|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vĩnh Hoàn vẫn chơi lớn

08:20 | 11/05/2020
Chia sẻ
Bất chấp COVID-19 đang khiến nhiều DN có xu hướng co cụm lại, Vĩnh Hoàn vẫn quyết định sẽ dành gần 600 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư mở rộng trong năm nay.

Trong báo cáo thường niên được công bố mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã xây dựng hai kịch bản đối với các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020.

Với kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỉ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng giảm 10%, còn 1.063 tỉ đồng. Trong kịch bản thứ hai, doanh thu và lãi sau thuế dự đạt 6.450 tỉ đồng và 800 tỉ đồng, lần lượt giảm 18% và 32%.

Vĩnh Hoàn xây dựng hai kịch bản tăng trưởng trong năm 2020, dự kiến trả cổ tức bằng tiền tỉ lệ 10 - 20% - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2019 của VHC)

Với kết quả thực hiện được, Vĩnh Hoàn dự kiến trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông với tỉ lệ từ 10 - 20% (tương ứng với mỗi cổ phiếu được nhận 1.000 - 2.000 đồng). Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ quyết định tỉ lệ cụ thể và thời gian chốt danh sách cổ đông theo qui định.

Cơ hội gia tăng lợi nhuận nhờ mảng kinh doanh collagen

Năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỉ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỉ đồng.

Vĩnh Hoàn: Kì vọng bứt phá nhờ mảng kinh doanh collagen - Ảnh 2.

(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2019 của VHC)

Với kết quả trên, Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục triển khai dự án đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy collagen thêm 75%, đạt 3.500 tấn thành phẩm trong năm 2020.

Dự kiến dây chuyền mở rộng sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020 và giúp doanh số sản phẩm collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn tăng trưởng khoảng 60%, đạt mức 35 triệu đô. Theo đó, lợi nhuận ròng của dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe được kì vọng sẽ tăng khoảng 50%.

Được biết, nhà máy sản xuất collagen và gelatin với công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm do Vĩnh Hoàn sở hữu 90% vốn được khởi công xây dựng vào năm 2013. Sau đó hai năm, nhà máy chính thức đi vào hoạt động nhưng chỉ chạy 30% công suất thiết kế.

Khi đó, Vĩnh Hoàn cho biết công ty sẽ kinh doanh collagen trên hai phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm.

Đây là điểm rất mới vì trước đó, chưa có doanh nghiệp trong nước nào chiết xuất được collagen, nhất là từ da cá tra. Nguyên liệu collagen dùng trong sản xuất collagen đều phải nhập khẩu.

Với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy, Vĩnh Hoàn có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp trong ngành về chi phí đầu vào và khả năng cạnh tranh.

Vĩnh Hoàn: Kì vọng bứt phá nhờ mảng kinh doanh collagen - Ảnh 3.

Sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn. (Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2019 của VHC)

Ngoài ra, VHC sẽ tiếp tục đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Với việc nhà máy bột cá và mỡ cá của Vĩnh Phước đã đi vào hoạt động đầu năm 2020, doanh số bán mỡ cá và bột cá được kì vọng sẽ tăng 20% so với năm trước.

Bên cạnh đó, VHC nhận định việc mở rộng hình thức bán hàng trực tiếp cho các siêu thị và chuỗi nhà hàng trong năm 2020 có thể mang đến lợi nhuận ngay lập tức và góp phần cải thiện giá bán.

Đầu tư 580 tỉ đồng năm 2020

Trong năm 2020, VHC có kế hoạch đầu tư ba dự án chính là xây dựng trại cá giống Vĩnh Hoàn, mở rộng cải tạo dây chuyền sản xuất nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, với tổng số vốn đầu tư là 205 tỉ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dành 30 tỉ đồng cho việc xây dựng những vùng nuôi nhỏ và cải tạo những vùng nuôi hiện thời, 160 tỉ đồng cho công tác hoàn thành và đầu tư mới kho lạnh tại Vĩnh Phước... Tổng chi phí đầu tư trong năm 2020 dự kiến là 580 tỉ đồng.

Trong diễn biến gần đây, Vĩnh Hoàn đã công bố báo cáo tài chính quí I với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 1.636 tỉ đồng, giảm gần 9% so với cùng kì năm trước. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ tương ứng giảm hơn một nửa, còn 152 tỉ đồng.

Với kịch bản tăng trưởng thứ nhất, Vĩnh Hoàn đã thực hiện 19% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lãi ròng. Tương tự với kịch bản thứ hai, VHC đã đã thực hiện 25% chỉ tiêu doanh thu và 19% chỉ tiêu lãi ròng đã đặt ra trước đó.

Cũng như các lĩnh vực xuất khẩu khác, kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn sụt giảm dưới tác động bởi COVID-19 không quá bất ngờ. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã trở nên khả quan hơn. 

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết hiện nay ngành thuỷ sản xem như đã vượt qua COVID-19, đang phục hồi dần và phấn đối mục tiêu kim ngạch không bị sụt giảm so với năm 2019.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng nhận định hiện ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển thị phần, khi các quốc gia sản xuất thủy sản lớn của thế giới hiện đang bị kẹt trong dịch COVID-19 trong khi chúng ta phục hồi sớm hơn.

"Để duy trì cho nguồn cung thủy sản của thế giới thì sự thay thế của Việt Nam sẽ là cơ hội cho thủy sản của chúng ta thời gian tới. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng và tham gia thả nuôi ngay trong thời gian của dịch để đón bắt cơ hội tốt hơn", ông Hòe cho biết

Thanh Tùng