|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast lọt top 50 doanh nghiệp ngành xe điện nổi bật nhất châu Á

07:56 | 30/09/2022
Chia sẻ
Theo DIGITiMES Asia, BYD của Trung Quốc và Hyundai của Hàn Quốc là những công ty đứng đầu danh sách 50 doanh nghiệp ngành xe điện nổi bật nhất. Trong khi đó, VinFast của Việt Nam và Tata của Ấn Độ là những startup nổi bật trong bảng xếp hạng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency), xe điện (EV) dự kiến ​​sẽ chiếm 13% tổng doanh số bán xe chở khách toàn cầu vào năm 2022. Tỷ trọng này tăng từ gần 9% vào năm 2021.

Chính vì vậy, DIGITIMES Asia mới đây đã lựa chọn và phân loại 50 công ty hoạt động trong lĩnh vực xe điện nổi bật tại Châu Á cho cuộc khảo sát Asia Supply Chain EV 50 survey (EV 50). 50 công ty này được chia thành: 14 OEM ô tô, 6 công ty tập trung vào tích hợp hệ thống, 14 nhà cung cấp thiết bị điện tử cho ô tô, 9 nhà sản xuất pin và 7 nhà cung cấp vi mạch ô tô.

Các công ty trong từng lĩnh vực được đánh giá và cho điểm từ 1 đến 5 dựa trên các số liệu cụ thể của ngành. Điểm số cao hơn có nghĩa là công ty đã đạt được sự phát triển tiên tiến hơn.

Doanh số bán xe điện tại các thị trường lớn trên thế giới giai đoạn 2017 - 2021. (Nguồn: DIGITIMES Asia).

Khi xét tới OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc), có thể nhìn thấy rõ sự phát triển của ngành xe điện của từng quốc gia. Các so sánh được đưa ra dựa trên những khía cạnh như quy mô kinh doanh xe điện, pin, hệ thống truyền động, ADAS/công nghệ tự lái và sạc nhanh/hoán đổi pin.

Ví dụ, BYD của Trung Quốc và Hyundai Motor của Hàn Quốc là những người dẫn đầu so với Toyota, Tata Motors và VinFast. Theo EV 50, BYD dẫn đầu về doanh số bán hàng với 594.000 xe điện được bán ra vào năm 2021. Công ty Trung Quốc này thậm chí đã vượt qua gã khổng lồ Tesla về doanh số bán xe điện toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.

Trong khi đó, Hyundai đánh bại Toyota nhờ việc sớm tham gia vào thị trường xe hybrid, plug-in hybrid và xe điện. Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất pin và sạch nhanh cũng giúp Hyundai có thể vượt qua các đối thủ khác.

Lý do chính khiến gã khổng lồ Toyota tụt lại so với các đối thủ đến từ việc công ty đã không tiết lộ về kế hoạch phát triển BEV (xe chạy điện thuần túy) của mình cho tới cuối năm 2021 dù doanh số bán HEV (xe hybrid điện) đã ổn định trong nhiều năm. Do đó, công ty đạt điểm thấp hơn trong việc phát triển công nghệ sạc và pin so với các đối thủ từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong cuộc khảo sát.

VinFast của Việt Nam cũng có tên trong bảng xếp hạng. (Ảnh: TechNode Global).

Mặt khác, các nhà sản xuất xe điện mới nổi như Tata Passenger Electric Mobility (TPEM - Ấn Độ) và VinFast (Việt Nam) đang từng bước mở rộng nhờ sự hậu thuẫn của các công ty mẹ. Dù TPEM và VinFast chưa thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác của châu Á, song họ đã đẩy mạnh nỗ lực sản xuất pin và phát triển công nghệ lái xe tự hành.

Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới

Thị trường xe điện của Trung Quốc là thị trường đầu tiên đạt được quy mô kinh tế trên toàn cầu, với số lượng sản xuất và bán hàng nhiều nhất trong 7 năm qua. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán xe điện của nước này sẽ vượt 5,5 triệu xe trong năm nay, tăng 56% so với năm 2021.

Tỷ lệ thâm nhập xe điện tại Trung Quốc giai đoạn nửa đầu năm 2021 và nửa đầu năm 2022. (Nguồn: DIGITIMES Asia).

Tom Lo, Giám đốc nghiên cứu tại DIGITIMES Research, nói rằng thành công của một nhà sản xuất ô tô theo truyền thống phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà cung cấp đáng tin cậy. Trong trường hợp sản xuất xe điện, sự ưu tiên thường là tìm kiếm các loại pin, động cơ điện, ADAS và các công nghệ khác tiên tiến nhất. Những điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Với các khoản hỗ trợ của chính phủ cùng những ưu đãi khác, ông Lo nói thêm rằng phân khúc xe điện của Trung Quốc có khả năng tăng trưởng mạnh nhất trong số các quốc gia đã trải qua quá trình điện khí hóa.

Bảng xếp hạng EV 50 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một danh mục đầu tư xe điện mạnh mẽ khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống và các công ty khởi nghiệp tăng tốc phát triển cũng như sản xuất ô tô.

Hơn nữa, quốc gia này nắm giữ lợi thế đáng kể về công nghệ pin, một bộ phận thiết yếu của xe điện. Dữ liệu của SNE Research cho thấy 6/10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, trong đó nhà sản xuất Trung Quốc CATL thống trị nhóm có lô hàng cao nhất liên tiếp trong 5 năm qua.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt các nhà cung cấp thiết bị điện tử ô tô, bao gồm cả công nghệ màn hình hàng đầu và các nhà cung cấp LiDAR. Quốc gia này không có lợi thế trong lĩnh vực vi mạch ô tô như Nhật Bản, nhưng họ đã trau dồi năng lực và thúc đẩy sự xuất hiện của các công ty trong lĩnh vực này.

Về các OEM có trụ sở tại Trung Quốc, Geely Automobile Holdings sở hữu một số thương hiệu xe điện có tiếng dù doanh số bán hàng ít hơn BYD. Ví dụ, Geometry chủ yếu nhắm đến các mô hình thị trường giá trung bình đến giá rẻ. ZEEKR hướng đến phân khúc cao cấp, trong khi Livan Auto tập trung vào các phương tiện hoán đổi pin.

Đối với các startup trong EV 50, NIO là một trong những nhà cung cấp công nghệ hoán đổi pin hàng đầu của Trung Quốc. Công ty đã xây dựng hơn 1.100 trạm đổi pin trong nước và mang lại giải pháp cho cả thị trường Na Uy. Công ty có kế hoạch thiết lập 4.000 trạm hoán đổi trên toàn thế giới vào năm 2025.

Ngoài ra, khảo sát EV 50 cho thấy các nhà cung cấp thiết bị điện tử ô tô có trụ sở tại Trung Quốc nắm giữ lợi thế về màn hình ô tô, LiDAR và hệ thống camera tích hợp. Ví dụ, Tianma Microelectronics có lô hàng màn hình TFT cao nhất toàn cầu vào năm 2020 và 2021, theo ijiwei.com.

Tianma đã phát triển màn hình ô tô trong hơn 20 năm, từ bảng điều khiển, màn hình hiển thị head-up cho đến bảng điều khiển trung tâm. Doanh thu bán hàng của công ty trong năm 2021 cũng đã tăng 27% so với một năm trước.

Trong khi đó, Robosense Technology là một trong những nhà cung cấp giải pháp LiDAR hàng đầu tại Trung Quốc. Theo báo cáo LiDAR cho Ô tô và Ứng dụng Công nghiệp năm 2021 của Yole Developpement, doanh số bán hàng của Robosense cao thứ hai thế giới, chỉ sau Valeo.

Anh Nguyễn