Thị trường nội địa vươn lên dẫn đầu về doanh thu của Vĩnh Hoàn
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu tháng 12 đạt 1.029 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, cá tra đem về 571 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ. Ngoài sản phẩm giá trị gia tăng và chăm sóc sức khoẻ ghi nhận doanh thu suy giảm thì các sản phẩm còn lại đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Về cơ cấu thị trường, doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng trưởng trong tháng 12 nhờ lực đẩy từ tất cả các thị trường. Trong đó thị trường Việt Nam đã vươn lên đứng đầu về đóng góp doanh thu với 333 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Mỹ là thị trường xuất khẩu chính thứ hai của Vĩnh Hoàn trong tháng với 281 tỷ doanh thu, tăng 38% so với tháng 11 năm ngoái. Thị trường EU đem về 180 tỷ, Trung Quốc đạt 93 tỷ; tăng lần lượt 33% và 21% so với tháng 11/2023.
Nếu so với tháng 11, tổng doanh thu tháng 12 của Vĩnh Hoàn tăng 6%, trong đó tất cả các thị trường trừ Mỹ đều báo doanh thu tăng trưởng. Doanh thu từ mảng cá tra ghi nhận tăng 9% so với tháng 11/2024.
Cập nhật thông tin về tình hình hoạt động, ngày 17/1, Việt Nam và Mỹ đã ký thoả thuận song phương về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi-lê từ Việt Nam. Theo đó, hai bên đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc DS536 tại WTO.
Theo thỏa thuận này, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Mỹ, đồng thời là nhà xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Mỹ.
Ngành cá tra tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng nhờ sản lượng trong 2025
Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ngành cá tra kỳ vọng tăng trưởng nhờ sản lượng khi duy trì giá bán cạnh tranh so với cá rô phi và cá minh thái nội địa Mỹ. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND ước tăng 3% sẽ hỗ trợ phần nào đà tăng trưởng giá bán quy đổi VND.
Đơn vị phân tích nhìn nhận thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi khả năng chi trả của người tiêu dùng còn thấp và thị trường EU gặp sự cạnh tranh cao với giá minh thái gốc Nga.
Đối với thị trường Mỹ, sản lượng tăng trưởng tùy thuộc vào mức thuế của Mỹ lên các nước.
Theo kịch bản cơ sở, Mỹ sẽ áp 25% thuế lên toàn bộ mặt hàng Trung Quốc vào quý II/2025 và áp thuế/gia tăng biện pháp phòng vệ lên Việt Nam trong nửa đầu năm 2026. Đối với kịch bản này, VDSC kỳ vọng cá tra tăng 1% thị phần sản lượng nhờ chiếm 0,3% thị phần cá rô phi và 0,7% cá hồi sau khi chia sẻ một phần thị phần với cá minh thái nội địa Mỹ.
Cá rô phi đã bị áp thuế nhập khẩu 25% kể từ năm 2019 nên tại kịch bản này không có nhiều thay đổi về giá. Tuy nhiên, thị phần cá rô phi kỳ vọng giảm dần khi giá cá rô phi 11 tháng của năm 2024 hiện cao hơn 44% so với cá tra và thị phần cá rô phi đã giảm từ 14,12% xuống 11,49% trong giai đoạn 2019 - 2023 sau khi bị áp thuế vào năm 2019.
Năm 2025, các nhà phân tích kỳ vọng thị phần sản lượng cá hồi sẽ giảm từ 24% về mức trung bình 2019 - 2023 tại 23% khi lạm phát vẫn duy trì mức cao và tốc độ tăng trưởng việc làm và chi tiêu tiêu dùng chậm lại so với năm 2024. Lũy kế 11 tháng năm ngoái, thị phần sản lượng cá hồi nhập khẩu cũng đã giảm về 24,4% so với 26,7% của cùng kỳ 2023.
Trong năm 2024, thị phần cá tra tăng mạnh nhờ chiếm thêm thị phần cá hồi bên cạnh cá rô phi khi người tiêu dùng tại Mỹ không muốn chi trả mức giá cao cho sản phẩm thủy sản như cá hồi. Hiện giá cá tra đang duy trì ở mức thấp nhất trong Top 12 cá fillet nhập khẩu tại Mỹ.
Trong dài hạn, thị phần sản lượng cá tra kỳ vọng tăng chủ yếu nhờ chiếm dần thị phần sản lượng cá rô phi. Trong khi đó, thị phần cá hồi cá hồi giảm trong năm 2024 có thể quay trở lại khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.