Vụ án Ngân hàng Xây Dựng chiều 26/6: Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình cho rằng đã trao hết quyền cho Tổ Giám sát tại VNCB
Chiều hôm nay (26/6), phiên tòa xét xử vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo.
16h55: Kết thúc phiên toà chiều ngày 26/6
16h30: LS Trương Thị Minh Thơ, bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thanh tham gia xét hỏi:
Đại diện NHNN cho biết Quyết định 12 là văn bản cá biệt. Về nguyên tắc khi quyết định triệu tập cán bộ NHNN, đại diện cho rằng không nằm trong phạm vi vụ án nên không trả lời. Ngày 26/12/2013, Nghị định 96 hết hiệu lực thì sẽ sử dụng luật TCTD vào quyết định 12.
Bị cáo Đặng Thanh Bình: Liên quan đến quyết định giám sát, đây là quy định chung về giám sát Ngân hàng yếu kém. Việc điều động cán bộ NHTM thì NHNN không có quyền điều động để tham gia một hoạt động nào đó. NHNN sẽ có văn bản yêu cầu NHTM mà NHNN có quyền nắm chi phối để điều động.
Đối với quyết định 12, ông Bình cho biết, khi phát hiện sai phạm thì tổ giám sát có quyền đề nghị với chi nhánh NHNN Long An thì chi nhánh phải thực hiện thanh tra, giám sát Ngân hàng.
Bị cáo Hà Tấn Phước: Đối với Ngân hàng Đại Tín, Thống đốc đã ban hành quyết định nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Cơ quan giám sát thanh tra là đầu mối tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện đề án tái cơ cấu. Các đơn vị khác phải có phối hợp, thực hiện đề án. Theo nhận thức của bị cáo, Ngân hàng Đại Tín thuộc trách nhiệm của cơ quan giám sát thanh tra.
Về chế độ báo cáo, tổ giám sát báo cáo định kỳ thông qua cơ quan giám sát, gửi cho Thống đốc NHNN. Bị cáo không chịu sự chỉ đạo của NHNN Long An.
Bị cáo Lê Văn Thanh: Bị cáo không được tập huấn để thực hiện theo quyết định 12. Khi mà tổ giám sát thực hiện theo quyết định này, không có quy trình nào hướng dẫn. Tổ chỉ căn cứ vào kinh nghiệm, thực tế để thực hiện.
HĐXX cho biết, lực lượng dẫn giải sẽ không chiết xuất bị án Phan Thành Mai nữa do không còn ai xét hỏi.
16h00: "Số liệu sử dụng trong đề án tái cơ cấu là không chính xác"
Bị cáo Phước tiếp tục trả lời câu hỏi của Luật sư Hà Hải
Do thời gian quá lâu, bản thân bị cáo không nắm được rõ số liệu cụ thể liên quan thanh khoản của hoạt động Ngân hàng. Về mặt thanh khoản, khả năng chi trả theo quy định của NHNN, bản thân bị cáo không nắm được.
HĐXX ngắt lời, lưu ý LS Hà Hải phạm vi vụ án là thiếu trách nhiệm của tổ giám sát và ông Đặng Thanh Bình, một phần của đề án tái cơ cấu ngân hàng.
Bị án Phan Thành Mai: LS hỏi nguyên cớ gì mà NHNN không thể thực thiện được đề án, ông cho rằng toàn bộ số liệu sử dụng trong đề án tái cơ cấu đều bị từ chối do số liệu không chính xác, bị lừa dối. Đối với khoản vay 3.600 tỷ đồng, nhóm Phú Mỹ đã lừa dối. Bên cạnh đó, việc mua sắm tài sản đã bị nâng khống lên 28 lần, làm cho toàn bộ số liệu của đề án sai, không thể xử lý được.
15h35: Xét hỏi về dòng tiền góp vốn của Tập đoàn Thiên Thanh
LS Hà Hải, bảo vệ lợi ích cho bị án Phạm Công Danh về quá trình giám sát dòng tiền góp vốn của Tập đoàn Thiên Thanh.
Bị cáo Phước cho biết do thời gian đã lâu nên không nhớ rõ.
Bị án Phan Thành Mai: Số liệu của ngân hàng đến 31/12/2013 thuộc trách nhiệm của HĐQT, cổ đông cũ chứ không phải của cổ đông mới (Tập đoàn Thiên Thanh).
15h: LS bào chữa cho bị cáo Lê Văn Thanh hỏi ông Bình
Liên quan đến năng lực tài chính nhóm Thiên Thanh được thể hiện nguồn lực bằng tiền mặt, tài sản hình thành trong tương lai như mảnh đất 302 Tô Hiến Thành. Sau khi có tờ trình chấp thuận về phương án tái cơ cấu, cơ quan giám sát NHNN đã có báo cáo của nhóm Thiên Thanh và tổ chức một buổi làm việc. Bị cáo Bình cho biết không tham gia buổi làm việc đó. Bị cáo cũng có tờ trình yêu cầu cơ quan giám sát giải trình.
Tất cả những tài liệu liên quan đến năng lực tài chính, được cơ quan giám sát ngân hàng báo cáo đầy đủ.
Khi LS hỏi về độ lớn, phạm vi của quyết định 12, ông Bình cho biết nội dung quyết định 12 về giám sát đã trao quyền hết sức mạnh cho tổ giám sát.
LS Trần Minh Hải, bảo vệ quyền lợi lợi ích hợp pháp bị án Phạm Công Danh:
LS cho hỏi vì sao sau khi tiếp quản VNCB vẫn nằm trong đối tượng bị kiểm soát đặc biệt nhưng lại không đưa vào? và đặt trong bối cảnh chung tại thời điểm đó, đưa vào kiểm soát đặc biệt thì liệu có giải quyết được hay không?
Về thực trạng ngân hàng Đại Tín trước khi ông Phạm Công Danh tiếp quản, ông Bình cho biết ngân hàng có nợ xấu cao thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thời điểm 2012, tình hình rất là xấu nhưng đến 6/2013 tình hình ngân hàng được cải thiện. Ông Bình cho rằng trao quyền kiểm soát đặc biệt không phù hợp tại thời điểm đó.
Liên quan đến quyết định 12, ông Bình nhấn mạnh cho đến ngày hôm nay chưa có một cơ quan nào đã có quyền xâm nhập vào tổ chức, theo dõi hoạt động của ngân hàng như tổ giám sát tại VNCB.
LS hỏi về cơ chế giám sát của quyết định 12, bị cáo cho biết, quy định giám sát đặc biệt được quy định chung cho ngân hàng, không thể hiện rõ trong quyết định 12.
NHNN đã báo cáo với chính phủ nói rõ nội dung sau khi thanh tra, đánh giá NHNN. Quyết định 12 đã đủ lớn, đủ mạnh để giám sát ngân hàng. Khi LS nghi ngờ về quyền lực của quyết định 12, bị cáo cho biết chưa bao giờ nhận được kiến nghị của NHNN chi Nhánh Long An, tổ giám sát.
14h45:
HĐXX cho biết, việc đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Nghĩa của VKS chánh thanh tra NHNN không cần thiết, nếu quá trình cảm thấy cần thì sẽ xem xét.
HĐXX mời ông Đặng Văn Thảo - Cựu Phó Chánh thanh tra NHNN
Ông Thảo cho biết, kết luận thanh tra đối với VNCB được gửi cho Thống đốc NHNN, Phó Thống đốc NHNN và các bên liên quan. Quá trình đưa ra kết luận thanh tra, ngân hàng xây dựng có đưa ra phương án tái cơ cấu.
Khi được luật sư hỏi về việc chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng mình có chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính. NHNN đã đánh giá năng lực từ tháng 5/2013 đến khi thực hiện đề án tái cơ cấu. Cơ quan giám sát tiếp tục đánh giá hai lần nữa. Ông Bình cho biết, mình có bút phê kiểm tra vốn góp.
14h20: Bị cáo Ngô Văn Thanh khiếu nại về trách nhiệm giám sát các khoản vay
Bị cáo Ngô Văn Thanh: Khoản vay 300 tỷ đồng cầm cố có sổ tiết kiệm và khoản hơn 3.700 tỷ đồng cho 12 cá nhân vay, bị cáo không giám sát mà giao cho bà Trần Thu Hồng.
Bà Trần Thu Hồng: Có trách nhiệm giám sát sau tín dụng, đã gửi công văn VNCB cảnh báo nhắc nhở khoản vay. Bà Hồng cho rằng mình nắm tăng trưởng tín dụng chung mà chưa có câu trả lời trọng tâm khi VKS hỏi bà Hồng có được giao hai khoản vay này hay không.
Bị cáo Lê Văn Thanh: Khoàn vay hơn 3.700 tỷ đồng, bị cáo ngay từ đầu giao cho bị cáo Ngô Văn Thanh và bà Hồng. Còn khoản vay 300 tỷ đồng sau khi bị cáo Ngô Văn Thanh có ý kiến thì giao cho bà Hồng và ông Quách Minh Trung. Theo quyết định 12, tổ viên được phân công kiêm nhiệm.
VKS cho biết đã kiểm tra sau khi bị cáo Ngô Văn Thanh khiếu nại và sẽ xem xét, đánh giá tình hình toàn diện, không làm oan cho bị cáo.
Các bị cáo có mặt tại tòa (ảnh: MA) |
Tóm tắt phiên sáng 26/6:
Cũng giống như các phiên tòa trước, bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN cho rằng những vi phạm của ngân hàng VNCB có liên quan đến việc chấp hành quy định hoạt động an toàn ngân hàng. Có 3 đơn vị liên quan đó là tổ giám sát, NHNN Long An, Cơ quan thanh tra giám sát. Bị cáo có trách nhiệm chỉ đạo chung, không chịu trách nhiệm quyết định cụ thể trừ trường hợp có sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Bị cáo nhận thấy cho rằng mình đã làm đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo thanh tra giám sát, tái cơ cấu NHTM. Những vấn đề vượt thẩm quyền của bị cáo sẽ được xin ý kiến, báo cáo với lãnh đạo NHNN.
Việc đổ vỡ ngân hàng thì ban lãnh đạo NHNN có trách nhiệm về mặt chính trị, có liên quan đến các đơn vị là Tổ giám sát, NHNN Long An, Cơ quan thanh tra giám sát. Trước câu trả lời của bị cáo, VKS đề nghị triệu tập ông Nguyễn Hữu Nghĩa, (Chánh thanh tra NHNN), do có liên quan đến vụ án.
Liên quan đến việc góp vốn của Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo cho biết có nhận công văn về việc chấp thuận nguyên tắc đối với phương án góp vốn. Trong đó, cổ đông mới chịu trách nhiệm về tính chính xác, năng lực tài chính. Bị cáo khai có nhận tờ trình kiến nghị tái cơ cấu ngân hàng VNCB như thành lập mới ngân hàng. Đồng thời có bút phê về việc đồng ý góp vốn, yêu cầu nhà đầu mới không được góp vốn bằng vốn vay, vốn huy động và vốn ủy thác. Tuy nhiên trong tờ trình 1340 không đề cập đến việc cơ quan quản lý phải kiểm tra khoản góp vốn này và việc kiểm tra sẽ thực hiện sau khi góp vốn. Phương án góp vốn đã thể hiện rất rõ ràng. Hơn nữa, trong tờ trình đã thiếu nội dung quan trọng đó là chưa thể hiện yêu cầu của Thủ tướng chính phủ, NHNN.
Tại cuộc họp xin ý kiến về công tác liên quan đến một số hoạt động của ngân hàng Đại Tín, phê duyệt tái cơ cấu. Bị cáo cho biết, cuộc họp đã nêu lộ trình tái cơ cấu triển khai còn chậm. Phương án ban đầu đã không thực hiện theo cam kết. Hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần, tăng vốn điều lệ đều chậm so với mốc 9 tháng. Tuy nhiên trong thảo luận của Ban lãnh đạo cho rằng cần sớm có hiệu lực tái cơ cấu để rằng buộc các nhà đầu tư thực hiện các cam kết của mình.
Cơ quan thanh tra NHNN đã đánh giá rất đủ về năng lực tài chính, tình hình hoạt động ngân hàng. Ban chỉ đạo không có thẩm quyền quyết định hay không về việc tái cơ cấu Ngân hàng. Các quyết định của bị cáo ký không gây ra hậu quả đối với ngân hàng.
Liên quan đến khoản 903 tỷ đồng ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua quỹ Lộc Việt, trong khi bị cáo Ngô Văn Thanh cho rằng mình không phê cũng như không có nhận sự phân công của tổ trưởng về khoản này thì những những cá nhân có liên quan là bà Trần Minh Hồng và ông Quách Minh Trung đều phủ nhận trách nhiệm.