|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Năm 2022 đầy biến động của ngành dầu khí, triển vọng 2023 có tươi sáng?

14:29 | 27/02/2023
Chia sẻ
Năm 2022, các công ty bán lẻ xăng dầu chứng kiến nhiều bất ổn do giá dầu và chính sách điều hành thị trường xăng dầu không được điều chỉnh kịp thời. Ngược lại, nhóm trung nguồn với PV GAS và PV Trans lại báo lãi kỷ lục.

Năm 2022, giá dầu thế giới trồi sụt bất thường khi nửa đầu năm tăng cao và chạm tới 130 USD/thùng, sau đó rơi về vùng dưới 80 USD/thùng. Việc giá dầu biến động mạnh đã tác động lên kết quả kinh doanh năm 2022 của nhóm dầu khí, tuy nhiên tác động tới mỗi doanh nghiệp lại có sự khác nhau.

 

Nhóm thượng nguồn phân hóa

Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) thuộc nhóm công ty thượng nguồn ngành dầu khí và không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá dầu tăng.

Năm 2022, thị trường khoan vẫn còn khó khăn khi các chương trình khoan trong nước không nhiều, tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao và đơn giá cho thuê giàn cùng các dịch vụ khác vẫn ở mức thấp.

Kết quả năm 2022 cho thấy doanh thu thuần của PVD đạt 5.431 tỷ, tăng 36% so với năm 2021. Năm vừa rồi, PVD đặt mục tiêu không lỗ nhưng thực tế công ty đã lỗ sau thuế 151 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 37 tỷ.

Trong đó, ba quý đầu năm công ty thua lỗ, riêng quý IV có lãi trở lại nhờ giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu tăng so với cùng kỳ và đóng góp doanh thu của giàn khoan PV DRILLING VI đang thực hiện chiến dịch khoan tại Brunei.

Trái ngược với PVD, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) ghi nhận doanh thu đạt 16.413 tỷ và lợi nhuận sau thuế 834 tỷ; tăng trưởng lần lượt 15% và 11% so với 2021. Riêng quý IV, lợi nhuận của PVS đạt mức cao nhất trong vòng 15 quý, tăng 86% so với cùng kỳ nhờ mảng dịch vụ tàu, dịch vụ dầu khí, dịch vụ cơ khí và đóng mới cộng với lợi nhuận từ công ty thành viên.

Nhìn chung, trong ngắn hạn, lợi nhuận của PVS được dự đoán có thể không tăng mạnh do việc khởi động lại dự án dầu khí bị trì hoãn so với giá dầu.

Trong khi đó, câu chuyện của PVD sẽ tích cực hơn trong năm 2023 khi giá cho thuê giàn khoan bình quân được ban lãnh đạo dự báo tăng 23% và tỷ suất hoạt động của các giàn khoan có sự cải thiện so với năm 2022. Những ngày đầu năm, PVD đã chốt các hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan giàn PV Drilling I, II, VI cho năm 2023. 

Chia sẻ từ phía doanh nghiệp, giá cho thuê các giàn tự nâng của PVD tăng trưởng từ mức bình quân 61.000 USD/ngày trong năm 2022 lên ít nhất 75.000 USD/ngày (có thể cao hơn) trong năm 2023.

Nhóm trung nguồn: PV GAS và PV Trans thiết lập lợi nhuận kỷ lục

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) cho biết, các hoạt động của công ty không hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu bởi công ty được áp dụng cơ chế giá riêng, đó là giá bán không thấp hơn giá miệng giếng. Đồng nghĩa, nếu giá dầu xuống thấp thì PV GAS vẫn không bị lỗ.

Năm 2022, doanh thu thuần của PV GAS đạt hơn 100.723 tỷ, lợi nhuận sau thuế 15.062 tỷ, lần lượt tăng 28% và tăng 70% so với năm 2021 và là mốc kỷ lục của tổng công ty. Năm ngoái, tổng công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng dựa trên phương án giá dầu bình quân 60 USD/thùng. Như vậy với việc giá dầu neo ở mức cao hơn dự kiến, PV GAS đã vượt 114% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

 Với Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans – Mã: PVT), công ty giải thích lợi nhuận vượt mốc nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021 nhờ các thành viên đã đầu tư thêm tàu chở dầu/hóa chất nhằm đón đầu trước giá cước tàu chở dầu, nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu do chiến sự Nga –Ukraine.

 

Nhóm bán lẻ xăng dầu: Một năm nhiều biến động

Dị biệt là từ khóa các chuyên gia nói về thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam năm 2022. Trước một năm bất ổn của thị trường, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu cũng mang màu sắc ảm đạm, trong 5 doanh nghiệp đang niêm yết thì có 4 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, một doanh nghiệp thua lỗ.

 Năm 2022 là một năm bất ổn đối với thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX)Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL) là hai doanh nghiệp dẫn đầu thị phần trong nhóm phân phối xăng dầu. Năm qua, dù doanh thu thuần của hai đơn vị này tăng 80% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế đều đi xuống.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sau đại dịch hồi phục sau đại dịch, chi phí kinh doanh tăng vọt nhưng chính sách điều hành thị trường xăng dầu không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở dẫn đến nguồn hàng khan hiếm và chiết khấu bán hàng thấp. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của hai đơn vị đầu ngành có lợi nhuận thụt lùi.

Biên lợi nhuận gộp của PV OIL và Petrolimex đã phục hồi trong quý IV/2022 nhưng vẫn ở mức thấp so với trước năm 2021. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của công ty).

Trong nửa đầu năm 2022, crack spread (chênh lệch giữa giá một thùng dầu thô và sản phẩm xăng dầu chế biến từ thùng dầu thô) các sản phẩm lọc dầu, đặc biệt là crack spread dầu diesel đã tăng rất mạnh trên toàn cầu kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.

Đến tháng 7/2022, crack spread diesel đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao nhờ vào tính đa dụng của nó như làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và đặc biệt là làm nguồn nhiên liệu cho máy phát điện diesel (thay thế cho điện khí). Điều này đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà máy lọc dầu như Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) với mức lãi kỷ lục năm 2022 là 14.394 tỷ đồng, gấp 2,15 lần năm 2021.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty. 

Triển vọng ngành dầu khí năm 2023

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng, trung bình khoảng 470 tỷ USD đầu tư thượng nguồn sẽ được chi mỗi năm cho đến năm 2030 để đảm bảo cân bằng cung và cầu trên thị trường dầu thô, cao hơn 50% so với khoản đầu tư trong những năm gần đây. Đây sẽ là bệ đỡ để thị trường khoan dầu khí (nhóm thượng nguồn) tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.

Theo IHS Markit, nguồn cung các giàn khoan tự nâng ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thắt chặt khi nhiều giàn khoan đang được chuẩn bị để di chuyển đến khu vực Trung Đông. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan như PVD.

Chứng khoán VNDirect cho rằng, đối với các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn, nhóm vận tải dầu khí được dự báo hưởng lợi theo đà tăng giá cước khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đang định hình lại dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Trong đó nhu cầu đối với tàu chở dầu thô đi lên khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Có thể một nguồn nhiên liệu sẽ thay thế cho khí trong sản xuất điện, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu.

Hơn nữa, việc chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến quãng đường dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu chở dầu toàn cầu.

Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải dầu khí dự báo sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc Lọc Hóa dầu Bình Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước COVID-19 kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải dầu khí. Do đó, thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào kết quả kinh doanh của các công ty (nhờ cơ chế giá cước thuê tàu hiện tại đảm bảo một mức biên lợi nhuận gộp ổn định cho doanh nghiệp vận tải).

Một thông tin tích cực làm bệ đỡ cho nhóm thượng nguồn và trung nguồn là tiến độ khả quan của dự án Lô B – Ô Môn.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PV GAS với vai trò là nhà thầu chính sẽ được hưởng lợi khi dự án dự án điện khí Lô B-Ô Môn được đưa vào vận hành từ năm 2026. (Ảnh: Minh Hằng).

Theo Chứng khoán BSC, trong giai đoạn đầu, hoạt động khoan thăm dò, thi công xây lắp giàn tạo khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khâu thượng nguồn như PVD, PVS hay PVC. Giai đoạn sau, các phần việc liên quan tới lắp đặt và bọc ống trong dự án đường ống dẫn khí sẽ giúp các doanh nghiệp như PVS và PVB được hưởng lợi.

Đến giai đoạn khai thác, nhà đầu tư chính của dự án đường ống Lô B (góp vốn 51%) là PV GAS sẽ vận chuyển tối đa 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương khoảng 70 - 80% sản lượng khí đường ống hiện tại của Việt Nam.

Với lĩnh vực phân phối xăng dầu, theo chuyên gia phân tích, năm 2023, giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để nhà máy này hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân phối lớn như Petrolimex và PV OIL có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.

Với các doanh nghiệp lọc dầu như BSR, biên lợi nhuận có thể sẽ giảm trong năm 2023, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với trước khủng hoảng Nga – Ukraine do nhu cầu phục hồi sau đại dịch; thị trường dầu thô và xăng dầu thành phẩm tiếp tục thắt chặt do xung đột Nga - Ukraine kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu; việc cắt giảm phát thải carbon sẽ làm hạn chế sự gia tăng công suất lọc dầu trong dài hạn.

Chứng khoán VNDiect cũng cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế cũng như ngành dầu khí trong thời gian tới. Tác động của môi trường lãi suất tăng lên các doanh nghiệp dầu khí niêm yết là trái chiều, phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Minh Hằng