|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh ngành điện năm 2022: Nhóm thủy điện đại thắng, nhóm nhiệt điện hụt hơi

10:10 | 24/02/2023
Chia sẻ
Năm 2022, nhóm thủy điện "toả sáng" nhờ vào nguồn nước tự nhiên dồi dào, nhiều công ty báo lãi kỷ lục. Trong khi đó, nhóm điện than và điện khí hồi phục nhẹ so với mức nền thấp của năm 2021, nhưng biên lợi nhuận giảm sút do giá nhiên liệu đầu vào cao. Còn các công ty năng lượng tái tạo vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.

Một năm đại thắng của nhóm thủy điện

Năm 2022 được coi là năm “gặp thời” của nhóm doanh nghiệp thủy điện. Với nguồn đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình thời tiết, hiện tượng La Nina gây mưa nhiều đem lại nguồn nước dồi dào cho các hồ chứa đã giúp các công ty trong ngành đồng loạt báo doanh thu tăng trưởng hai, ba chữ số năm 2022.

Thực tế kết quả tích cực diễn ra nửa đầu năm, sau đó có xu hướng chậm lại nửa cuối năm khi lượng mưa ít hơn. Nhìn chung, hầu hết các công ty đều báo lãi sau thuế cả năm tăng đột biến, nhiều công ty có lợi nhuận phá đỉnh kỷ lục.

Đơn cử, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Mã: VSH), công ty con của Cơ điện lạnh (Mã: REE) năm qua đã có một năm "toả sáng" với doanh thu kỷ lục 3.084 tỷ đồng, tăng 91% so với năm 2021 và đứng đầu bảng doanh thu của nhóm thủy điện. Trừ đi các chi phí, VSH lãi sau thuế 1.264 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ.

Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Mã: DNH) xếp thứ hai về doanh thu nhưng lại là quán quân về lợi nhuận trong nhóm thủy điện. Năm 2022, nhà máy nằm tại khu vực Đồng Nai này lãi sau thuế 1.520 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. 

 Loạt doanh nghiệp nhóm thủy điện thăng hoa về lợi nhuận nhờ tình hình thủy văn thuận lợi trong năm 2022.

Nhóm nhiệt điện gặp bất lợi do giá than, giá khí đầu vào cao

Nếu như thủy điện có câu chuyện sáng sủa trong năm 2022, ngược lại bức tranh của nhóm nhiệt điện lại kém sắc hơn. Khi các công ty thủy điện được mùa, Tập đoàn Điện lực EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ, đồng nghĩa nhóm nhiệt điện sẽ gặp bất lợi. Chưa kể, nguồn than, khí đầu vào neo cao là yếu tố làm thu hẹp lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này.

Đối với nhóm nhiệt điện than, quý cuối năm, Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã: QTP) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 86% còn 25 tỷ đồng do sản lượng điện thương phẩm đi xuống trong khi giá than đầu vào cao đột biến.

Thậm chí Nhiệt điện Hải Phòng (Mã: HND) phải báo lỗ 7,5 tỷ đồng quý IV/2022 do sản lượng Qc thấp, tổ máy số 4 đại tu.

Dù vậy cả năm, ba công ty đại diện cho nhóm nhiệt điện than vẫn có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2 chữ số so với mức nền rất thấp của năm 2021. 

Nhóm nhiệt điện than ghi nhận lợi nhuận giảm sút trong hai năm 2021 và 2022 do giá than đầu vào bắt đầu tăng từ quý I/2021. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của doanh nghiệp).

Với nhóm nhiệt điện khí, PV Power (Mã: POW) ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 28.235 tỷ đồng, tăng 15% với doanh thu từ bán điện chiếm 99%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.323 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện trong năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp so với các năm trước.

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) là doanh nghiệp trong nhóm có lợi nhuận tăng mạnh nhất với 37%. Song tính riêng trong quý IV, lợi nhuận công ty này giảm 95% còn 6 tỷ đồng do giá khí đầu vào quá cao. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng chủ yếu do ghi nhận chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi là 239 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.   

 

Nhóm năng lượng tái tạo duy trì đà tăng 

Hiện có ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển điện gió, điện mặt trời. Một số doanh nghiệp đang có hoạt động mở rộng và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (Mã: BCG), Cơ điện lạnh (REE), Điện Gia Lai (Mã: GEG),…

Năm 2022, REE ghi nhận lãi cao nhất lịch sử với 3.513 tỷ, tăng 64% so với năm 2021 nhờ đóng góp lớn từ mảng năng lượng tái tạo. Hiện danh sách các công ty liên kết của REE hầu hết trong mảng thủy điện. Năm 2022, 18 công ty liên doanh liên kết đem về cho REE 1.077 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 39%.

 Các công ty liên doanh kiên kết vẫn đóng góp lợi nhuận đều đặn 900 - 1.000 tỷ đồng cho REE. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của REE).

Năm 2022, BCG Energy, thành viên của Bamboo Capital cũng ghi nhận doanh thu bán điện khả quan với khoảng 1.080 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2021 và chiếm 23,5% trong tổng doanh thu của toàn tập đoàn.

Tính tới thời điểm hiện tại, Điện Gia Lai đang vận hành và xây dựng 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và Điện Gió tại 14 tỉnh thành với tổng công suất gần 750 MWp.

Cơ cấu doanh thu của Điện Gia Lai cho thấy 94% nguồn thu đến từ bán điện. Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này là 2.093 tỷ đồng, tăng 32%. Biên lợi nhuận gộp đạt 48%, cao hơn mức 39% của trung bình ngành.

Đối với Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG), trong năm 2022, trong khi doanh thu mảng kinh doanh bất động sản đi xuống, mảng năng lượng với nguồn thu là từ điện gió, điện mặt trời, thủy điện lại tăng mạnh hơn 69% lên 2.160 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu của tập đoàn năm vừa rồi.

Nhóm thủy điện sẽ hết thời, điện gió lên ngôi năm 2023

Theo Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), những năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Khi hiện tượng La Nina bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, El Nino sẽ duy trì trạng thái trung tính vào tháng 3/2023 ở mức 70% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện.

Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy mới có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.

Trong khi đó nhóm nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ gặp nhiều thách thức. Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hơn 28.400 MW nguồn điện sử dụng khí LNG nhập khẩu và có hơn 14.900 MW nguồn điện khác được chuyển đổi sang sử dụng LNG nhằm bù đắp cho nguồn khí đốt khai thác trong nước và hạn chế phát thải từ nhiệt điện than.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán giá khí đốt chưa thể hạ nhiệt ngay. Nga hiện đang là quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 4 trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ đầu năm đã đẩy giá LNG tăng vọt sau đó giảm về 30 USD/mmBTU, nhưng mức giá này vẫn rất cao so với mức trung bình 15 - 18 USD/mmBTU trong năm 2021. Giá khí LNG cao vẫn gây khó khăn cho quá trình đàm phán giá bán điện.

Ngoài ra, hợp đồng mua bán khí giữa các quốc gia thường sẽ được ký kết trong một khoảng thời gian dài và hạn chế sự tham gia của bên thứ 3. Do đó, quá trình tìm kiếm nguồn cung từ các đối tác và đàm phán 3 bên giữa nhà cung cấp, chủ đầu tư và EVN sẽ có thể mất nhiều thời gian.

Điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất đến năm 2050, còn nhiệt điện than sẽ không được phát triển mới sau năm 2030.. (Nguồn: VCBS). 

Với nhóm năng lượng tái tạo, do cơ cấu nguồn điện được phát triển theo hướng xanh hơn theo Quy hoạch điện VIII, điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng công suất hàng năm (CAGR) ở mức 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 - 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 - 2050.

Ngược lại, điện mặt trời sau giai đoạn tăng trưởng nóng sẽ không được đẩy mạnh đầu tư cho đến năm 2030, tuy nhiên kể từ giai đoạn 2030 - 2050 công suất sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 12%/năm.

Minh Hằng