VinaCapital: Chứng khoán Việt Nam còn dư địa tăng, cần lưu ý rủi ro dịch bệnh còn kéo dài
"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển lâu dài"
Trong báo cáo tháng 5/2021 của Vietnam Opportunity Fund (VOF) - quỹ thành viên lớn nhất do VinaCapital quản lý, nhà phân tích của quỹ đánh giá các chỉ số thị trường liên tiếp chinh phục cột mốc mới trong tháng 5 bất chấp sự trở lại của làn sóng COVID-19 lần thứ 4. VN-Index đóng cửa tháng ở mức 1.328 điểm, tăng trưởng 7,3% so với tháng trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức có chuỗi 4 tháng tăng điểm liên tục, dẫn đầu toàn khu vực. Nền kinh tế phục hồi trong quý I/2021 và dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường đã loại bỏ những lo ngại khi dịch bệnh tái bùng phát. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới và giá trị giao dịch toàn thị trường tăng cao kỷ lục.
Theo đánh giá của VinaCapital, NĐT trong nước là động lực tăng trưởng của thị trường. Khối này liên tục gia tăng lực cầu trong những phiên khối ngoại bán ròng, hấp thụ khối lượng giao dịch khổng lồ.
Tâm lý lạc quan đến từ kết quả của nỗ lực kiểm soát COVID-19 của Chính phủ, cũng như sự thiếu hấp dẫn của các kênh đầu tư thay thế khiến dòng tiền liên tục chảy vào thị trường. Nhưng rõ ràng rủi ro sẽ xảy ra nếu cục diện bị thay đổi. Tuy nhiên, VinaCapital đánh giá "thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển lâu dài".
Thống kê số lượng tài khoản mở mới và tỷ trọng giao dịch thị trường theo nhóm NĐT. (Nguồn: VOF).
Mặc dù đánh giá tích cực, VinaCapital khuyến nghị NĐT thận trọng với những tác động của giãn cách xã hội trong khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nguy cơ kéo dài thời gian giãn cách cũng ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng của năm 2021.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam gần đây đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng GDP xuống 5,8%, thấp hơn 0,4% so với ước tính trước đó của chính phủ do yếu tố dịch bệnh.
Tính đến 11/6/2021, hệ số P/E dự phóng là 16,4 lần. Hệ số P/E của Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của ASEAN (17,2 lần) và nhóm thị trường mới nổi khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Philippines) với trung bình 18,8 lần.
Ước tính tăng trưởng EPS toàn thị trường năm 2021 vẫn khá lạc quan ở mức 30%. Riêng danh mục đầu tư cổ phần đại chúng VOF được dự báo tăng trưởng EPS lên đến 81%, với P/E dự phóng đạt 10,8 lần. Sự đột phá này đến từ lợi nhuận ròng ước tính tăng trưởng 157% cho khoản đầu tư vào HPG, cổ phiếu chiếm 22,3% NAV.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính chiếm 21,2% NAV cũng đóng góp lớn cho kết quả khả quan này. Theo đánh giá, lợi nhuận ròng trung bình của ngành dịch vụ tài chính sẽ tăng trưởng 30% năm 2021.
Cơ cấu danh mục đầu tư theo nhóm ngành của VOF tính đến cuối tháng 5. (Nguồn: VOF).
VinaCapital thắng lớn nhờ thép và ngân hàng
Trên đây là những đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, về phần hiệu quả đầu tư của quỹ, VOF hoạt động tốt hơn trung bình thị trường. Tỷ suất lợi nhuận tháng 5 là 9,4%. Tính từ đầu năm đến nay, NAV đã tăng 24,8%. Giá trị tài sản ròng tại 31/5 là 1.321,9 triệu USD.
Xét theo lĩnh vực, xây dựng - nguyên vật liệu là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục (24,9% NAV). Đại diện nổi bật của nhóm này là cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng 27,3% so với tháng trước.
Trong khi đó, dịch vụ tài chính (21,2% NAV) cũng đóng góp mạnh mẽ vào kết quả hoạt động sau sóng tăng mạnh của các cổ phiếu họ ngân hàng và dịch vụ tài chính. Một số mã dẫn đầu đà tăng bao gồm: VPB (+ 43%), OCB (+ 22.8%), EIB (+ 19,6%) và ACB (+ 19,5%).
Trong cơ cấu danh mục đầu tư của VOF tính đến cuối tháng 5, cổ phiếu niêm yết chiếm tỉ trọng lớn nhất với 72,2%. Trong đó, HPG và KDH có tỷ trọng lần lượt là 22,3% và 8,9%.
Top 10 cổ phiếu trong danh mục đầu tư của VOF tính đến cuối tháng 5. (Nguồn: VOF).
Đầu tháng 5, VinaCapital đã hoàn tất giao dịch mua thỏa thuận cổ phần trong đợt phát hành của Đất Xanh Services (DXS). Dự kiến Đất Xanh Services sẽ niêm yết trên sàn HOSE vào đầu tháng 7 tới đây.
Mới đây, VinaCapital cũng hoàn tất việc thoái toàn bộ cổ phần tại Imexpharm (IMP), một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu trong nước. Với khoản đầu tư này mang lại tỷ suất hoàn vốn (IRR) 16% sau ba năm đầu tư.