|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam đón sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm giữa lúc Đông Nam Á còn chật vật chống COVID-19

08:24 | 25/05/2021
Chia sẻ
Trái với triển vọng ảm đạm ở các nước Đông Nam Á khác, lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm tại Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ dòng vốn đầu tư vào ba nhóm ngành tôm, thịt heo và gia cầm.

Cửa sáng cho Việt Nam

Dù lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm ở Đông Nam Á có thể trụ vững trong đại dịch COVID-19, tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng y tế vẫn khiến triển vọng của ngành này trở nên hết sức ảm đạm, FoodNavigator-Asia (FNA) nhận xét.

Indonesia đang đối mặt với rủi ro lớn trên chặng đường phục hồi, còn Philippines và Thái Lan cũng cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong quá trình vực dậy lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm trong nước.

Trái với tình cảnh ngặt nghèo của các nước láng giềng, Việt Nam lại đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phục hồi ngành nông nghiệp - thực phẩm hậu sau đại dịch COVID-19, báo cáo mới của Oxford Economics dự đoán.

Trên thực tế, Việt Nam rất cần một cuộc phục hồi mạnh mẽ, vì nông nghiệp - thực phẩm là lĩnh vực sử dụng hơn 50% lực lượng lao động trong nước. Năm 2019, ngành này đóng góp 86 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương 26% tổng GDP, FNA thông tin thêm.

Ba lĩnh vực nông nghiệp mũi nhọn hút vốn đầu tư

Trong khi các nước láng giềng chật vật phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh thì Việt Nam đã có thể tiến tới trạng thái bình thường mới và thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm.

Chẳng hạn, gần đây vốn đầu tư vào các cơ sở chế biến tôm ở Việt Nam tăng trưởng mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất tôm lớn nhất thế giới.

Dù đại dịch khiến xuất khẩu tôm của nước ta đình trệ, ít nhất 6 nhà máy chế biến tôm mới đã được xây dựng tại Việt Nam trong năm vừa qua, tổng công suất đạt gần 100.000 tấn. Tín hiệu tích cực từ các thị trường xuất khẩu đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản thời gian gần đây, FNA lý giải.

Việt Nam đón sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm giữa lúc Đông Nam Á còn chật vật chống COVID-19 - Ảnh 1.

Công nhân đưa tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại tỉnh Cà Mau. (Ảnh: TTXVN).

Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước mới hoàn thành nhà máy chế biến tôm An An tại tỉnh Tiền Giang. Được xây dựng với chi phí hơn 400 tỷ đồng, nhà máy này có thể chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày và có kho lạnh cho khoảng 3.000 tấn tôm.

Đầu năm nay, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhà sản xuất tôm lớn nhất tại Việt Nam, tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hai nhà máy chế biến lớn ở Hậu Giang và Cà Mau. Hai cơ sở mới dự kiến có công suất hàng năm gần 50.000 tấn.

Minh Phú dự đoán Việt Nam sẽ trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới trong 25 năm tới và chiếm khoảng 25% thị phần toàn cầu vào năm 2035 nhờ nhu cầu tôm tăng vọt ở Liên minh châu Âu (EU) cũng như của các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài tôm, ngành chăn nuôi heo của Việt Nam cũng đang dần khởi sắc trở lại sau khi bị dịch ASF tàn phá hai năm qua. Các nhà phân tích tại Rabobank dự đoán Việt Nam sẽ khôi phục hoàn toàn đàn heo trong hai năm tới.

Rabobank còn kì vọng sản lượng heo của nước ta sẽ tăng 8 - 12% trong năm 2021, trong khi nhập khẩu thịt heo ngoại sẽ giảm xuống. Dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, Rabobank cho biết đàn heo của nước ta năm ngoái đạt 27,3 triệu con, tăng 20% so với năm 2019 và tương đương 87% so với mức từng ghi nhận trước dịch ASF.

Tháng trước, chính phủ Việt Nam phải huy động toàn quốc chống dịch cúm gia cầm. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm vì dịch tái bùng phát. Song, không vì thế mà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm của Việt Nam giảm sút.

Đầu năm nay, De Heus (Hà Lan) - nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới , đã cùng các đối tác như Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư xây dựng một khu phức hợp chăn nuôi gà truy xuất nguồn gốc 100% tại tỉnh Tây Ninh.

Khu phức hợp trên bao gồm một trang trại giống có công suất 1 triệu gà con 1 ngày tuổi/tuần, hai trang trại gà bố mẹ với tổng cộng suất 25 triệu trứng/năm. Ngoài ra, nơi này còn có 250 trang trại sản xuất gà thịt với tổng công suất 25 triệu con gà thịt/năm và một nhà máy chế biến thực phẩm.

Tập đoàn Thaifoods (Thái Lan) cũng đầu tư 23 triệu USD vào các trang trại chăn nuôi gà và một trại sản xuất giống ở nước ta với quy mô 800.000 gà con/tuần vào năm tới. Thaifoods còn có kế hoạch xây dựng một lò giết mổ và một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Việt Nam đón sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm giữa lúc Đông Nam Á còn chật vật chống COVID-19 - Ảnh 2.

Đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham quan nhà máy ấp trứng trong khu phức hợp do De Heus và các đối tác đầu tư tại tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Cuối năm ngoái, Công ty CP Masan MEATLife - một công ty thành viên của Công ty CP Tập đoàn Masan cũng tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi gia cầm thông qua thỏa thuận mua 51% cổ phần của Công ty 3F Việt.

Theo nghiên cứu của Oxford Economics, năm ngoái, lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng 4%, trong khi ngành này tại Thái Lan và Philippines đồng loạt thu hẹp. Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng dương nhưng chỉ bằng một nửa của Việt Nam.

Song, Oxford Economics vẫn cảnh báo: "Dù chuỗi cung ứng thực phẩm vẫn tương đối ổn định trong năm 2020, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể gây ra những tác động khác nhau đến ngành logistics và giá thực phẩm trong những tháng tới".

Khả Nhân