|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VPBank nói gì về kế hoạch bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài?

20:13 | 13/02/2022
Chia sẻ
VPBank thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB), trong năm 2022, ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn bằng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và kế hoạch này vẫn đang được triển khai hết sức tích cực.

Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.

Bởi theo quy định, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi đó, hồi tháng 5/2021, VPBank đã chốt room ngoại ở mức 15% để chào bán cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Tuy không tiết lộ thời gian cụ thể hoàn thành kế hoạch bán 15% vốn cho đối tác nước ngoài nhưng Tổng Giám đốc VPBank khẳng định: "Tất cả những gì ban lãnh đạo cam kết sẽ được thực hiện. Việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện trong những tháng tới đây".

Liên quan đến việc mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán ASC (ASCS), ông Nguyễn Đức Vinh cho biết VPBank sẽ cơ bản mua 100% vốn tại ASCS và đưa công ty trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của VPBank.

5 năm trước, VPBank đã thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Chứng khoán VPS. Theo ông Vinh, đó là quyết định hợp lý vào thời điểm đó, do vốn của ngân hàng khi đó không lớn mà cần tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

"Tuy nhiên, hiện nay, vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư. Trọng tâm thời gian đầu là cung cấp dịch vụ cho khách hàng của ngân hàng, ví dụ như đầu tư trái phiếu, đầu tư chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin... ”, ông Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VPBank cũng cho biết tại Đại hội đồng cổ đông ASCS tới đây, công ty sẽ trình cổ đông thông qua phương án đổi tên thành Công ty chứng khoán VPBank Securities để "không lẫn với bất cứ cái tên nào trên thị trường".

Về kế hoạch kinh doanh, VPBank đặt ra nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản tăng trưởng 30-35% mỗi năm trong 5 năm tới; đặt trọng tâm vào mảng khách hàng cả nhân, cho vay tiêu dùng, kinh doanh thẻ với đa dạng phân khúc, mảng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, VPBank cũng sẽ mở rộng hệ sinh thái, tiếp tục cuộc cách mạng số hóa và tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, lãnh đạo VPBank còn kỳ vọng vào sự phục hồi của khách hàng VPBank, đặc biệt là khách hàng của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) với kịch bản FE Credit có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm 2022, VPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tích cực hơn năm 2021.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/2, cổ phiếu VPB có giá 36.600 đồng/cổ phiếu./.

Lê Phương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.