Vingroup ngừng làm hàng không vẫn còn DN khác làm, nhưng nếu Vingroup không làm ô tô, thiết bị điện tử... thì ai có đủ tiềm lực thay thế?
Hai tuần sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, CTCP Tập đoàn Vingroup quyết định rút lui.
Thông tin này khiến không ít người đang chờ đợi về một hãng hàng không chuyên nghiệp, với tiềm lực mạnh mẽ có thể vươn lên cạnh tranh với những tay chơi thời điểm hiện tại không khỏi bỡ ngỡ.
Nhưng số khác lại cho rằng, Vingroup đang tỏ ra nhất quán trong việc tập trung chiến lược vào phát triển công nghiệp - công nghệ với tầm nhìn thập kỉ. Trước đó, Vingroup cũng đã thoái vốn mảng bán lẻ và nông nghiệp sau 5 năm gây dựng.
'Quyết định tỉnh táo và khôn ngoan'
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI đưa quan điểm, Vingroup đã có một quyết định tỉnh táo và khôn ngoan trong bối cảnh hiện tại.
Trong khi đó nhiều người cũng liên tưởng về việc Vingroup từng rất dứt khoát rút khỏi mảng tài chính những năm 2007 - 2008 để có thể tập trung vào bất động sản, sau đó vươn mình mạnh mẽ thành tập đoàn hàng đầu hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, người thường xuất hiện với vai trò phát ngôn về những sự kiện quan trọng của Tập đoàn nói rằng: “Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".
Vingroup đang phải thắt lưng buộc bụng để nuôi dưỡng các dự án quan trọng như ô tô, thiết bị điện tử, nghiên cứu công nghệ. Riêng với dự án VinFast, thông tin từ Tập đoàn cho biết khả năng chịu lỗ khoảng 18.000 tỉ đồng mỗi năm, trong đó 11.000 tỉ đồng là khấu hao và lãi vay.
Những chiếc xe ô tô VinFast mới lăn bánh trên thị trường khoảng nửa năm nay, số liệu kinh doanh chưa được công bố chính thức và thậm chí lỗ trên từng đơn hàng.
Nói vậy để có thể thấy rằng, việc Vingroup bỏ hàng không là đột ngột về thời điểm nhưng lại không quá bất ngờ.
Sự bùng nổ hãng hàng không tư nhân Việt Nam năm 2019
Năm 2019 là thời điểm mà thị trường hàng không Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết, thuộc top tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nền tảng của ngành là tốc độ tăng lượng khách du lịch nhiều năm liền ở mức hai con số.
Điều này thu hút không ít doanh nghiệp tư nhân hào hứng tham gia, nổi lên trong số đó có Bamboo Airways đã cất cánh thành công; hay như Vietravel, Kite Air đang trong quá trình cấp phép.
Nhóm tư nhân được kì vọng giúp cho ngành hàng không Việt Nam trở nên đa dạng hơn, qua đó khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. Tháng 7/2019, sự kì vọng này được nhân lên sau sự xuất hiện của Vinpearl Air, hoạt động chính là kinh doanh vận tải hành khách hàng không, mà Vingroup là đơn vị đứng sau.
Vốn điều lệ đăng kí của Vinpearl Air đạt 1.300 tỉ đồng, đủ điều kiện khai thác trên 30 máy bay và có chặng bay quốc tế.
Trong báo cáo gửi lên Bộ Giao thông - Vận tải, Vinpearl Air tiết lộ mục tiêu của mình là sẽ cất cánh khai thác thương mại ngay tháng 7/2020 với 6 tàu bay đầu tiên (tức tròn một năm sau khi công bố) theo mô hình kết hợp truyền thống và chi phí thấp.
Theo báo cáo, trung bình hàng năm, Vinpearl Air dự kiến đưa vào khai thác 6 máy bay và đến năm 2025 đội bay đạt 36 chiếc, bên cạnh đó dự kiến mở 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.
Để lèo lái dự án này, Vingroup tuyển về ông Phan Xuân Đức, một người kì cựu, nguyên là Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho vị trí Tổng giám đốc. Ông Đức quay trở lại với hàng không sau hai năm nghỉ hưu.
Kế hoạch bay của Vinpearl Air nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành liên quan.
Bên cạnh việc từng bước triển khai cấp phép, Vinpearl Air cũng lên phương án đào tạo nhân sự dài hạn, không chỉ cho chính mình mà còn cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế thông qua hợp tác với Tập đoàn CAE (Canada).
Trong thông cáo phát đi, Vingroup cho biết quyết định thoái vốn nói trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục duy trì với đầy đủ cam kết đã đưa ra với học viên.
Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Việc dừng dự án hàng không khi chưa triển khai được cho là đúng thời điểm, điều này giúp cho Vingroup không phải phân tán nguồn lực vào cuộc chiến ngành hàng không trong giai đoạn căng thẳng, hạ tầng đang chưa đáp ứng và nhân lực trong ngành đang thiếu, đặc biệt là nhân lực kĩ thuật cao.