Vì đâu doanh nghiệp Nhật Bản hờ hững với gói ưu đãi của chính phủ, ngại rời bỏ Trung Quốc?
Khó khăn nào cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc?
Trong gói kích thích kinh tế kỉ lục được công bố giữa đại dịch, chính phủ Nhật Bản đã dành riêng 220 tỉ yen (tương đương 2 tỉ USD) cho các công ty Nhật Bản muốn chuyển sản xuất về quê nhà và 23,5 tỉ yen khác cho các công ty muốn đa dạng cơ sở sản xuất đến khu vực Đông Nam Á như Việt Nam.
Theo South China Morning Post (SCMP), chính phủ Nhật Bản đưa ra động thái trên sau khi các hãng ô tô và nhiều nhà sản xuất khác gặp phải tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc vì hoạt động sản xuất tại đất nước tỉ dân tạm thời phải dừng lại để kiểm soát đại dịch hồi đầu năm nay.
Linh kiện do đối tác Trung Quốc hoặc công ty con của doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất tại Trung Quốc thường dùng để chế tạo động cơ, hệ thống đánh điện, phụ kiện nội thất và nhựa đúc. Ngoài xuất khẩu sang Nhật Bản, các linh kiện này cũng được sử dụng tại nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản tại chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, thiếu hụt linh kiện không phải là mối lo duy nhất đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc.
Theo SCMP, doanh nghiệp Nhật Bản lo lắng sẽ bị ảnh hưởng khi phải đóng thêm thuế hoặc thuế quan tăng trong tương lai do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, chi phí nhân công tăng và căng thẳng chính trị xoay quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh khẳng định nắm chủ quyền.
Một mối lo ngại khác liên quan đến hành vi trộm tài sản trí tuệ từ công ty Nhật Bản của Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có một số thông tin về bất đồng trong nội bộ chính phủ Nhật Bản, liên quan đến việc hợp tác với công ty Trung Quốc có thể làm tổn hại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng doanh nghiệp Nhật Bản vẫn thấy triển vọng khi ở lại Trung Quốc.
Bất lợi đủ đường nếu chọn rời thị trường tỉ dân
Tất cả 5 công ty Nhật Bản trao đổi với SCMP đều cho biết họ dự định tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc với lí do đất nước tỉ dân vẫn là một thị trường cực kì quan trọng.
Ngoài ra, 5 công ty này nhận thấy sẽ rất tốn kém và gây ra gián đoạn không cần thiết khi chuyển phần lớn hoạt động sang nơi khác, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại.
"Toyota không có kế hoạch thay đổi chiến lược sản xuất tại Trung Quốc và châu Á do tình hình hiện tại", hãng chế tạo ô tô có trụ sở tại tỉnh Aichi (Nhật Bản) tuyên bố.
"Ngành công nghiệp tô tô sử dụng rất nhiều linh kiện cũng như vận hành một chuỗi cung ứng rộng lớn, cho nên khó mà dịch chuyển ngay tức thì được. Chúng tôi hiểu quan điểm của chính phủ Nhật Bản, nhưng Toyota không có kế hoạch thay đổi cơ sở sản xuất", Toyota lí giải.
Nhà cung ứng thiết bị nội thất và vật liệu xây dựng Lixil cũng đưa ra một tuyên bố tương tự, cho biết công ty không có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
"Chúng tôi đang vận hành một chuỗi ứng toàn cầu linh hoạt với hơn 100 cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Cấu trúc linh hoạt và tích hợp đầy đủ này cho phép chúng tôi loại bỏ được một số tác động của COVID-19", Lixil cho biết.
Một nhà sản xuất Nhật Bản thứ ba (giấu tên) cho biết sẽ tiếp tục sản xuất hàng hóa tại thị trường tỉ dân vì "công ty thiết kế sản phẩm cho Trung Quốc và bán sản phẩm cho chính người dân Trung Quốc". Hãng này nói chuyển đi nơi khác sẽ không mang lại nhiều lợi ích kinh doanh.
Giáo sư Ivan Tselichtchev của Đại học Quản lí Niigata cho biết: "Các công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc sẽ phải rất cẩn trọng về lời nói cũng như quyết định rời đi hay ở lại. Họ muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc".
Ngay cả khi nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, chuyển sản xuất sang cơ sở mới hoặc thậm chí sang một nước khác chắc chắn sẽ rất tốn kém không chỉ vì chi phí bồi thường cho nhân viên và đối tác kinh doanh nếu họ từ bỏ Trung Quốc, ông Tselichtchev nói.
Tương tự, các thủ tục giấy tờ liên quan sẽ rất tốn thời gian và đắt đỏ, trong khi giới chức Trung Quốc có thể can thiệp, khiến quá trình giấy tờ phức tạp hơn nhằm khiến doanh nghiệp nản lòng, giáo sư Tselichtchev lí giải thêm.
"Các công ty không muốn bàn đến những vấn đề nhạy cảm như thế này vì về mặt lí thuyết, chính phủ Trung Quốc có thể trả đũa họ", ông Jun Okumura - nhà phân tích tại Viện Meiji về các vấn đề toàn cầu, cho hay.
"Đồng thời, Trung Quốc vẫn là một thị trường tỉ dân. Trung Quốc sẽ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khi thế giới vực dậy từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Doanh nghiệp Nhật Bản không muốn làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho vị thế của họ ở thị trường này", ông Okumura nói thêm.
Nhà phân tích Okumura cho biết thay đổi lớn nhất mà đại dịch tạo ra sẽ là việc nhiều công ty bắt đầu chuẩn bị trước để linh hoạt hơn trong trường hợp xảy ra thảm họa thông qua xây dựng cơ sở sản xuất bổ sung, chẳng hạn như tại Đông Nam Á.
Theo SCMP, doanh nghiệp Nhật Bản hiện đã có mặt tại 10 nước ASEAN, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Năm 2017, các công ty này đã đầu tư 22 tỉ USD vào khu vực - gấp đôi con số năm 2012. Các công ty trong lĩnh vực ô tô tập trung vào Thái Lan, Indonesia, trong khi máy móc và bán lẻ thì tập trung vào Việt Nam.