|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Biên lãi thuần quý IV/2022 của Thế Giới Di Động rơi về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết

17:13 | 03/02/2023
Chia sẻ
Biên lãi gộp của Thế Giới Di Động vẫn tăng trong quý IV/2022 song các chi phí gia tăng đặc biệt là chi phí lãi vay khiến biên lãi thuần rơi về mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo quý.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận sự phục hồi từ mức thấp của năm 2021. Tuy nhiên, từ quý IV/2022, chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô suy yếu như lạm phát gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Sau 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2022 do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Xu hướng thắt chặt chi tiêu cũng diễn ra ngay cả đối với thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Hoạt động kém hiệu quả của mảng công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT & CE) kết hợp với chi phí tài chính tăng mạnh kéo lợi nhuận ròng quý IV của MWG giảm tới 60% còn 619 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tính riêng tháng 12, MWG ghi nhận 9.722 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ; giảm lần lượt gần 22% và 79% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart.

Biên lợi nhuận gộp của MWG vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đạt 26% trong quý IV. 

Song sự gia tăng của chi phí tài chính do mặt bằng lãi suất tăng cao và chi phí bán hàng đã khiến biên lãi thuần quý IV của công ty sụt mạnh xuống còn 2%, là quý thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý tới nay (2014). Riêng trong năm 2022, chi phí lãi vay của MWG đã tăng gấp đôi năm 2021 lên 1.362 tỷ đồng.

 

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart.

Tính chung cả năm, doanh thu thuần của MWG tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý IV đã kéo lãi ròng cả năm ngoái còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021 và mới đạt 65% chỉ tiêu năm.

 

  Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart.

Thận trọng mở mới các chuỗi trong năm 2023

Về triển vọng của ngành ICT năm 2023, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế Giới Di Động và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) dự báo thị trường điện thoại và điện máy không mấy lạc quan.

6 tháng đầu năm tới, lãnh đạo MWG không kỳ vọng vào sự tăng trưởng và doanh nghiệp cũng không đặt mục tiêu mở mới thêm chuỗi TGDĐ và ĐMX trong thời điểm này. Nếu những tháng cuối năm tới, tuỳ tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể xem xét đặt ra các mục tiêu khác.

Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp cho hay sẽ làm việc với các hãng chặt chẽ hơn, với những hãng có đủ tiềm lực, MWG sẽ tìm tiếng nói chung và cơ hội gia tăng trong những sản phẩm độc quyền. 

Song song, trong bối cảnh khó khăn, trung kiểm soát hàng tồn kho là ưu tiên hàng đầu của MWG để tối ưu nhất về mặt chi phí.

Không chỉ hai chuỗi TGDĐ, ĐMX mà cả với chuỗi nhà thuốc An Khang lãnh đạo MWG cũng cho biết sẽ thận trọng trong việc mở rộng.

Ông Hiểu Em cho biết An Khang vẫn sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2023 song doanh nghiệp sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp và chiến lược mở mới sẽ thận trọng hơn khi tập trung vào chất lượng, đảm bảo phải có lời EBITDA trên mỗi cửa hàng. Việc mở mới sẽ tập trung ở những khu vực đông dân cư, với diện tích nhỏ của cửa hàng thuốc vị trị mở phải đảm bảo độ nhận diện. 

Về Bách Hoá Xanh, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ số lượng cửa hàng mở mới năm 2023 phụ thuộc vào việc đáp ứng các tiêu chí mà không có mục tiêu cụ thể nào, tức mở cửa hàng nào năm tới là cửa hàng đó sẽ đem tiền về. 

 Nguồn: HK tổng hợp.

Nửa cuối năm 2023 được dự báo "dễ thở" hơn với MWG

Chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư cuối tháng 11/2022, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đánh giá: "Đây là một năm rất lạ lùng, lẽ ra thời điểm này công nhân phải tăng ca thì bây giờ họ phải chia ca, tháng chỉ làm 14 ngày, 14 ngày còn lại nghỉ thậm chí nhiều công ty còn cho công nhân nghỉ hẳn. Do đó, khi thu nhập người lao động đi xuống thì sức mua giảm và tác động tới ngành bán lẻ, ngay cả Bách Hoá Xanh cũng vậy".

Những ngành bị ảnh hưởng nhiều là những ngành không quá tác động trực diện tới đời sống hàng ngày như điện thoại, điện máy,... thậm chí hàng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

 

Nếu như trước đây người tiêu dùng sẵn sàng mua chai dầu ăn 50.000 đồng thì hiện tại họ chỉ tìm kiếm loại 35.000 đồng. Đó là hành vi của người tiêu dùng, trong lúc khó khăn thì họ thắt chặt chi tiêu".

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế Giới Di Động

Người đứng đầu MWG dự báo: "Tình hình hiện tại có thể kéo dài ít nhất tới quý I/2023. Nếu tình hình thế giới tiếp tục bất ổn thì có thể kéo dài tới tận quý II hoặc quý III/2023 song tới quý IV/2023 có thể dễ thở hơn".

"Năm nay không giống năm trước, nếu năm ngoái giãn cách xã hội để bảo vệ sức khoẻ, là quyết định hoàn toàn có thể chuẩn bị được thì năm nay là loạt các yếu tố bất định tác động và không ai có thể xử lý nhanh kể cả các nước phát triển. Việc kỳ vọng chỉ trong vài tháng tình hình quay về ổn định là lạc quan quá mức", ông Tài nhấn mạnh.

 Ảnh: dienmayxanh.com.

Đồng quan điểm, trong báo cáo phân tích cuối tháng 1, SSI Research dự báo tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô.

Trong nửa đầu năm 2023, các chuyên gia phân tích cho rằng giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên. Thuế giá trị gia tăng tăng lên 10% (từ mức hiện tại là 8%) kể từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Trong kịch bản cơ sở với giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm. SSI Research ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ với mức chi tiêu thấp cho đến nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023.

Hoàng Kiều

Nhận định thị trường chứng khoán 2/12: Kiểm tra cung cầu quanh 1.250 – 1.265 điểm
Theo dự báo của công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua, có thể cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn.