|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vĩnh Hoàn, Sadaco xin test COVID-19 miễn phí vì gánh nặng quá lớn

08:02 | 18/09/2021
Chia sẻ
Chi phí xét nghiệm COVID-19 gây sức ép quá lớn cho các doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Sadaco trên thềm bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất. Các doanh nghiệp chủ động xin được miễn phí chi phí test COVID-19 theo quy định của Nhà nước.

Doanh nghiệp muốn được miễn phí test COVID-19

Theo Bộ Y tế, chi phí xét nghiệm (test) nhanh COVID-19 được xác định hiện đang có giá 135.000 đồng/mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (PCR) có giá 734.000 đồng/mẫu.

Để duy trì sản xuất trong hoàn cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp phải chi trả chi phí test nhanh, PCR cho người lao động. Đây là khoản tiền không nhỏ tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16 khu vực Nam bộ, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn cho biết Vĩnh Hoàn đang có 5 nhà máy ở Đồng Tháp đang thực hiện 3 tại chỗ với 5.500 lao động.

Mỗi tháng doanh nghiệp phải chi vài tỷ đồng cho test COVID-19, doanh nghiệp sẽ khó cầm cự nếu 3 tại chỗ kéo dài.

"Nhà nước có thể xem xét coi chi phí test COVID-19 trong doanh nghiệp giống như các chi phí tầm soát COVID-19 ngoài xã hội.

Chúng tôi kiến nghị tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay và các chi phí xét nghiệm theo quy định sẽ do Nhà nước chi trả", bà Khanh nói.

Bà Khanh phân tích nếu Nhà nước chịu chi phí này thì Nhà nước sẽ cơ chế thích hợp hơn. Còn việc để doanh nghiệp chịu khoản phí này thì chưa có sự cân đong đo đếm về tài chính và chỉ nghiêng nặng về kiểm dịch.

Vĩnh Hoàn, Sadaco xin test COVID-19 miễn phí vì gánh nặng quá lớn - Ảnh 1.

Chi phí test COVID-19 đang tạo áp lực cho doanh nghiệp 3 tại chỗ, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đối với doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, chi phí test COVID-19 đã trở thành gánh nặng thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ càng thêm phần khó.

Trao đổi người viết, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết tỷ lệ công nhân được tiêm vắc xin ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế bởi doanh nghiệp có sức chịu đựng kém, không đủ khả năng hoạt động 3 tại chỗ.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sản xuất cầm chừng thì không có tiếng nói trong khi chính sách tiêm ngừa vắc xin chủ yếu tập trung vào khu công nghiệp.

Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là được hoạt động trở lại. Song Nhà nước cần có chính sách miễn phí chi phí test nhanh, chích ngừa cho công nhân trong doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Các doanh nghiệp này đang yếu lắm rồi. Nếu phải chi trả vài trăm đến 1 triệu đồng/lần test cho công nhân, tôi e doanh nghiệp không thể sống nổi đến khi khôi phục sản xuất trở lại.

Do đó, test COVID-19 và chính ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất với doanh nghiệp, sau đó mới tính đến việc huy động vốn, quy tụ người lao động", ông Mạnh nói.

Trường hợp, tất cả công nhân âm tính với COVID-19 cần cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo ông Mạnh, hiện nay F0 có thể điều trị tại nhà, chỉ khi trở nặng mới cần đưa đến bệnh viện và tỷ lệ F0 trở nặng cũng thấp.

Do đó, nếu phát hiện F0 sẽ khoanh vùng, doanh nghiệp phối hợp với địa phương tách F0 đi cách ly, F1 theo dõi và quản lý trực tiếp tại nhà máy.

Khi các địa phương xác định sống chung với COVID-19 thì cần cử cán bộ y tế tập huấn cho doanh nghiệp tự test và theo dõi sức khỏe người lao động, thường xuyên cập nhật và báo cáo về cơ quan y tế.

"Chính phủ cần trao quyền cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cần có liên hệ chặt chẽ với địa phương. Như vậy, nhà máy mới có thể sống chung với dịch và giảm tải cho lực lượng y tế", ông Mạnh nói.

Test PCR thông hành liên tỉnh

Đứng trước thời khắc chuyển giao sang sản xuất "bình thường mới", những vấn đề tưởng rất đời thường nhưng đang cản trở các doanh nghiệp cho sản xuất, chế biến như di chuyển, cơ chế test COVID-19 hạn chế vắc xin và cơ chế của các tỉnh chưa đồng bộ.

Bà Khanh chỉ rõ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề di chuyển của công đoàn cá.  Sau khi nhà máy đóng cửa, công đoàn viên trở về nhà thì đến nay không được phép ra đường để test COVID-19 – điều kiện để được lên tàu, ghe tham gia thu hoạch, thả giống.

Do đó, việc yêu cầu công đoàn cá phải cách ly tại nhà 14 ngày sau khi đi thả giống, thu hoạch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái tạo nguồn giống, nguy cơ thiếu hụt giống vào năm sau.

Vĩnh Hoàn, Sadaco xin test COVID-19 miễn phí vì gánh nặng quá lớn - Ảnh 2.

Vĩnh Hoàn đề nghị các địa phương tạo điều kiện lưu thông cho công đoàn thả giống, thu hoạch cá tra khi có giấy xét nghiệm PCR (Ảnh: TK Luật)

"Tại sao di chuyển đường bộ có mối nguy hơn, tiếp xúc nhiều hơn so với đường sông lại thuận lợi hơn. Trong khi đường sông thông thoáng, chủ yếu ở doanh nghiệp cá lại có phần hạn chế hơn.

Do đó, trong giai đoạn phục hồi, các địa phương cần nới lỏng các quy định di chuyển theo tầm kiểm soát của mình", bà Khanh bày tỏ.

Ngoài ra, bà Khanh cũng cho rằng giấy xét nghiệm PCR của công đoàn ngành cá mang tính chất lũy kế 7 ngày/lần, các địa phương cần công nhận kết quả và lực lượng lao động di chuyển giữa các tỉnh.

Đồng thời, không yêu cầu các mẫu mới, yêu cầu mới khiến việc thu hoạch, thả giống gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Bàn về việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết: "Hiện, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn rõ ràng cho nhà máy về quy định xét nghiệm cho công nhân đã tiêm mũi 1 hoặc tiêm 2 mũi. Chúng tôi mong muốn có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo nguyên tắc chống dịch".

Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản cũng đề xuất các địa phương sớm hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1, tiếp tục tiêm mũi 2 cho công nhân hoàn thành mũi 1, đảm bảo việc tái khởi động nền kinh tế.

Hoàng Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.