|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán lẻ hụt hơi khi hầu bao bị thắt chặt vì lạm phát

20:32 | 08/02/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh lạm phát leo thang, xu hướng thắt chặt chi tiêu không chỉ diễn ra đối với các mặt hàng điện tử, điện thoại, laptop mà còn tác động đến cả các các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của năm 2021. Tuy nhiên, từ quý IV/2022, chi tiêu của người tiêu dùng đã thắt chặt bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô suy yếu như lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tốc độ tăng trưởng CPI cho thấy tốc độ đi lên của lạm phát trong những tháng cuối năm 2022. (Nguồn: Tổng Cục thống kê).

Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy doanh thu thuần của các doanh nghiệp bán lẻ từ CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) hay  Digiworld (Mã: DGW)Petrosetco (Mã: PET) đều cho thấy sụt giảm.

Bên cạnh doanh thu đi xuống do nhu cầu yếu đi, các chi phí bán hàng, lãi vay tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế nhiều doanh nghiệp giảm đến hai chữ số so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023.

Thế Giới Di Động và FPT Retail hụt hơi vì cầu suy yếu

Sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại tại các cửa hàng thuộc MWG trong quý IV/2022 giảm mạnh hơn dự kiến. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, Thế giới Di động (Mã: MWG) bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến thậm chí với cả nhóm hàng thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Hoạt động kém hiệu quả của mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) kết hợp với chi phí tài chính tăng mạnh kéo lợi nhuận ròng quý IV của MWG giảm tới 60% còn 619 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Khó khăn trong năm của MWG còn được thể hiện qua việc đóng cửa các cửa hàng họ “AVA” AVAFashion (thời trang), AVAJi (đồng hồ, trang sức, mắt kính), AVACycle (xe đạp) và tính đến cuối năm 2022, chỉ còn hai chuỗi AVASport (đồ thể thao chính hãng) và AVAKids (sản phẩm cho mẹ và bé) còn hoạt động.

Đối với mảng dược phẩm của MWG là Nhà thuốc An Khang, chuỗi bán lẻ này cũng không được mở mới thêm trong 5 tháng cuối năm. Kết thúc năm 2022, An Khang mang về 1.500 tỷ đồng doanh thu cho MWG.

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của MWG tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý IV đã kéo lãi sau thuế cả năm ngoái còn 4.102 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021 và mới đạt 65% chỉ tiêu năm.

Câu chuyện tương tự diễn ra với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT). Trong khi doanh thu đi ngang, thì lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của đơn vị này giảm tới 72% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết, trong kỳ phải đối mặt với nhiều bất lợi do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh do ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn... dẫn đến kết quả kinh doanh năm của FPT Shop không đạt như kỳ vọng dù 9 tháng đầu năm có kết quả kinh doanh rất tốt.

 Tính đến cuối 2022, FRT có tổng cộng 786 chuỗi cửa hàng FPT Shop, đem về doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2021. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Còn với chuỗi nhà thuốc Long Châu do nhu cầu tiêu dùng về các mặt hàng dược phẩm và mở rộng độ phủ của chuỗi nên ghi nhận kết quả kinh doanh tốt.

Luỹ kế năm 2022, FRT vẫn ghi nhận tăng trưởng 34% về doanh thu so với năm 2021, đạt 30.166 tỷ đồng và thiết lập mốc đỉnh mới.

Trong đó, chuỗi FPT Shop đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Số lượng cửa hàng FPT Shop tăng thêm 139 cửa hàng so với năm 2021, lên 786 cửa hàng.

Còn doanh thu chuỗi Long Châu đạt 9.596 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Mở mới 537 cửa hàng trong năm 2022 và có 937 cửa hàng mang lại doanh thu.

Sức mua hàng ICT giảm mạnh hơn so với dự kiến

Hai công ty chuyên phân phối điện thoại, laptop là Digiworld (Mã: DGW)Petrosetco (Mã: PET) cũng chứng kiến lợi nhuận tụt dốc khi nhu cầu cho các mặt hàng này đi xuống.

Thông thường quý IV/2022 là thời điểm ra mắt điện thoại iPhone, nhu cầu mua sắm laptop trong mùa tựu trường cũng cao hơn thông thường, là động lực hỗ trợ cho lợi nhuận cho Digiworld cũng như Petrosetco.

Thực tế, tình hình kinh tế quý IV/2022 không khả quan, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu ảm đạm, ảnh hưởng đến ngành ICT nói chung, ngoài ra chính sách zero COVID của Trung Quốc khiến thị trường điện thoại, laptop mất nguồn cung. Kết quả, doanh thu mảng điện thoại di động của Digiworld giảm tới 50% trong quý IV, kéo tổng doanh thu thuần quý cuối năm 2022 giảm 48%.

Quý IV/2022, Petrosetco lãi sau thuế chưa tới 1 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 138 tỷ), khác xa so với dự báo trước đó. Bên cạnh nguyên nhân doanh thu đi xuống, chi phí lãi vay tăng 3 lần là yếu tố ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Bảng 1: Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của ngành bán lẻ.

Trong khi đó, câu chuyện với CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) lại tích cực hơn, khi doanh thuần quý IV tăng 18%, lợi nhuận sau thuế tăng gần 3%. Cả năm, PNJ lãi sau thuế 1.807 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2022, Vincom Retail (Mã: VRE) là chủ đầu tư duy nhất mở mới 3 trung tâm thương mại là Vincom Mega Mall Smart City, Vincom Plaza Mỹ Tho, Vincom Plaza Trần Huỳnh, Bạc Liêu. Với sức cầu hồi phục sau dịch, cả năm công ty này báo lãi sau thuế 2.735 tỷ đồng, tăng 108% so với mức nền thấp năm 2021.

Theo Chứng khoán VNDirect, PNJ và Vincom Retail kinh doanh hàng xa xỉ phẩm và có vị thế tiền mặt ròng nên ít bị tác động bởi suy giảm cầu tiêu dùng. Theo các chuyên gia, thông thường, những tầng lớp giàu có thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động tiêu cực vào tiêu dùng do quy mô tài sản nắm giữ của họ thường rất lớn.

 Bảng 2: Kết quả kinh doanh năm 2022 của ngành bán lẻ.

Chi phí lãi vay trở thành gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ

Ngoài chi tiêu của người dân yếu đi, vấn đề chi phí lãi vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao cũng là yếu tố kìm hãm tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ.

Biểu đồ dưới đây cho thấy, chi phí đi vay của các doanh nghiệp gấp đôi, gấp ba lần năm 2021. Trong đó chi phí lãi vay của MWG tăng hơn 102% lên 1.362 tỷ đồng; Digiworld và Petrosetco tăng lần lượt 209% và 100%. Chiều ngược lại, chi phí lãi vay của PNJ và Vincom Retail giảm so với năm trước đó do giảm bớt đi vay và nắm giữ vị thế tiền mặt cao.

 Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC của doanh nghiệp.

Theo Chứng khoán VNDirect, lãi suất vay tăng dần trong giai đoạn hạn mức tín dụng hạn chế và điều kiện vĩ mô toàn cầu không ổn định, các doanh nghiệp như PNJ và Vincom Retail với lượng tiền mặt ròng sẽ là thành trì tốt trong ngành tiêu dùng, bán lẻ.

MWG và FPT Retail cũng đang cho thấy sự thay đổi trong chiến lược nhằm đánh giá lại nhu cầu thị trường và bảo vệ cấu trúc tài chính lành mạnh, trong đó việc giảm tốc độ mở rộng chuỗi sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí.

MWG đã thực hiện các khoản vay nước ngoài kỳ hạn 5 năm với giá trị 250 triệu USD với lãi suất cố định khoảng 6,5% nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất trong thời gian tới. Mặc dù các khoản vay này sẽ chịu lỗ tỷ giá, nhưng các chuyên gia đánh giá việc đảm bảo nguồn tiền ổn định là ưu tiên quan trọng hơn.

Minh Hằng