Vì sao vắng bóng doanh nghiệp lên sàn?
Thị trường đang kỳ vọng những ông lớn như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lên sàn.
Thiếu vắng hàng nóng
Theo thống kê, tính từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ có 10 DN lên sàn HOSE, 9 DN lên HNX và 45 DN lên sàn UPCoM. Dù có thêm DN gia nhập, nhưng trên thực tế số lượng DNNY lại tụt giảm, đơn cử là sàn HNX.
Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, HNX chỉ đón nhận thêm 9 DNNY, nhưng phía ngược lại có đến 16 DN hủy niêm yết bắt buộc và hủy niêm yết để chuyển sàn. Đây là những con số khá thấp nếu so với thời điểm bùng nổ DNNY trong giai đoạn 2017-2018. Lấy dẫn chứng năm 2018, có 33 D lên sàn HOSE, 22 DN lên sàn HNX và 268 DN lên UPCoM.
Điều đáng nói, số doanh nghiệp niêm yết mới đã không nhiều lại thiếu sức hấp dẫn. DNNY mới gây chú ý nhất đến thời điểm hiện nay là Tổng CTCP Truyền hình cáp Việt Nam (CAB) chào sàn với mức giá lên đến 140.900 đồng/CP. Thế nhưng, DN này cũng chỉ chọn UPCoM, không phải HOSE hay HNX. Thực tế, chỉ UPCoM có sự xuất hiện của nhiều DNNY mới, trong khi HOSE và HNX phần lớn là các DN chuyển sàn.
Đáng tiếc nhất là sự lỡ hẹn của các ngân hàng (NH), dù trước đó đã tỏ rõ quyết tâm đưa CP lên sàn trong năm 2019, như NH An Bình (ABBank), NH Nam Á (NamA Bank), NH Phương Đông (OCB). Đến nay, chỉ có NH Bản Việt (BVB) đưa CP lên sàn UPCoM, nhưng cũng không tạo nên sự chú ý của giới đầu tư, bởi đây là NH yếu kém và bản thân NH này cũng niêm yết CP trong lặng lẽ.
Nhiều rủi ro
Theo đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, toàn bộ NH phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (HOSE và HNX), hạn chót năm 2020. |
Giải thích về lý do chậm niêm yết, lãnh đạo một NH chia sẻ, NH đã có kế hoạch gọi vốn từ nhà đầu tư (NĐT) chiến lược và sau đó sẽ niêm yết CP trên HOSE. Thế nhưng, việc chốt giá với NĐT ngoại không được như kỳ vọng do diễn biến thị trường không thuận lợi. Vì vậy NH buộc tạm thời chưa lên sàn, trước là để bảo vệ quyền lợi cổ đông, sau là giữ thương hiệu.
Trên thực tế, dù VN Index có nhiều thời điểm khởi sắc và chinh phục thành công mốc 1.000 điểm, nhưng thị trường chung vẫn hết sức ảm đạm. Đà tăng của VN Index phần lớn đến từ những mã CP có tác động đến các chỉ số, trong khi phần lớn mã CP đang niêm yết đều sụt giảm, thậm chí nhiều mã CP rơi xuống đáy trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), cho rằng dù thị trường có tăng điểm nhưng thua hẳn các kênh khác, ngay cả các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng thua lỗ hoặc có mức lợi nhuận thua cả VN Index. Yếu tố hỗ trợ kế đến là thanh khoản giảm cực mạnh. Tính đến đầu tháng 10, vốn hóa thị trường tăng khoảng 14% nhưng thanh khoản giảm 35% so với năm 2018, cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường rất thấp.
Với bối cảnh không thuận lợi này, việc đưa CP lên niêm yết sẽ có nhiều rủi ro, xác suất thất bại cao hoặc giá sẽ khó tốt được. Nếu CP giảm mạnh sẽ khiến động lực tăng trưởng của DN cũng bị ảnh hưởng. Nhiều CP niêm yết lúc thị trường đang trên đỉnh, CP bán được với giá tốt, nay cũng quay giảm sâu, như BSR (Tổng CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn), POW (Tổng CTCP Điện lực dầu khí), OIL (Tổng CTCP Dầu Việt Nam), NH Kỹ thương Việt Nam (TCB), NH Bắc Á (BAB), CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG).
Ngoài 2 yếu khách quan trên, việc thiếu vắng DNNY mới có nguyên nhân xuất phát từ sự chậm trễ của DNNN trong việc cổ phần hóa và IPO. Từ đầu năm đến nay, không có DN cổ phần hóa đáng chú ý nào lên niêm yết, chưa nói đến có thể tạo được hiệu ứng trên sàn. Nguyên nhân tiến độ thoái vốn không được suôn sẻ do xuất phát từ những diễn biến không thuận lợi của TTCK.
Kỳ vọng tên tuổi lớn
Dù số lượng DN chào sàn trong năm 2019 không như mong đợi, nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng về sự bùng nổ của các DNNY trong năm tới. Hiện có danh sách dài DN chờ lên sàn, trong đó có nhiều DN lớn. Mới nhất là NH Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa nộp hồ sơ xin niêm yết trên HOSE. Nếu được chấp thuận, MSB sẽ là NH thứ 11 được giao dịch tại HOSE và là NH thứ 20 niêm yết trên TTCK.
Với sự xuất hiện của MSB, danh sách DN chờ lên HOSE hiện là 12 đơn vị với tổng số CP đăng ký 5,76 tỷ CP. Trong đó có những tên tuổi nổi bật như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIG), CTCP Tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Tập đoàn Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CKG), Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM).
Đáng chú ý nhất trong danh sách DN chờ lên sàn là CTCP Nhựa Hà Nội (NHH) vừa được chấp thuận niêm yết CP trên HOSE. NHH được giới đầu tư hết sức quan tâm, bởi đây là DN Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. NHH hiện là đối tác của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Honda, Toyota, Piaggio, Panasonic, LG, Samsung, VinFast…
Đây là một đơn vị thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings khi tổ chức này nắm giữ 53,2% vốn. Mới đây, NHH công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 với doanh thu thuần 864,5 tỷ đồng (tăng 21%) và lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng (tăng hơn 30%).
Theo ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT NHH, việc chuyển niêm yết sẽ giúp CP NHH có cơ hội huy động vốn, nâng cao thanh khoản, phản ánh đúng giá trị thật và tìm kiếm NĐT chiến lược cùng đồng hành với DN ở chặng đường sắp tới.
Cũng theo ông Hải, dù TTCK không như kỳ vọng nhưng với việc mở rộng hàng loạt hoạt động, đi kèm với dự báo dòng tiền tăng trưởng khả quan, lịch sử tín dụng tốt, NHH chắc chắn sẽ tìm được NĐT có kinh nghiệm và mạng lưới phát triển trên thị trường quốc tế. Nếu tìm được đối tác phù hợp, NHH sẽ cân nhắc bán 20-25% vốn cho NĐT chiến lược.