7 tập đoàn có doanh thu năm 2022 trên 100.000 tỷ, ngành dầu khí góp 4 đại diện
Theo báo cáo tài chính quý IV hợp nhất (chưa kiểm toán), doanh nghiệp có doanh thu thuần lớn nhất thị trường chứng khoán năm 2022 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) với 304.080 tỷ đồng, tăng 80% so với 2021 và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử tập đoàn này. So với doanh nghiệp đứng ngay phía sau, doanh thu của Petrolimex cao hơn tới 82%.
Doanh thu đi lên nhưng lợi nhuận sau thuế của Petrolimex lại giảm gần 39% so với năm trước, xuống còn 1.913 tỷ đồng.
Cái tên đứng số 2 trong bảng xếp hạng doanh thu là Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) – đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Năm vừa qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn đem về hơn 167.000 tỷ đồng, tăng 65% so với doanh thu năm 2021 và là kỷ lục của công ty này.
Riêng quý IV, doanh thu của BSR đạt 40.430 tỷ đồng, cũng đứng thứ 2 toàn thị trường sau Petrolimex. Lợi nhuận quý IV đạt 1.495 tỷ đồng, trái ngược với ước tính lỗ 700 tỷ mà lãnh đạo công ty đưa ra hồi giữa tháng 12.
Giá dầu thô quốc tế lên cao trong năm 2022 sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Giá xăng trong nước lập đỉnh lịch sử gần 33.000 đồng/lit vào tháng 7 đã thúc đẩy doanh thu của các công ty phân phối như Petrolimex và PV OIL lên cao.
Trong số các tên tuổi có doanh thu trên 100.000 tỷ đồng trong năm 2022, ngoài Petrolimex và Lọc hóa dầu Bình Sơn còn hai đại diện khác trong lĩnh vực dầu khí là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL – Mã: OIL) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS – Mã: GAS).
PV OIL, PV GAS và Lọc hóa dầu Bình Sơn đều có chung công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của Petrolimex là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại danh nghiệp (còn gọi là Siêu Ủy ban) với tỷ lệ sở hữu 77%.
PV GAS là doanh nghiệp dầu khí duy nhất có vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng và nằm trong top 10 trên thị trường chứng khoán, như bảng số liệu dưới đây cho thấy. Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và Hòa Phát (Mã: HPG) là hai doanh nghiệp còn lại có doanh thu năm 2022 và vốn hóa hiện tại cùng ở trên mốc 100.000 tỷ đồng.
Ngoài Hòa Phát, top 15 doanh thu thuần năm 2022 còn một đại diện khác của ngành thép là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN).
Cả Hòa Phát và VNSteel đều thua lỗ trong quý IV/2022, tương tự như Hoa Sen, Nam Kim, Pomina, … Khi xét cả năm ngoái, Hòa Phát có lãi 8.444 tỷ trong khi VNSteel lỗ sau thuế 822 tỷ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Những lý do khiến Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ trong quý IV 22/01/2023 - 10:07
Trong danh sách top doanh thu năm qua còn hai doanh nghiệp thua lỗ khác cùng thuộc ngành hàng không là Vietnam Airlines (Mã: HVN) và Vietjet (Mã: VJC). Đây là năm thua lỗ thứ 3 liên tiếp của Vietnam Airlines trong khi với Vietjet là năm đầu tiên.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) có doanh thu thuần lớn nhất ngành bán lẻ khi đem về 133.405 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 8,5% và là mức cao nhất trong lịch sử.
Tập đoàn Masan (Mã: MSN) – công ty sở hữu chuỗi siêu thị WinMart và nhiều công ty con trong các lĩnh vực khác – ghi nhận doanh thu thuần 76.189 tỷ đồng trong năm qua, xếp thứ 8 toàn thị trường.
Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến hết ngày 3/2, đã có 1.029 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, chỉ chiếm 64% số doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm các sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM) nhưng nắm tới 97% vốn hóa toàn thị trường.
Tổng doanh thu quý IV của 1.029 doanh nghiệp nói trên là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Các doanh nghiệp trên HOSE có doanh thu tăng 5,3%, HNX tăng 13,7% và UPCoM đi lên 7,5%.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý IV vừa qua đạt 54.455 tỷ đồng, giảm 47% so với quý cuối năm 2021. Nhờ có các khoản thu nhập bất thường ngoài hoạt động cốt lõi, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp chỉ giảm gần 31%, đạt 82.689 tỷ đồng.