Các công ty dầu khí thống trị top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Nga năm 2022
Vừa qua, tạp chí Forbes đã công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường. Forbes thu thập số liệu tài chính mới nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Trong danh sách này, các doanh nghiệp Nga có thể là những người chứng kiến sự biến động lớn sau những sự kiện trong năm qua, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Chính điều này đã khiến những công ty Nga trong danh sách có sự thay đổi thứ hạng đáng kể.
Năm nay, Nga có 24 công ty xuất hiện trong danh sách Global 2000. Trong số này, có 13 công ty thăng hạng còn 11 công ty tụt hạng so với danh sách năm 2021. Đặc biệt, có tới 7 trong số 10 công ty niêm yết lớn nhất của Nga là các công ty dầu khí.
Tuy nhiên, những công ty này cũng có thể là những cái tên chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. EU gần đây đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Điện Kremlin, cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga trong thời hạn 6 tháng.
Bên cạnh đó, có 6 trong số 24 công ty là nhà sản xuất vật liệu, phản ánh nền kinh tế Nga phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Trong danh sách 24 công ty niêm yết lớn nhất Nga không có bất kỳ công ty công nghệ nào.
Công ty lớn nhất, có ảnh hưởng nhất của Nga trong năm nay là Gazprom, tập đoàn dầu khí nhà nước do Tổng thống Nga Putin kiểm soát chặt chẽ. Gazprom đã tăng từ vị trí 367 năm 2021 lên vị trí 49 trong năm nay. Công ty dầu mỏ này đã được hưởng lợi từ việc giá năng lượng tăng cao. Hiện tại, Gazprom vẫn tiếp tục bán dầu thô cho các khách hàng châu Âu.
Rosneft, một công ty hóa dầu thuộc sở hữu nhà nước, là công ty niêm yết lớn thứ hai trong danh sách này, tăng từ vị trí 99 vào năm ngoái lên vị trí 81 năm nay. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty đang đối mặt với những khó khăn trong thời gian gần đây. CEO Rosneft là cánh tay phải của ông Putin và là một trong những tài phiệt Nga bị các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt. Hai siêu du thuyền của ông đã bị thu giữ sau cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Sberbank, một ngân hàng quốc doanh của Nga là công ty lớn thứ ba quốc gia này. Dù vậy, công ty này đã tụt hạng so với năm trước, từ vị trí 51 giảm xuống vị trí 115. Mỹ đã trừng phạt Sberbank vào tháng 4, nhưng ngân hàng này đã miễn trừ các giao dịch năng lượng khỏi các lệnh trừng phạt, bảo vệ vai trò của tổ chức này như một cầu nối giữa các nhà xuất khẩu của Nga và các công ty phương Tây.
Ngân hàng VTB (vị trí 512) và Ngân hàng Tín dụng Moscow (vị trí 2.000) là hai ngân hàng khác lọt vào bảng xếp hạng năm nay. Các biện pháp mà EU đề xuất gần đây sẽ loại bỏ Sberbank cùng Ngân hàng Tín dụng Moscow khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán quốc tế quan trọng trên toàn cầu.
Nhiều tỷ phú Nga bị áp lệnh trừng phạt bởi Mỹ và các nước phương Tây chính là những nhà điều hàng các công ty niêm yết lớn nhất xứ Bạch Dương. Bạn tập judo của ông Putin, Gennady Timchenko và Leonid Mikhelson, những tỷ phú giàu có nhất nước Nga với tổng giá trị tài sản ròng hơn 20 tỷ USD, là những người kiểm soát nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Novatek (vị trí 412).
Oleg Deripaska, người từng bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018, sở hữu 45% cổ phần của tập đoàn nhôm khổng lồ En + (vị trí 883). Vladimir Potanin, nhà tài phiệt giàu có nhất của Nga (người chỉ bị Canada trừng phạt), kiểm soát MMC Norilsk Nickel (vị trí 448), nhà sản xuất palladium và niken tinh chế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, không phải tất cả tỷ phú Nga đều giữ được chức vụ điều hành cho tới khi bảng xếp hạng của Forbes được công bố. Vagit Alekperov, ông chủ lâu năm của Lukoil (vị trí 166), nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga, đã từ chức vào tháng 4 sau khi bị Vương quốc Anh áp lệnh trừng phạt. Ông được cho là đã về hưu để bảo vệ công ty, giúp Lukoil có thể hoạt động bình thường.