|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Rủi ro suy thoái Mỹ, căng thẳng Đài Loan - Trung Quốc có thể tạo ra nhiều bất ổn cho kinh tế Việt Nam

07:41 | 07/08/2022
Chia sẻ
SSI nhận định dữ liệu kinh tế tháng 7 đã phần nào cho thấy nền kinh tế sẽ có một khoảng thời gian thách thức ở phía trước.

Trong báo cáo mới nhất, SSI Research đánh giá sau khi Việt Nam ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2022, các dữ liệu vĩ mô trong tháng 7 đã bắt đầu cho thấy đà hồi phục chậm lại dưới áp lực lạm phát cũng như tác động từ các yếu tố quốc tế.

Bên cạnh đó, NHNN có những động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ đáng chú ý trong tháng nhằm ổn định tỷ giá và thanh khoản hệ thống.

Khối phân tích cho rằng các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2022 nhưng các biến số vĩ mô đã không còn quá tích cực như giai đoạn trước.  

"Dữ liệu kinh tế tháng 7 đã phần nào cho thấy nền kinh tế sẽ có một khoảng thời gian thách thức ở phía trước.

Rủi ro từ các yếu tố bên ngoài chưa có nhiều sự cải thiện, như rủi ro suy thoái ở Mỹ, chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc, hay thậm chí là căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc, có thể tạo ra nhiều bất ổn cho nền kinh tế hơn ước tính.

Chính sách tiền tệ được NHNN điều hành thận trọng nhưng cũng có nhiều sự linh hoạt sẽ là một điểm cộng lớn trong việc ổn định vĩ mô, bên cạnh chính sách tài khóa mở rộng thông qua gói hỗ trợ kinh tế", các chuyên gia tại đây nhận định.

Số liệu cho thấy xuất khẩu và tiêu dùng đã chậm lại. 

Cụ thể, tốc độ tăng của doanh thu bán lẻ và dịch vụ chậm lại, với mức tăng 3,8% so với tháng trước (so với 4,0% trong tháng 6), nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình trước COVID là 2%.

Trong đó, doanh thu liên quan đến ngành du lịch vẫn ghi nhận tích cực khi đây là giai đoạn cao điểm du lịch nội địa trong khi vận chuyển hành khách quốc tế giảm nhẹ khi động lực liên quan đến SEAgames không còn nữa.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, tăng trưởng trong tháng 7 giảm xuống còn 1,5% so với tháng trước (so với 1,8% trong tháng 6), phản ánh cầu nội địa yếu hơn dưới ảnh hưởng của lạm phát.

SSI cho biết trên thực tế, khi theo dõi sản lượng xuất bán từ Petrolimex và PVoil (chiếm thị phần khoảng 60-70% cả nước), giá xăng dầu tăng mạnh đã khiển tổng sản lượng trong tháng 7 giảm khoảng 11% so với tháng 6.

Tương tự, doanh thu lương thực, thực phẩm tại TP HCM hầu như đi ngang trong tháng 7 (trong khi chỉ số giá lương thực, thực phẩm tăng 1,13% so với tháng trước), cho thấy sức mua đã không còn đà tăng trưởng mạnh.  

 

Tác động về sự chậm lại của kinh tế toàn cầu chưa thực sự rõ ràng lên ngành sản xuất, khi các chỉ số về sản xuất tháng 7 vẫn tương đối tích cực. IIP tăng 12,8% so với cùng kỳ (và 2,6% so với tháng trước), và chỉ số PMI tháng 7 ghi nhận trên mức 50 điểm tháng thứ 10 liên tiếp.

Ngược lại, dữ liệu xuất khẩu đang cho thấy sự chậm lại đáng kể, với mức tăng trưởng đạt 8,9% so với cùng kỳ (từ mức 20,7% trong tháng 6). Sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu chủ yếu đến từ nhóm điện tử (điện thoại giảm 4,7% so với cùng kỳ, từ mức tăng 33%) hay máy tính và đồ điện tử khác (tăng 8,6%, so với 24,8% trong tháng 6).

Tuy nhiên, SSI lưu ý số liệu thương mại của Tổng cục Thống kê chỉ là ước tính sơ bộ và thường có sự khác biệt lớn với số liệu thực tế của Hải quan sẽ được công bố trong tuần tới.

Hồng Hà

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.