|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VPBank đặt kế hoạch tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng, sẽ mua lại công ty bảo hiểm OPES

15:44 | 08/04/2022
Chia sẻ
Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn lên trên 79.300 tỷ đồng thông qua hai đợt trong năm 2022, phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại. Lợi nhuận kế hoạch ở mức 29.662 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận gần 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, con số này vượt mức lợi nhuận của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank với 27.376 tỷ đồng).

Cơ sở để đạt mức lợi nhuận trên là kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35% (còn phụ thuộc vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) từ 384.030 tỷ lên 518.400 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 27,4%, huy động vốn tăng 27,8%.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ VPBank.

Tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng

Trong năm 2022, ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thành hai đợt.

Đợt 1, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.

Đợt 2, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.

Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. 

Ngân hàng sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi có sự chấp thuận của NHNN và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến thực hiện trong năm 2022.

Nguồn vốn thu được sẽ được sử dụng nhằm tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, góp vốn/mua cổ phần, mua công ty con, công ty liên kết, hợp tác khác với các tổ chức tín dụng và các công ty con, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động,...

Nếu hoàn tất hai đợt, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống hiện này. 

Ngân hàng cũng sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm kế từ ngày kết thúc đợt bán. Tỷ lệ này sẽ được giải toả dần theo tỷ lệ 30%, 35%, 35% qua các năm.

Giá bán dự kiến cho số cổ phiếu là 10.000 đồng. Số tiền thu được từ phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động của ngân hàng.

Mua công ty bảo hiểm OPES

Một trong những vấn đề quan trọng sẽ được trình tại đại hội của VPBank là việc mua lại CTCP Bảo hiểm OPES, có vốn điều lệ 550 tỷ đồng.

Theo đó, VPBank sẽ mua 100% hoặc phần lớn (dự kiến trên 90%) vốn cổ phần của công ty với giá dự kiến không quá 1,5 lần giá trị sổ sách của công ty. Đại hội cổ đông sẽ xem xét uỷ quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định, tổ chức thực hiện, tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp để VPBank tham gia phương án này.

Cùng với đó, ngân hàng sẽ xin phép cấp bổ sung các ngành nghề kinh doanh mới và sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong điều lệ.

Các ngành nghề mà VPBank xin cấp phép bổ sung

 

 

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ.

Diệp Bình

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.