|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 90%, không chia cổ tức

12:10 | 20/05/2020
Chia sẻ
Năm 2020, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu 97.000 tỉ đồng và lãi sau thuế 31.000 tỉ đồng, đều tăng trưởng đáng kể so với thực hiện năm ngoái.
Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 90%, không chia cổ tức - Ảnh 1.

Chương trình bốc thăm “Căn nhà hạnh phúc” do Vinhomes tổ chức. Ảnh: online.vinhomes.vn.

Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) cho biết đại hội cổ đông thường niên năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 29/5 tới đây tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội.

Theo tài liệu đại hội vừa được công bố, Vinhomes đề ra mục tiêu doanh thu năm nay đạt 97.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 31.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 90% và 27% so với thực hiện năm 2019.

Quí I vừa qua, Vinhomes đạt lãi sau thuế 7.645 tỉ đồng, cao hơn doanh thu thuần (6.519 tỉ đồng) và cao gấp 2,8 lần lợi nhuận quí I/2019. Nguyên nhân chính là công ty ghi nhận 7.500 tỉ đồng lãi từ chuyển nhượng khoản đầu tư vào công ty con.

Như vậy sau ba tháng đầu năm, công ty đã thực hiện 24,7% kế hoạch lợi nhuận và 6,7% mục tiêu doanh thu.

Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 90%, không chia cổ tức - Ảnh 2.

Vinhomes là quán quân lợi nhuận quí I/2020 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ dữ liệu của FiinPro.

Vinhomes cho biết sẽ phát triển bất động sản khu công nghiệp tại các thành phố lớn, có hạ tầng tốt như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và phát triển hạng mục văn phòng nằm trong các khu đô thị Vinhomes trong khoảng 3-5 năm tới nhằm mở rộng danh mục tài sản mang lại thu nhập ổn định.

Ban lãnh đạo công ty kì vọng định hướng phát triển các khu công nghiệp sẽ giúp Vinhomes tận dụng được điều kiện thuận lợi về kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Mối quan hệ với các nhà sản xuất quốc tế của Tập đoàn Vingroup trong việc phát triển lĩnh vực công nghiệp được cho là lợi thế cho Vinhomes trong việc tiếp cận nguồn khách hàng quốc tế tiềm năng để phát triển mảng kinh doanh này.

Vinhomes đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 90%, không chia cổ tức - Ảnh 2.

Khu đô thị Vinhomes Times City tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Trong lĩnh vực phát triển bất động sản văn phòng, Vinhomes đang có cơ hội tốt nhờ tỉ lệ lấp đầy của thị trường văn phòng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức cao, lần lượt là 93% và 97%, theo Savills.

Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng lớn kéo theo nhu cầu văn phòng tăng cao. Tỉ lệ khách thuê là các công ty nước ngoài tại Hà Nội tăng từ 55% năm 2017 lên 59% vào năm 2019. 

Trong khi đó, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ bằng khoảng 1/6 – 1/5 so với các thành phố/quốc gia khác trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lampur, Jakarta dù nguồn cung vẫn đang được dự báo sẽ tăng, cho thấy dư địa đang còn rất lớn.

Vinhomes cho rằng bất động sản văn phòng và khu công nghiệp sẽ giúp công ty mang về thu nhập thường xuyên và ổn định.

Năm 2019, Vinhomes đạt doanh thu thuần hợp nhất 51.627 tỉ đồng, tăng trưởng 33,5% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt 48.162 tỉ đồng và doanh thu từ cho thuê bất động sản đạt 1.114 tỉ đồng.

Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản năm 2019 chủ yếu đến từ việc hoàn thành và bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River. Doanh thu từ cho thuê bất động sản của Vinhomes đến từ căn hộ dịch vụ và văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 24.319 tỉ đồng, tăng 65% so với năm 2018. Công ty cũng nộp 16.096 tỉ đồng vào Ngân sách Nhà nước trong năm ngoái.

Tính đến cuối năm 2019, báo cáo tài chính riêng của Vinhomes ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 11.860 tỉ đồng. Công ty dự định trình đại hội cổ đông thông qua phương án trích 5.000 tỉ đồng vào quĩ dự trữ, số còn lại dùng để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh và không chi trả cổ tức.

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.