|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những điều ít biết về VinFast

19:30 | 27/05/2019
Chia sẻ
Cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh VinFast xuất hiện 8 cái tên cá nhân, nắm gần 49% vốn điều lệ, mức góp vốn từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng mỗi người.
Những điều ít biết về VinFast - Ảnh 1.

Ít ai biết rằng, VinFast ban đầu được đăng ký thành lập dưới cái tên Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinpatt (Vinpatt), vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Trong quá trình phát triển thực hiện sáp nhập cùng CTCP Dịch vụ và Kinh doanh VinFast và General Motors Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của công ty đã tăng hơn 50 lần lên gần 25.100 tỉ đồng.

Số vốn này do 10 cổ đông chính đóng góp, trong đó cổ đông sáng lập CTCP Tập đoàn Vingroup nắm 26,285% vốn điều lệ, CTCP Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce (công ty con của Vingroup) nắm 24,9%. Hai đơn vị này sở hữu tổng cộng 51,19% vốn điều lệ của VinFast, đúng bằng tỉ lệ biểu quyết của Tập đoàn Vingroup tại VinFast công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019. Cũng theo số liệu từ báo cáo này, tỷ lệ lợi ích của Vingroup tại VinFast tại 31/3/2019 chỉ đạt 42,29%.

Đáng chú ý, số cổ phần còn lại của VinFast gần 49% lại thuộc sở hữu của 8 cá nhân, với số vốn góp từ 1.000 – 2.000 tỉ đồng mỗi người, tương đương tỉ lệ sở hữu từ 4% đến 8% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, một vài cái tên có mối liên hệ khá mật thiết với các công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup như bà Nguyễn Thị Huyền Trân góp vốn 1.854 tỉ đồng, là Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang. Hay bà Nguyễn Thị Mai Thu góp vốn 1.550 tỉ đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam. Hai doanh nghiệp nói trên đều là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Nhiều cái tên khác cũng góp số tiền "khủng" vào VinFast như bà Trần Kim Quyên, ông Hoàng Quốc Thủy, mỗi người 2.000 tỉ đồng; ông Trần Kiên Cường và bà Lê Thanh Hiền, mỗi người gần 1.900 tỉ đồng; hay như ông Cao Văn Chinh là hơn 1.000 tỉ đồng…

Những điều ít biết về VinFast - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông của VinFast tính đến thời điểm 18/3/2019 (ĐA tổng hợp)

Một điểm lưu ý là tỷ lệ biểu quyết của Vingroup tại VinFast bắt đầu giảm từ 100% xuống 51% trong quý II/2018. Rất có thể đây là khoảng thời gian các cổ đông cá nhân bắt đầu góp thêm vốn vào công ty.

Hiện tại, nhà máy của VinFast gần như hoàn thiện và đã sản xuất gần 200 chiếc xe, đưa đi thử nghiệm trên toàn thế giới. Hai chiếc SUV và Sedan của VinFast cũng đang được các chuyên gia (cả nội cả ngoại) cho chạy thử trong điều kiện của Việt Nam theo dọc miền đất nước để đánh giá, tinh chỉnh các chi chi tiết cho phù hợp. Và ngày 14/6 tới đây, VinFast sẽ tiến hành sản xuất hàng loạt các mẫu xe ô tô đầu tiên, sau đó giao xe cho khách hàng trong giai đoạn cuối năm.

Theo kế hoạch ban đầu, tổng mức đầu tư cho dự án tổ hợp sản xuất VinFast vào khoảng 3,5 tỉ USD, trong đó riêng cấu phần dành cho sản xuất ô tô, xe máy đã chiếm hơn 3 tỉ USD.

Cho đến thời điểm kết thúc quý I/2019, Vingroup đã đầu tư khoảng 31.000 tỉ đồng vào tổ hợp VinFast, chiếm gần một nửa giá trị xây dựng dở dang toàn Tập đoàn. Hàng "tấn tiền" đã được Vingroup đổ vào khu vũng lầy Cát Hải – Hải Phòng chỉ sau hơn một năm rưỡi, cải tạo nơi đây thành một trong những khu công nghiệp – công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.

Quý I năm nay cũng là quý thứ hai liên tiếp Vingroup ghi nhận doanh thu từ hoạt động sản xuất, đạt 1.231 tỉ đồng. Doanh thu này đến từ việc bán xe máy điện Klara và điện thoại VinSmart. Nửa cuối năm 2019 này, Vingroup có thể đón nhận dòng tiền đầu tiên từ hoạt động bán ô tô.

Theo lời Tổng giám đốc James Deluca, VinFast chỉ mất 21 tháng để làm những công việc mà hầu hết các nhà máy ô tô khác trên thế giới phải cần từ 36 - 60 tháng, một dự án được cho là "hỏa tốc", một quãng thời gian kỷ lục trong ngành.

Đông A