|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có thể tiếp cận tới 5% dòng vốn của doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang nước thứ ba

14:15 | 22/06/2020
Chia sẻ
Khi các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc sau đại dịch viêm phổi cấp COVID-19, Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội này để thu hút nhà đầu tư, nhưng nhiều nước cũng đang hành động tương tự.

Do công tác phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam, cùng với tình trạng “chảy máu” đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc khiến một loạt các hãng thiết bị công nghệ như Apple, Samsung, Sharp dần chuyển các nhà máy sản xuất của họ sang các quốc gia thứ ba, bao gồm Việt Nam. Vậy chúng ta có thể tận dụng cơ hội này như thế nào?

"Các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10%”

Trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc dường như đang mất vị thế là “công xưởng của thế giới” khi hàng loạt các doanh nghiệp của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu “rủ nhau” chuyển nhà máy sản xuất của họ sang các khu vực khác.

Hồi tháng 4 vừa rồi, Nhật Bản đã dành hơn 240 tỉ yên (khoảng 2,2 tỉ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy của họ về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về Mỹ hoặc sang nước thứ ba. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự.

Tuy vậy, thị trường Trung Quốc đã trở nên quan trọng đến mức gần như việc rời bỏ ngay lập tức không phải là một lựa chọn tốt đối với các tập đoàn, công ty lớn. Tại cuộc họp bàn tròn trực tuyến giữa các chuyên gia vào ngày 18/6, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), nhận định rằng chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp sẽ rút ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Việt Nam có thể tiếp cận tới 5% dòng vốn của doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang nước thứ ba - Ảnh 1.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), tại hội nghị bàn tròn giữa các chuyên gia vào ngày 18/6. Ảnh: Chụp màn hình

Theo ông Mại, Trung Quốc vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp mặc dù đang phải chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ hay châu Âu. Với dân số 1,4 tỉ (tính đến cuối năm 2019), GDP đứng thứ hai thế giới, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với các chính sách thu hút các nhà đầu tư của chính phủ, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhiều tập đoàn lớn như Apple, Starbucks, Nike, Adidas, L'Oreal, Johnson & Johnson. Vì vậy, trong tương lai sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Trung Quốc.

"Nơi nào lợi nhuận đạt thấp chưa đến biên thì nhà đầu tư vẫn sẽ gia nhập thị trường", ông Mại nói.

Việt Nam có thể tận dụng dòng vốn ít ỏi từ Trung Quốc sang

Phân tích chuyên sâu của ông Mại cho thấy chỉ khoảng 3 - 5% doanh nghiệp (với dòng vốn đầu tư từ 6 - 10 tỉ USD) sang các nước thứ ba và chỉ khoảng 22 tỉ USD sẽ chảy vào Việt Nam. Dù vậy, theo ông, số tiền đó đủ lớn để Việt Nam được hưởng lợi khi dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc di chuyển ra khỏi biên giới.

Số liệu thống kê cho thấy, khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu thì trong quý I/2020, GDP của Việt Nam vẫn giữ tỉ lệ tăng trưởng ở mức 3,82%. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 5% so với cùng kì năm ngoái, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đổ vốn vào Việt Nam, với tổng vốn đăng kí hơn 12 tỉ USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, xét về phương diện quốc gia, bức tranh của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 mang màu sắc ảm đạm so với những năm trước, nhưng nếu xét về phương diện khu vực và so với nhiều nền kinh tế khác, đây là kết quả đạt ở mức khá.

Việt Nam có thể tiếp cận tới 5% dòng vốn của doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang nước thứ ba - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP của một số nước khu vực Đông Nam Á quý I. Đồ họa: Tường Vy

Ông Mại nhận định sức chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế của Việt Nam rất tốt. Trên thực tế sau một tháng đình trệ do thực hiện cách li xã hội, từ cuối tháng 4, Việt Nam đã bắt đầu kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, cho phép mở lại các trường học, cửa hàng và nhà hàng.

Ngày 18/6, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu 3,7 tấn vải thiều sang Nhật Bản và theo kế hoạch từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn. 

Về xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ tính riêng tháng 5 đã tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kì năm 2019, đạt 750.000 tấn, với trị giá là 395 triệu USD. Đáng chú ý hơn nữa là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kì năm 2019.

Với triển vọng phục hồi lạc quan, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo rằng nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục trong 6 tháng cuối năm 2020.

Cộng hưởng cùng với những ưu thế trước đây như môi trường chính trị và kinh tế ổn định, thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lí thuận lợi, nhu cầu lớn và ngày một gia tăng của khách hàng, sự kết nối chặt chẽ của doanh nghiệp địa phương và ưu đãi từ Chính phủ, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Vài doanh nghiệp lớn như Apple hay Samsung đã chuyển nhà máy sản xuất của họ về Việt Nam. Hồi đầu tháng 5, Nikkei Asian Review đưa tin khoảng 3 - 4 triệu tai nghe, tương đương với 30% tổng sản lượng AirPods, sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quí 2. Ngày 21/5, The Verge đã đăng một ảnh chụp thực tế dòng chữ "Assembled in Vietnam" (Lắp ráp ở Việt Nam) xuất hiện trên hộp đựng tai nghe AirPods Pro của Apple.

vn - Ảnh 1.

Dòng chữ "Assembled in Vietnam" (Lắp ráp ở Việt Nam) xuất hiện trên hộp đựng tai nghe AirPods Pro của Apple. Ảnh: The Verge

Hôm 17/6, Luxshare ICT, một trong những đối tác lắp ráp tai nghe AirPods thông báo Apple đã đăng quảng cáo tuyển hàng ngàn công nhân tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất ở nhà máy Vân Trung, với thu nhập lên đến 9-14 triệu đồng/tháng.

Vào tháng 10/2019, Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy điện thoại thông minh cuối cùng tại Trung Quốc để chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ sau khi các nhà sản xuất khác chuyển do chi phí lao động tăng và suy thoái kinh tế tại đại lục.

Tương tự, cũng trong tháng 6 này, hãng điện tử Sharp của Nhật Bản tạm thời chuyển hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang Đài Loan rồi sau đó sẽ chuyển hoạt động chế tạo tại một nhà máy mới ở Việt Nam. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 10 năm nay. 

Chúng ta không "một mình một chợ"

Việc Việt Nam đón nhận làn sóng các doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang là một triển vọng tích cực, nhưng theo ý kiến của ông Mại, chúng ta vẫn cần có một chiến lược rõ ràng, chi tiết để thu hút nguồn vốn FDI vì ngoài Việt Nam các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng đang “trải thảm đỏ” để chào đón làn sóng đầu tư mới.

Vào đầu tháng 5, theo Reuters, Ấn Độ đã triển khai nhiều chính sách nhằm "giữ chân" các công ty đa quốc gia của Mỹ như quy hoạch một khu vực rộng hơn 400.000 hecta dành cho phát triển công nghiệp, hoãn áp thuế đối với các giao dịch kĩ thuật số.

Cũng trong tháng 5, Jakarta Globe đưa tin Indonesia đã chuẩn bị sẵn 4.000 hecta đất để đón 27 doanh nghiệp Mỹ nằm trong diện di dời sản xuất từ Trung Quốc.

Trước tình hình ấy, ông Mại cho rằng, muốn cạnh tranh với các quốc gia khác, Việt Nam cần phải hành động nhanh hơn nữa, đề ra các biện pháp cụ thể, chi tiết để cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng đất đai, công nghệ và nhân lực, đặc biệt là năng lực quản lí, thẩm định dự án của các cán bộ công chức nhà nước, đàm phán phải đi đến kết quả, có địa chỉ. 

"Bên cạnh đó, chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư để tiếp đón các nhà đầu tư. Toàn bộ nền kinh tế cần phải cải cách nhanh, đồng bộ hơn, cả đội ngũ phải chuyển động, tham gia tích cực", ông nhấn mạnh.

Tường Vy