Bất động sản Việt Nam đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc
Theo South China Morning Post (SCMP), Việt Nam có thể hưởng lợi khi quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc - công xưởng của thế giới, sang các khu vực khác tăng tốc.
Việt Nam là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc kể từ khi các ông lớn như Apple, Samsung và nhà cung ứng của họ chuyển dây chuyền sản xuất sang nước ta để hạn chế thiệt hại của cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích nhận định bất động sản khu công nghiệp và dân cư ở Hà Nội và TP HCM nhiều khả năng sẽ đón đầu thêm một cơn gió thuận sau khi đại dịch phá vỡ chuỗi cung ứng và khiến căng thẳng chính trị - thương mại giữa Trung Quốc và các cường quốc khác leo thang.
"Đại dịch COVID-19 buộc nhiều công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ", bà Sunny Hoang Ha - Giám đốc bán hàng của SPG Land, cho hay. "Việt Nam có cơ hội hưởng lợi", vị giám đốc này nói thêm.
Theo công ty tư vấn JLL, so với cuối năm 2019, tỉ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp ở khu vực phía bắc (bao gồm cả thành phố Hà Nội và Hải Phòng) đã tăng từ 70% lên 72% trong quí I năm nay. Mức tăng này được củng cố bởi nhu cầu cơ bản, sau đó giảm dần từ tháng 2 trở đi do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Còn theo PropertyGuru, khách nước ngoài và công nhân nhà máy đến Việt Nam dự kiến cũng tăng theo, mang lại cho thị trường bất động sản nhà ở một cú hích. So với cùng kì năm ngoái, đại dịch và suy thoái kinh tế đã khiến nhu cầu nhà ở giảm 18% trong quí I, số lượng bất động sản niêm yết giảm 28% trong cùng kì.
Ông Jeremy Williams - Giám đốc kinh doanh của PropertyGuru, tức đơn vị vận hành trang web batdongsan.com.vn, cho hay: "Khi doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy từ Trung Quốc sang Việt Nam, họ sẽ cần chỗ ở cho cả công nhân nước ngoài lẫn trong nước. Nhu cầu ở phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tăng, từ đó tạo đà để giá bất động sản đi lên".
Theo SCMP, giới phân tích đang quan sát xem chính sách mới nhất của chính phủ Nhật Bản có thể thúc đẩy doanh nghiệp đổ xô đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á hay không.
Trong gói kích thích kinh tế kỉ lục được công bố giữa đại dịch, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã dành riêng 220 tỉ yen (tương đương 2 tỉ USD) cho các công ty Nhật Bản muốn chuyển sản xuất về quê nhà và 23,5 tỉ yen khác cho các công ty muốn đa dạng cơ sở sản xuất đến khu vực Đông Nam Á như Việt Nam.
Mỹ cùng các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng đang bày tỏ mong muốn giảm sự phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Apple, Nintendo, Samsung cùng nhiều nhà cung ứng châu Á đã chuyển một số dây chuyển sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam.
Đầu tháng 5, Nikkei Asian Review đưa tin Apple sẽ sản xuất hàng triệu chiếc tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam ngay trong quí II. Đây là tín hiệu tiếp theo cho thấy Apple đang đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa năng lực sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.
Theo dữ liệu của World Bank, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 10% lên 15,5 tỉ USD vào năm 2018 - tăng trưởng năm thứ 7 liên tiếp.
"Tư duy về chuỗi cung ứng 'hàng rào khoanh vùng' (ring-fencing supply chain) để giảm phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ sẽ chắc chắn góp phần thúc đẩy làn sóng dịch chuyển", ông Williams nói.
"Việt Nam hưởng lợi nhờ vị trí địa lí gần gũi với Trung Quốc, cũng như nhờ lực lượng lao động lành nghề và tuân thủ kỉ luật. Hơn nữa, lương công nhân tại Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ của Trung Quốc", ông Wiliiams phân tích thêm.
Chiến lược chống dịch COVID-19 của Việt Nam cũng được báo chí và phương tiện truyền thông quốc tế ca ngợi là vừa hiệu quả vừa ít tốn kém. Cho đến nay, Việt Nam chỉ mới ghi nhận 324 ca xác nhận nhiễm và chưa có trường hợp tử vong nào. Cuối tháng 4, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, dần mở cửa nền kinh tế trở lại.
Theo SCMP, các công ty bất động sản, quĩ đầu tư tư nhân và nhà phân tích đang đặt cược vào triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là sau khi chính phủ cho phép người mua nước ngoài sở hữu không quá 30% số căn hộ trong một tòa nhà từ năm 2015.
Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu của EXS Capital - một quĩ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hong Kong và đã rót vốn vào SonKim Land. Các tuyến đường cao tốc mới tại Hà Nội và TP HCM, dự kiến bắt đầu khởi chạy trong năm nay và năm 2021, sẽ tăng sức hút của hai thành phố trong mắt nhà đầu tư.
"Nhiều dự án dân cư gần gần các tuyến metro bán rất chạy, khi các tuyến tàu cao tốc này đi vào hoạt động, giá dự kiến còn tăng cao hơn nữa", ông Andy Han Suk Jung - CEO của SonKim Land, cho hay.
Bên cạnh đó, với dân số trẻ, Việt Nam còn sở hữu một đội ngũ người lao động tài năng, qua đó gia tăng sức hút đầu tư.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/