|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội lớn thủy sản Việt Nam khỏa lấp nguồn cung bị thiếu hụt hậu COVID-19

10:49 | 09/05/2020
Chia sẻ
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cho biết các quốc gia sản xuất thủy sản lớn của thế giới hiện đang bị kẹt trong dịch COVID-19 trong khi chúng ta phục hồi sớm hơn nên các nước này có độ trễ đáng kể so với Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết dịch COVID-19 tác động mạnh đến các thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam, tác động tiêu cực đến nông ngư dân, doanh nghiệp.

Cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam khỏa lấp nguồn cung bị thiếu hụt hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP). Ảnh: VTV1

Tuy nhiên hiện nay ngành đang phục hồi dần và phấn đối mục tiêu kim ngạch không bị sụt giảm so với năm 2019. 

Cụ thể, năm nay ngành phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,6 tỉ USD trong đó tôm 3,8 tỉ tăng 15% so với 2019 để bù đắp phần sụt giảm của cá tra chỉ có thể đạt 1,6 tỉ USD. Riêng hải sản khai thác có thể đạt mức năm ngoái 3,2 tỉ USD.

Nhanh chóng chớp cơ hội

Ông Hòe nhận định hiện ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển thị phần. Theo đó, các quốc gia sản xuất thủy sản lớn của thế giới hiện đang bị kẹt trong dịch COVID-19 trong khi chúng ta phục hồi sớm hơn nên các nước này có độ trễ đáng kể so với Việt Nam. 

"Để duy trì cho nguồn cung thủy sản của thế giới thì sự thay thế của Việt Nam sẽ là cơ hội cho thủy sản của chúng ta thời gian tới. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng và tham gia thả nuôi ngay trong thời gian của dịch để đón bắt cơ hội tốt hơn", ông Hòe cho biết

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng thủy sản hầu như không phụ thuộc vào Trung Quốc.  

Điều này giúp các ngành hàng phụ trợ cho nuôi trồng thủy sản như sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì, vật tư…sẽ có cơ hội phát triển tại Việt Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn cho sản xuất.

Bên cạnh đó, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra chiến tranh thương mại.

Nhu cầu thực phẩm sau dịch được dự báo sẽ tăng mạnh. Ông Hòe cho biết thực tế tháng 4 xuất khẩu thủy sản đã tăng hơn rất nhiều so với tháng 3. 

Đề xuất hỗ trợ tăng tốc sản lượng tôm cho tháng 7,8

Trong ngắn hạn, đại diện VASEP đề xuất đẩy mạnh chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như hậu COVID-19

Hiện nay có tình trạng nhu cầu thủy sản của thế giới chuyển sang các sản phẩm size nhỏ và giá rẻ hơn nên cơ sở hiện nay vẫn còn số lượng lớn các cơ sở cỡ lớn không được mua. 

"Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách chọn lựa một doanh nghiệp ở mỗi điạ phương có thể mua để dữ trữ, chờ bán sau dịch, mở rộng hạn mức tín dụng", ông Hòe nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho người nông dân nuôi tôm, khai thác biển để thực hiện ngay từ tháng 5 thả lại tôm bắt kịp tháng 7,8 khi thị trường và thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ trong khi một số nước cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Ban hành, thực hiện đầy đủ chính sách để thu hút nguồn lực lao động như hỗ trợ an sinh cho người lao động, các gói vay trả lương cho người lao động. 

Theo ông Hòe, tình trạng thiếu lao động đang là mối lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ thủy sản.

Đại diện của VASEP cũng kiến nghị thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công trực tuyến giảm bớt gánh nặng về tuân thủ, tiết kiệm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp, người dân. 

"Chúng tôi đề nghị bãi bỏ qui định mã số, mã vạch nước ngoài tại nghị định 74, xác lập hàng chế biến đối với sản phẩm thủy sản thay vì bị áp đặt sơ chế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Hòe nói.

Đặc biệt, Tổng Thư kí  VASEP kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam. Cụ thể, cơ chế sử dụng kho lạnh để trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro cao đối với thủy sản.

Về dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường và nghiên cứu thị trường trong bối cảnh mới. Thúc đẩy hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm, sản giao dịch điện tử con giống trong thời gian tới.

Nghiên cứu chiến dịch đầu tư nông thủy sản khu vực biên giới nhằm phát triển thị truờng Trung Quốc bền vững hơn nữa.

H.Mĩ