|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VDSC: Việc phát hành riêng lẻ có thể mang về 28.500 tỷ đồng cho VPBank

14:42 | 10/03/2022
Chia sẻ
Ước tính lợi nhuận hợp nhất năm 2022 của VPBank ​​có thể đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã: VPB), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng việc phát hành riêng lẻ dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2022, có thể mang về cho ngân hàng mẹ khoảng 28.500 tỷ đồng.

Ước tính lợi nhuận hợp nhất năm 2022 của VPBank có thể đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. 

Trong đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ là 19.013 tỷ đồng (giảm 50% hay tăng 36% nếu xét trên lợi nhuận cốt lõi) và của FE Credit là 2.167 tỷ đồng, tăng 255% so với cùng kỳ.

Nếu tính riêng quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng có thể tăng trưởng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ. Sang quý II/2022, ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng âm trên nền cao cùng kỳ (nhờ thu nhập từ kinh doanh chứng khoán). Điểm rơi tăng trưởng lợi nhuận có thể đến trong nửa cuối năm 2022.

Thu nhập ngoài lãi dự báo nhích nhẹ 1,2%. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ tăng 27% so với cùng kỳ. Thu từ thanh toán và thẻ được dẫn dắt bởi ngân hàng số. 

Đồng thời mảng bancassurance sẽ phục hồi theo đà tăng tín dụng và chiến lược bán hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng thu nhập cao. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán giảm dựa trên giả định lãi suất trái phiếu chính phủ tăng trở lại theo diễn biến lạm phát.

Nhóm chuyên gia cho rằng CIR năm 2022 của VPBank khó cải thiện mạnh do tăng chi cho các chương trình hỗ trợ kinh doanh và quảng cáo đã tạm hoãn trong năm 2021 khi tình hình hoạt động gặp khó khăn. CIR hợp nhất dự báo giảm 0,5 điểm % về 21,7%.

VDSC: Việc phát hành riêng lẻ có thể mang về 28.500 tỷ đồng cho VPBank - Ảnh 1.

Theo VDSC, chất lượng tài sản hợp nhất sẽ tiếp tục cải thiện nhờ ngân hàng mẹ. Rủi ro nợ xấu giảm giúp ngân hàng cải thiện chi phí tín dụng về 4,9% trên tổng dư nợ, so với 5,9% năm 2021.

Bên cạnh đó, NIM hợp nhất 2022 dự báo giảm 0,26% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ cao hơn FE Credit, mặc dù NIM của ngân hàng mẹ và FE Credit gần như đi ngang. 

Nhóm chuyên gia cũng cân nhắc đến các diễn biến mới về tình hình quốc tế có thể gia tăng áp lực lạm phát trong nước, bên cạnh áp lực cạnh tranh về lãi suất cho vay sẽ mạnh hơn trong năm 2022. 

Song, công ty chứng khoán tin rằng các áp lực này sẽ được bù đắp bởi việc ghi nhận lãi thoái thu khi khách hàng phục hồi, cùng với chi phí vốn tại ngân hàng mẹ giảm nhờ nguồn vốn tự có dồi dào.

Cùng với đó là 300 triệu USD vốn tài trợ quốc tế ưu đãi nhận cuối tháng 10/2021 trong khi 300 triệu USD trái phiếu quốc tế phát hành năm 2019 với lãi suất 6,25%/năm sẽ đáo hạn vào tháng 7/2022. Theo đó, thu nhập lãi thuần (NII) hợp nhất dự báo có thể tăng 21%.

Ngoài ra, VPBank đã công bố kế hoạch tăng vốn tại công ty chứng khoán ASC sau khi hoàn tất mua lại trong năm 2021. Công ty chứng khoán này sẽ cung cấp các dịch vụ môi giới, cho vay và ngân hàng đầu tư cho các khách hàng của VPBank.

Phương Nga