Giải ngân đầu tư công ì ạch, lợi nhuận nhóm đá xây dựng vẫn bấp bênh
Năm 2022, yếu cả cung lẫn cầu
Theo báo cáo của SSI Research, nhu cầu đá xây dựng để xây dựng cầu, đường và các cơ sở hạ tầng giao thông khác chiếm khoảng 65%-70% tổng nhu cầu đá xây dựng. Mức giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chỉ đạt 436 nghìn tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm, đã dẫn đến nhu cầu về đá xây dựng yếu.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ, giá đá năm 2022 đã tăng 7,6% do giá xăng, dầu tăng tác động đến chi phí khai thác và vận chuyển.
Năm 2022, nguồn cung về đá bị hạn chế khi quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng (VLXD) giai đoạn 2021-2025 chưa được phê duyệt; việc thay đổi các mỏ đá xây dựng cũ gặp phải thách thức về pháp lý và đánh giá tác động môi trường; các mỏ gần khu vực trung tâm Bình Dương gồm Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ dần cạn kiệt.
Ngoài ra, giá đất tăng mạnh cũng dẫn đến khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Kết quả kinh doanh phân hoá năm 2022
Xét cả năm 2022, có 6/9 doanh nghiệp ngành đá xây dựng được thống kê ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ. Nhưng về mặt lợi nhuận sau thuế, chỉ có 4/9 công ty ghi nhận tăng.
CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hoà (Mã: VLB), dẫn đầu về doanh thu với 1.275 tỷ đồng, tăng trưởng 35%. Song, doanh nghiệp phải nộp bổ sung 270 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản giai đoạn 2014 - 2021, khiến lợi nhuận sau thuế âm 32 tỷ đồng và là công ty duy nhất thua lỗ.
Trong khi đó, CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (Mã: CTI) có doanh thu tăng trưởng 21%, đạt 919 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp 36 lần so với năm trước lên 107 tỷ.
Một ông lớn trong ngành là CTCP Khoảng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) thì ghi nhận doanh thu 859 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Song giá vốn hàng bán và chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm đến 40%, còn 152 tỷ đồng.
Còn CTCP Đá Núi Nhỏ (Mã: NNC), nhờ khoản hoàn tiền thuê đất 36 tỷ đồng, nên dù doanh thu giảm 49% so với năm trước song doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ lên hơn 39 tỷ đồng.
Sân bay Long Thành - động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu đá xây dựng khu vực Đông Nam Bộ
Năm 2023, theo nhiều dự báo, giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy mạnh, kéo theo đó là sự hưởng lợi của các nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp nhựa đường và các doanh nghiệp VLXD (cát, đá xây dựng, xi măng,...).
Dự kiến, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là 726 nghìn tỷ đồng, tăng 66% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó các dự án trọng điểm gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Quốc tế Long Thành, đường vành đai 3 (TP HCM), đường vành đai 4 (Hà Nội) và các tuyến cao tốc kết nối trục Đông - Tây.
Với đá xây dựng, nhu cầu đến vào giai đoạn thi công phần kết cấu dưới của dự án. Theo VNDirect, giai đoạn này kéo dài khoảng 6 - 9 tháng. Một số dự án sẽ thi công phần này trong năm 2023 có thể kể đến như sân bay Long Thành; cao tốc Bắc - Nam đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ước tính nhu cầu đá xây dựng giai đoạn 2023 - 2025 vào khoảng 21,5 triệu m3. Các dự án sân bay Long Thành; cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu; đường vành đai 3 dự kiến sử dụng lần lượt 2 triệu m3; 0,7 triệu m3 và 5,2 triệu m3.
Riêng dự án sân bay Long Thành, Chứng khoán VNDirect nhận định đây là động lực tăng trưởng chính cho nhu cầu đá xây dựng tại khu vực Đông Nam Bộ thời gian tới khi đang san nền và làm móng.
Song, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV - chủ đầu tư sân bay Long Thành) vừa thông báo gói thầu xây dựng nhà ga vẫn chưa tìm được nhà thầu. Do đó, SSI Research nhận định nhiều khả năng nhu cầu đá xây dựng của dự án này chỉ có thể tăng sớm nhất từ quý II/2023, vì cần thời gian thay đổi các điều khoản, điều kiện đấu thầu.
Lợi nhuận năm 2023 của các công ty đá xây dựng có thể tăng 16%
Hiện, chi phí vận chuyển là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá thành đá xây dựng, do đó, các đơn vị nghiên cứu nhận định hầu hết nhà thầu sẽ lựa chọn những mỏ đá gần dự án.
Khu vực Tân Cang (Đồng Nai), với 9 mỏ khai thác đá, được nhận định là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, đường vành đai 3 và các dự án cơ sở hạ tầng tại Đồng Nai. SSI Research ước tính nhu cầu tại các mỏ đá ở Tân Cang sẽ tăng 28% so với năm 2022.
Để bù đắp cho giá nhiên liệu và chi phí bảo vệ môi trường, giá đá dự kiến tăng 8% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp tại các mỏ ở Tân Cang sẽ duy trì trong khoảng 28-30%, thấp hơn trung bình tại các mỏ Tân Đông Hiệp (45%) và Thạnh Phú (32%).
CTCP Hoá An (Mã: DHA), CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (Mã: DND), CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hoà đang sở hữu các mỏ tại khu vực này.
Còn, các mỏ tại Thạnh Phú (Đồng Nai) sẽ là nguồn cung cấp chính cho những công trình tại Tây Nam Bộ. Nhu cầu tại đây được dự báo tăng 15-16% so với năm ngoái nhờ cung cấp cho các đoạn của cao tốc Bắc - Nam như Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Giá đá xây dựng tại đây dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ.
Khu vực này có các mỏ khai thác của Khoáng sản Bình Dương, Cường Thuận IDICO, CTCP Hoá An, CTCP Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai, CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hoà.
Năm 2023, SSI Research nhận định nguồn cung đá sẽ tiếp tục hạn chế do quy hoạch mỏ đá xây dựng giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đặc biệt, với các địa phương là trung tâm khai thác đá xây dựng của miền Nam như Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh đó, giá bồi thường giải phóng mặt bằng tại các khu vực khai thác đá đều tăng.
Đơn vị này cũng đưa ra dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của các công ty đá xây dựng tăng 16% so với cùng kỳ và sản lượng đá dự báo tăng bình quân 15% so với năm ngoái.