nhật về triển vọng tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Mirae Asset mới đây kỳ vọng lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.

Theo Mirae Asset, có nhiều yếu tố thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nước như tốc độ tăng chi phí đầu vào chậm lại và chuỗi cung ứng của thế giới đã dần ổn định lại khi Trung Quốc nới lỏng bớt các biện pháp giãn cách. Ngoài ra, các dự án đầu tư công trong nước đang được đẩy rất mạnh cũng là yếu tố lợi thế.

Khối phân tích đánh giá dù trên thế giới đã xuất hiện một số tín hiệu tiêu cực (về suy giảm tiêu dùng), nhưng vẫn có những tín hiệu khả quan trở lại. Giá dầu đã giảm hơn 20% từ đỉnh (đặc biệt ghi nhận cam kết sẽ gia tăng sản lượng trong tháng 7−8 của khối OPEC+).

Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc bước đầu đang cho thấy dấu hiệu hồi phục trong tháng 6,7, thể hiện qua các số liệu về xuất nhập khẩu, logistics, PMI. Xuất khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 7 bất ngờ vượt xa so với dự báo, tăng 18% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại bày tỏ lo ngại mặc dù chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam vẫn đang đạt trên ngưỡng 50 điểm nhưng đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 tới nay.

"Triển vọng tiêu cực từ nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có thể sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu cũng như sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong các tháng cuối năm", BVSC cảnh báo.

Công ty này cũng đánh giá trong các tháng tiếp theo của quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp sẽ còn ghi nhận những mức tăng trưởng mạnh hơn nữa khi so với mặt bằng rất thấp của cùng kỳ năm 2021.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cũng dự báo động lực tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trở nên khiêm tốn hơn.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 7 hầu hết các ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngành suy giảm trong tăng trưởng như sản xuất sản phẩm từ cao su và phương tiện vận tải khác.

Riêng ngành sản xuất kim loại trong cùng kỳ năm trước có mức tăng trưởng khá cao, tháng 7 năm nay lại ghi nhận mức tăng trưởng âm 6,4% so với cùng kỳ.

Dù vậy, xu hướng theo tháng cũng xác nhận sự suy yếu trong ngành sản xuất kim loại với mức giảm 8,6% so với tháng trước.

 Nguồn: BVSC.

Các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày vẫn đang cho thấy tín hiệu mở rộng trong hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng bức tranh tăng trưởng đơn hàng trong các tháng tới là khá thách thức, số liệu PMI toàn cầu cho thấy đơn hàng mới trong tháng 7/2022 giảm lần đầu tiên kể từ tháng tháng 6/2020.

Tại khu vực châu Á, đơn hàng mới giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, riêng đối với Việt Nam, tăng trưởng đã không còn mạnh mẽ như các tháng đầu năm dù các công ty vẫn có thể có số đơn hàng mới cao hơn.

"Hiện tại, chúng tôi kỳ vọng hiệu ứng mức nền thấp sẽ thể hiện rõ hơn trong tháng 8-9/2022 đối với hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, việc theo dõi biến động theo tháng và diễn biến chỉ số PMI sẽ quan trọng hơn trong việc đánh giá động lực tăng trưởng của lĩnh vực này trong các tháng tiếp theo", khối phân tích của VDSC cho hay.

 

Hoạt động xuất nhập khẩu có dấu hiệu giảm tốc 

Với mảng xuất khẩu, lũy kế tới cuối tháng 7, lĩnh vực này tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng 13,6% . Lũy kế 7 tháng 2022, ước tính xuất siêu 0,76 tỷ USD.

Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu suy giảm trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiến vào suy thoái kỹ thuật. Nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng hóa thiết bị điện tử và nhóm máy móc dụng cụ phụ tùng cũng suy giảm theo.

BSC cũng đưa ra hai kịch bản tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể ở kịch bản tiêu cực, Mỹ suy thoái vào năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6% Trong kịch bản lạc quan hơn, Mỹ suy thoái vào năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 18% và nhập khẩu có thể tăng 17,3%.

Mới đây, BVSC cũng cảnh báo triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh.

"Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ hai liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam", chuyên gia của BVSC cho biết. 

Ngành bán lẻ sẽ là điểm sáng nhất trong tăng trưởng quý III và IV

Tăng trưởng bán lẻ vẫn là điểm sáng lớn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ đầu năm tới nay, với tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính tăng 42,6% so với cùng kỳ (lũy kế 7 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ; nếu loại trừ lạm phát tăng 9,5%).

Đáng chú ý, doanh số dịch vụ lữ hành và dịch vụ lưu trú – ăn uống tăng trưởng rất mạnh. Lũy kế 7 tháng đầu năm tăng lần lượt 166% và 37,5%.

Với tốc độ hồi phục ấn tượng như vậy, nhiều tổ chức cũng rất lạc quan về triển vọng ngành này. Mirae Asset cho rằng ngành bán lẻ nói chung sẽ vẫn là điểm sáng nhất trong tăng trưởng GDP quý III và IV năm nay. 

Đồng quan điểm, BVSC cho rằng dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tiếp theo, khi đây là mùa cao điểm về du lịch, cùng với mức nền rất thấp của quý III/2021. Cầu tiêu dùng trong năm 2022 cũng vẫn sẽ tăng trưởng tốt nhờ kinh tế hồi phục và sự hỗ trợ của gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm. 

FDI giải ngân tăng trưởng ổn định

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, trong 7 tháng đầu năm 2022, vốn FDI đăng ký cấp mới tiếp tục giảm 43,5% so với cùng kỳ, nhưng vốn đăng ký điều chỉnh ghi nhận mức tăng 59,35% và điểm đáng chú ý là vốn FDI thực hiện tăng 10,19%. 

 

Trong tháng 7, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI (chiếm 72% tổng vốn đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh), theo sau là ngành kinh doanh bất động sản (khoảng 16%).  Mirae Asset đánh giá điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Còn theo các chuyên gia của BSC bối cảnh vĩ mô toàn cầu phức tạp hạn chế những dự án FDI mới. Tuy nhiên lạm phát và các yếu tố vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định nên FDI thực hiện và đăng ký tăng thêm vẫn duy trì tích cực.  

Một tin vui nữa đến với lĩnh vực FDI của Việt Nam khi mới đây Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung cho biết đang chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Việt Nam. 

Hiện nay Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 78 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD.

Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử cho biết 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Đầu tư công kỳ vọng tăng mạnh vào những tháng cuối năm

Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 7/2022 đạt 46.226 tỷ đồng, tăng 23,08% so với cùng kỳ năm ngoái và 6,25% so với tháng 6.

Như vậy, sau 7 tháng, tổng lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 237.616 tỷ đồng, tăng 13,11% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 43% kế hoạch cả năm.

 Nguồn: BVSC.

Trong các tháng tiếp theo, BVSC dự báo giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, khi xu hướng giải ngân trong các năm gần đây, lượng vốn đầu tư công thường tập trung chủ yếu và tăng mạnh vào nửa cuối của năm.

Thêm vào đó, giá của nhiều loại nguyên vật liệu xây dựng đã có diễn biến giảm, sẽ giúp cho việc giải ngân diễn ra thuận lợi hơn trong các tháng cuối năm nay. Với sự quyết liệt và đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, BVSC dự báo cả năm 2022, đầu tư công sẽ hoàn thành 100% kế hoạch. 

Các chuyên gia của SSI Research cũng cùng quan điểm lạc quan khi nhắc đến đầu tư công. Khối phân tích nhận định đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022, và trong đó việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên.  

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.