|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh u ám năm 2023, loạt doanh nghiệp dự báo lợi nhuận giảm sâu

15:29 | 28/02/2023
Chia sẻ
Với môi trường lãi suất cao, lạm phát kéo dài, kinh tế bất ổn, nhiều doanh nghiệp đã thận trọng trong việc đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

Bức tranh ngành thép vẫn u ám năm nay

Ngành thép năm 2022 vấp phải nhiều khó khăn khi nhu cầu suy yếu, sản lượng tiêu thụ giảm sút và giá bán đi xuốngSang năm 2023, SSI Research dự báo, lượng tiêu thụ thép trong nước tiếp tục “đi xuống” do xuất khẩu giảm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đưa ra hai phương án kinh doanh trong thời gian tới. Phương án 1, công ty dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng doanh thu giảm 32%, lợi nhuận sau thuế khoảng 100 tỷ đồng giảm 60% so với niên độ trước. Tại phương án 2, doanh thu dự báo đạt 36.000 tỷ đồng, lãi sau thuế là 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và tăng 20% so với kết quả thực hiện trong năm tài chính 1/10/2021 – 30/9/2022.

Hoa Sen cho rằng, thị trường xuất khẩu thép năm 2023 tiềm ẩn nhiều bất ổn về cạnh tranh và rào cản thương mại, còn thị trường nội địa vẫn cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép nói chung.

Tương tự, một “ông lớn” khác trong ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cũng đặt kế hoạch kinh doanh an toàn trong năm 2023 với 150.000 tỷ đồng doanh thu tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 8.000 tỷ đồng giảm 5% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng chuyển mình

Trải qua một năm khó khăn, năm 2023, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lĩnh vực xây dựng dân dụng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản. Hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng có thể ở mức thấp.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp áp lực lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay khiến chủ đầu tư có thể thiếu hụt về dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng và tiến độ thanh toán cho nhà thầu.

Trước dự báo không mấy khả quan, một số doanh nghiệp xây dựng vẫn đặt "ngôi sao hy vọng" về khả năng tăng trưởng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 12% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 125 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.141 tỷ đồng. Mức lợi nhuận kỳ vọng năm 2023 đã cao hơn giai đoạn 2020 - 2021 song vẫn thấp hơn thời kỳ 2016 - 2019, giai đoạn hưng thịnh của ngành xây dựng.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.

Năm 2022, Xây dựng Hoà Bình thua lỗ nghìn tỷ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn và thị trường bất động sản gần như nguội lạnh. Khó khăn không chỉ xuất phát từ bên ngoài mà nội tại doanh nghiệp cũng xảy ra cuộc nội chiến giữa nhóm ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch.

Một cái tên khác trong ngành xây dựng là CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 cao hơn năm trước với 195 tỷ đồng doanh thu (tăng 13% so với cùng kỳ) và lãi sau thuế 20 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp phân bón đối mặt với áp lực tăng trưởng năm 2023

Nửa cuối năm 2022, cơn “khát” phân bón toàn cầu đã hạ nhiệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cũng qua thời kỳ đỉnh cao, có xu hướng chậm lại trong quý III/2022 và giảm sâu trong quý IV/2022.

Sang năm 2023, Chứng khoán BSC dự báo, các doanh nghiệp phân bón có thể đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trong năm 2023 do nguồn cung dư thừa, giá ure giảm nhanh hơn nguyên liệu. Nhất là khi Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu phân bón và Ấn Độ có xu hướng tăng cường sản xuất nội địa, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Sau năm 2022 lãi đột biến, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 17.372 tỷ đồng doanh thu, 2.670 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 13%, 58% so với cùng kỳ. Trước đó, Đạm Phú Mỹ đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt gần 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 6.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 55% và tăng 68% so với năm ngoái, là kết quả kỷ lục của tổng công ty.

Tương tự Đạm Phú Mỹ, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) cũng là một trong những doanh nghiệp phân bón có mức lãi kỷ lục vào năm trước khi giá ure tăng cao. Cụ thể, năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 15.924 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và tăng 134% so với cùng kỳ.

Sang năm 2023, Đạm Cà Mau lên mục tiêu doanh thu còn 13.458 tỷ đồng giảm 15%, 1.383 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 68% so với cùng kỳ.

Nhóm bán lẻ thận trọng trong bối cảnh sức cầu yếu

Nhận định về ngành bán lẻ năm 2023, Chứng khoán BSC cho rằng, mức nền cao của năm 2022 cùng với áp lực từ lãi vay và sức mua suy giảm đã khiến tình hình cạnh tranh trong ngành trở nên gay gắt, đặt thách thức tăng trưởng chung đối với của nhóm ngành này trong năm nay (đặc biệt đối với nhóm ngành điện thoại - điện máy vốn đã có mức nền rất cao trong năm 2022).

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần từ 135.000 - 150.000 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng kỳ vọng 4.200 tỷ - 4.700 tỷ đồng.

Năm ngoái, doanh thu thuần của MWG lập kỷ lục mới với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021. Lãi ròng cả năm 2022 còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021. Như vậy, kế hoạch năm 2023 của MWG tăng 1% - 12% về doanh thu và tăng 2% - 15% về lợi nhuận ròng.

Theo MWG, kế hoạch năm 2023 dựa trên nhận định tình hình vĩ mô không thuận lợi, sức cầu yếu, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi nhanh chóng trong năm nay.

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ là CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) đã đưa ra hai kịch bản về tình hình kinh doanh năm 2023. 

Ở kịch bản cơ sở, công ty đặt mục tiêu doanh thu 25.109 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước và lợi nhuận ròng tăng 15% đạt 787 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, kịch bản này được đặt ra trong giả định các yếu tố vĩ mô sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, doanh thu toàn thị trường di động đi ngang, chủ yếu bởi giá bán bình quân gia tăng nhờ xu hướng cao cấp hóa của sản phẩm. 

Ở kịch bản thứ hai, kém tích cực, Digiworld vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ròng hai con số, đạt 10%, tương đương lãi ròng 752 tỷ đồng trong năm 2023.

Dự báo sức cầu yếu, doanh nghiệp phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam - CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC) cũng đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong năm 2023 với 29.673 tỷ đồng doanh thu, tăng 39% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế giảm 25% còn 439 tỷ đồng

Chu kỳ tăng trưởng nhóm cảng biển khép lại

Theo SSI Research, thị trường vận tải container đã kết thúc chu kỳ tăng và bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Các chuyên gia phân tích dự báo nhu cầu vận tải container sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023Đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu khi lạm phát cao. Ngoài ra, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất hai quý nên nhu cầu vận tải có thể phục hồi từ nửa cuối năm 2023Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành.

Nguồn cung tàu mới gia tăng cũng là áp lực cho ngành trong năm 2023. SSI Research ước tính, xu hướng giá cước giảm sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nếu nhu cầu tăng.

Trong bối cảnh đó, HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 2.698 tỷ đồng doanh thu thuần, 300 tỷ đồng lãi ròng, thấp hơn thực hiện năm 2022 lần lượt là 15%, 64%.

Tương tự, CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship – Mã: VSC), một doanh nghiệp về vận hành khai thác cảng biển cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm 46% so với cùng kỳ xuống 260 tỷ đồng. Còn doanh thu tăng 12% so với năm trước lên 2.250 tỷ đồng.

Lý giải về kế hoạch kinh doanh, Viconship cho rằng, chỉ tiêu tài chính năm nay của công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi vay ngân hàng để thực hiện chương trình đầu tư nhận chuyển nhượng đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển (dự kiến khoảng 200 tỷ đồng) và lỗ khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết (dự kiến khoảng 40 tỷ đồng).

Ngành dược chật vật với bài toán tăng trưởng

Sang năm 2023, một số doanh nghiệp trong ngành dược khá dè dặt, thận trong khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng. Ví dụ, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với 1.620 tỷ đồng doanh thu và 305 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với năm trước, kế hoạch này thấp hơn 1,4% về kết quả doanh thu và cao hơn 1,1% về kết quả lợi nhuận.

Khả quan hơn, CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đặt ra mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu, 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, cao hơn thực hiện năm 2022 lần lượt là 7%, 3%.

Nhận định về ngành dược, SSI Research cho rằng, tăng trưởng của ngành sẽ hạn chế trong năm nay, lợi nhuận có thể ghi nhận mức thấp hơn trước khi khá dần lên. Trong bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn.

Sang năm 2023, một số doanh nghiệp trong ngành dược khá dè dặt, thận trong khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng. (Ảnh minh hoạ: Lâm Anh).

Ngoài ra, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty có mã DHG, IMP, DBD, TRA và Dược Cửu Long (DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn EU GMP cho các cơ sở sản xuất của họ. Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1).

Thêm vào đó, các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.

Theo SSI Reasearch, tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến sẽ được cải thiện từ quý II/2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu đã nêu trên. Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi.  

Bất chấp dự báo về tình hình kinh tế ảm đạm ở trong nước và quốc tế, ban lãnh đạo CTCP FPT (Mã: FPT) vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng của công ty vào năm nay. Cụ thể, FPT đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 52.289 tỷ đồng doanh thu tăng 19%, lợi nhuận trước thuế khoảng 9.055 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ.

Lâm Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.