Cá nhân trong nước tiếp tục mua vào nhóm ngân hàng và thép, đua giá trần cổ phiếu SBT và AAA
Lực cầu gia tăng, thị trường bất ngờ tăng điểm phiên đáo hạn phái sinh
Trong những phút giao dịch đầu tiên, thị trường có lúc rơi hơn 16 điểm với sắc đỏ bao trùm danh mục VN30. Tuy nhiên lực cầu bắt đáy nhập cuộc nhanh chóng thu hẹp đà giảm. Càng về cuối phiên, lực mua gia tăng mạnh mẽ đã kéo sắc xanh trở lại trên cả 3 sàn giao dịch.
VN-Index đóng cửa tại 1.359,92 điểm, tăng 3,4 điểm tương ứng 0,25%, ngược lại VN30-Index giảm 3,67 điểm còn 1.461,91 điểm. HNX-Index tăng 1,09% lên 317,07 điểm, UPCoM-Index tăng 0,82% lên 89,55 điểm. Độ rộng thị trường được cải thiện so với phiên trước với tương quan tăng - giảm là 219 – 165 cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.294 tỷ đồng. Thanh khoản toàn sàn đạt 27.188 tỷ đồng, giảm 9,3% so với phiên liền trước nhưng vẫn ở mức khá cao.
Phiên 17/6 chứng kiến sự dịch chuyển dòng tiền từ nhóm ngân hàng và thép sang hóa chất, bất động sản và thực phẩm đồ uống. Theo thống kê, Top10 mã tác động tích cực nhất giúp VN-Index tăng hơn 6,5 điểm có GVR, GAS, MBB, BID, LPB, BVH,…
Đáng chú ý, chỉ riêng GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đóng góp 2,02 điểm cho đà tăng của VN-Index. Sau dự báo lọt rổ VN30 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu GVR đã trải qua 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Kết phiên, GVR đóng cửa ở 33.950 đồng/cp, tương ứng 5,93%.
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc trở lại, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trở lại thị trường. Theo thống kê, các cá nhân trong nước là nhóm duy nhất duy trì lực mua ròng 679 tỷ đồng. Trong đó mua ròng khớp lệnh đạt giá trị 738 tỷ đồng, tăng gần 85% so với phiên trước.
Ở chiều ngược lại, tự doanh, khối ngoại và các tổ chức trong nước đồng loạt bán ròng. Giá trị rút ròng khớp lệnh lần lượt theo 3 nhóm nhà đầu tư là 413 tỷ đồng, 165 tỷ đồng và 160 tỷ đồng. Dòng tiền những nhóm này có xu hướng tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhóm bluechips đã giảm sang phiên thứ ba liên tiếp.
Mua bán ròng khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Fiinpro.)
Gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng và thép, gom thêm mía đường
Đi ngược xu hướng "xả hàng" của các nhóm khác, các cá nhân trong nước mua ròng 11/18 ngành. Phần lớn lực mua tập trung ở cổ phiếu ngân hàng và tài nguyên cơ bản (thép). Giá trị vào ròng tại hai nhóm này theo sát nhau, tiệm cận mốc 300 tỷ đồng. Tổng hợp lại, giá trị mua ròng khớp lệnh hai nhóm này đạt 582,4 tỷ đồng, chiếm 79% tổng giá trị mua ròng của NĐT cá nhân trên sàn HOSE.
Nhóm thực phẩm và đồ uống (cụ thể là mía đường) cũng bất ngờ quay lại top mua ròng và xếp thứ 3 về giá trị. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 95,8 tỷ đồng cổ phiếu nhóm này. Cổ phiếu mía đường hoạt động tích cực trở lại ngay sau quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) của Bộ Công Thương đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan.
Đóng cửa phiên giao dịch, cổ phiếu SBT tăng trần lên mức 22.550 đồng/cp. Đây cũng là mã nằm trong Top10 mã được NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh nhiều nhất trên HOSE, với giá trị vào ròng hơn 110 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)
Trong phiên 17/7, giá trị bán ròng của các cá nhân trong nước chủ yếu tập trung ở nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt. Đây là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị bán ròng trên 50 tỷ đồng. NĐT cá nhân bán ròng tại 5 ngành còn lại với giá trị bán không lớn, rút ròng quanh ngưỡng 10 tỷ đồng mỗi nhóm.
Tâm điểm mua ròng: HPG, CTG, VIC, MBB, SBT
Top cổ phiếu NĐT cá nhân mua bán ròng mạnh nhất trong phiên. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.)
Cổ phiếu HPG của Hòa phát trở lại vai trò tâm điểm giao dịch trong phiên 17/6. Mặc dù ghi nhận giá trị mua ròng 224,8 tỷ đồng từ NĐT cá nhân, cổ phiếu HPG kết phiên giảm 0,77% xuống 51.400 đồng/cp. Bên cạnh HPG, HSG (Hoa Sen) cũng là gương mặt của nhóm thép thu hút dòng tiền vào. Giá trị vào ròng HSG trong phiên đạt 39,5 tỷ đồng.
Theo sau đại diện ngành thép, CTG (186 tỷ đồng), VIC (136 tỷ đồng) và MBB (125,9 tỷ đồng) cũng trở nên quen thuộc trong danh mục mua của các cá nhân trong nước. Đặc biệt là hai cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn đang trong nhịp điều chỉnh.
Những mã còn lại được giao dịch nhiều ở chiều mua ròng là NVL (50,2 tỷ đồng), HDB (42,9 tỷ đồng), AAA (42,8 tỷ đồng), HSG (39,5 tỷ đồng) và FPT (37,5 tỷ đồng). Đáng chú ý, AAA đã tăng liên tiếp 4 phiên trong tuần, và tăng trần trong 2 phiên 15 – 17/6.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền NĐT cá nhân có xu hướng rút khỏi bất động sản, đơn cử FLC (96,1 tỷ đồng), VRE (91,4 tỷ đồng), GVR (55,2 tỷ đồng).
Một số cổ phiếu khác nằm trong top bán ròng phiên 17/6 là VCB (62,2 tỷ đồng), SSI (35,4 tỷ đồng), BID (30,7 tỷ đồng), GAS (27,2 tỷ đồng), VNM (25,7 tỷ đồng) , LBP (24,9 tỷ đồng), POW (19 tỷ đồng). Theo thống kê, không có mã nào ghi nhận giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên.