|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hầu hết các nước đều trong lộ trình thắt chặt tiền tệ, Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?

08:01 | 08/08/2022
Chia sẻ
BSC dự báo tác động lên Việt Nam khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Kể từ tháng 2 đầu năm khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đến nay, nhiều nền kinh tế trên thế giới tiếp tục chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại, điều này buộc các ngân hàng trung ương (NHTW) các nước bước vào lộ trình thắt chắt chính sách tiền tệ (CSTT) bằng các đợt nâng lãi suất với tần suất và mức độ chưa từng có tiền lệ.

Trong báo cáo công bố ngày 8/8, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định hiện nay, đà tăng lạm phát đang có dấu hiệu tạo đỉnh trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế đang ngày một hiện hữu, trong tình huống hiện tại, quan điểm điều hành của các NHTW trong giai đoạn sắp tới sẽ là điều được nhà đầu tư hết sức quan tâm.

 

Báo cáo cho biết các NHTW lớn trên thế giới như Mỹ, ECB, Anh,… đang tiếp tục thắt chặt CSTT và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới khi mục tiêu lạm phát được ưu tiên hàng đầu.

Cụ thể, Fed đã nâng lãi suất 75 bps (điểm cơ bản) trong 2 cuộc họp gần nhất, trong khi ECB đã nâng lãi suất 50 bps sau 11 năm giữ nguyên chính sách của mình.

Ngày 4/8 vừa qua BoE đã nâng lãi suất 50 bps – mức tăng cao nhất kể từ năm 1995 và là lần thứ 6 liên tiếp nâng lãi suất của NHTW Anh, đồng thời Anh đối diện với nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái kéo dài kể từ cuộc khủng hoảng 2008.

 

Trung Quốc đang thực hiện cả chính sách tài khóa mở rộng và CSTT nới lỏng để tạo đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản đang có dấu hiệu ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng bên cạnh tình hình diễn biến dịch COVID-19  vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp ở quốc gia này.

Trong khi đó NHTW Nga (CBR) đã tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 7 gần nhất, đây cũng là lần hạ lãi suất thứ 5 liên tiếp khi lạm phát tại Nga đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Mới đây, CBR cũng đã phát đi thông điệp sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối đây là hành động cho thấy hoạt động ngân hàng tại quốc gia này đang từng bước ổn định trở lại sau thời gian hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt.

Hầu hết các quốc gia đều đang trong lộ trình thắt chặt CSTT để kiềm chế lạm phát và dự báo “cuộc đua lãi suất” vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới, ngoại trừ Trung Quốc và Nga đang duy trì chính sách nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Trong 6 nước ASEAN được thống kê hầu hết các quốc gia đều bắt đầu lộ trình thắt chặt CSTT thông qua các công cụ điều hành.

 

Về tác động lên Việt Nam, các chuyên gia của BSC cho biết dưới sức ép thắt chặt CSTT đến từ nhiều NHTW trên thế giới, đến nay, lãi suất điều hành Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở ngưỡng 4%.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã bắt đầu giảm nới lỏng CSTT thông qua việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, điều hành tỷ giá thông qua việc bán ngoại tệ và phát hành tín phiếu kể từ cuối tháng 6/2022.

Với mức lạm phát vẫn đang ở dưới ngưỡng mục tiêu, BSC cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất như hiện tại tới kết hợp linh hoạt với các biện pháp giảm nới lỏng đã và đang triển khai.

Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi GDP quý I và quý II tăng trưởng lần lượt là 5,03% và 7,72% so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Khối phân tích nhận định điều này tiếp tục là cơ sở nền tảng để Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.  

Quan điểm Việt Nam sẽ không vội vàng thắt chặt tiền tệ cũng được nhiều chuyên gia, tổ chức nhận định trước đó.

Mới đây, tại Diễn đàn kinh doanh 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức ngày 4/8, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng Việt Nam đang kiểm soát rất tốt vấn đề lạm phát và các chính sách tài khóa, tiền tệ. Kinh tế Việt Nam năm nay vẫn khả quan, có thể bảo đảm lạm phát dưới 4% và tăng trưởng GDP thậm chí đạt trên 7%. 

Ông nhấn mạnh việc đạt được các mục tiêu vĩ mô sẽ cho phép nhà điều hành chính sách không cần thắt chặt tiền tệ quá mức như các quốc gia khác. Đồng thời, giai đoạn 2023-2025 có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công, nhất là việc xây dựng các tuyến cao tốc để kết nối giao thông nhanh hơn, giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của VNDirect dự báo NHNN sẽ không vội thắt chặt chính sách tiền tệ ngay lập tức mà sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III hoặc quý IV/2022 với mức tăng hạn chế, khoảng 0,25-0,5%. Ngoài ra, lãi suất huy động có thể sẽ chậm lại trong quý III nhưng sẽ tăng trở lại trong quý IV/2022.  

Mới đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học Ngân hàng TP HCM đưa ra cảnh báo việc các NHTW tại nhiều nước đã thắt chặt tiền tệ mạnh tay khi áp lực lạm phát tăng cao sẽ là rào cản cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm bởi ảnh hưởng đến cầu xuất khẩu của Việt Nam. 

Hồng Hà

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.