|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Ủy ban Chứng khoán Mỹ trao thưởng tới 279 triệu USD cho một người tố giác?

10:11 | 10/05/2023
Chia sẻ
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã trao thưởng hơn 1 tỷ USD cho những người tố giác hành vi gian lận. Nhờ những thông tin tố giác trên, cơ quan này đã thu lại khoảng 6 tỷ USD tiền phạt.

Theo Economist, danh sách 0,01% những người giàu có nhất nước Mỹ có thể đã có thêm thành viên mới vào ngày 5/5, sau khi cá nhân đã nhận được số tiền lên tới 279 triệu USD.

Nguồn tiền này không đến từ một ngân hàng hay quỹ đầu cơ, mà lại từ một cơ quan chính phủ. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) tuyên bố đã thưởng cho một người tố giác (whistleblower) số tiền kỷ lục 279 triệu USD. 

Những chính phủ khác, chẳng hạn như tại châu Âu, không sẵn sàng thưởng tiền cho những người báo cáo hành vi tội phạm, gian lận. Vậy tại sao chính phủ Mỹ lại trao thưởng cho một cá nhân số tiền khổng lồ đến vậy?

Bỏ 1,3 tỷ USD, thu về 6 tỷ USD

Chương trình trao thưởng của SEC được thiết lập nhờ Đạo luật Dodd-Frank vào năm 2010 - nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm tăng cường giám sát doanh nghiệp sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Khuyến khích thêm nhiều người tố giác hành vi sai trái là một phần trong kế hoạch trên.

SEC đã chịu chỉ trích vì thất bại trong việc ngăn chặn Bernie Madoff, kẻ phạm tội lừa đảo và những trọng tội khác vào năm 2009, sau khi vận hành một mô hình Ponzi (mô hình dùng tiền người đến sau trả tiền người đến trước). Cơ quan này đã liên tục nhận được những lời cảnh báo về kế hoạch lừa đảo của ông Madoff.

Trụ sở của SEC tại Washington, D.C. (Ảnh: Andrew Kelly/Reuters).

SEC đã tạo ra một văn phòng để phân bổ thù lao và đồng ý trao thưởng hậu hĩnh cho bất cứ người nào cung cấp được thông tin về hành vi sai trái của doanh nghiệp, dẫn tới các khoản dàn xếp hoặc tiền phạt hơn 1 triệu USD. Phần thưởng, trị giá từ 10 đến 30% những khoản phí trên, được thu hoàn toàn từ những doanh nghiệp bị xử phạt.

Nhiều người tố giác lựa chọn hình thức ẩn danh, và chia sẻ thông tin thông qua một luật sư. Một số thậm chí còn tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp mà họ đã báo cáo. 

Trong một số trường hợp, người tố giác không phải là nhân viên của công ty bị báo cáo, và không gặp rủi ro đặc biệt khi gửi thông tin cho SEC. Hiện không có chi tiết về những gì mà người tố giác nhận được khoản thù lao 279 triệu USD đã tiết lộ cho SEC.

Tuy nhiên, một số người tố giác cũng công khai thông tin về mục tiêu của mình. Chẳng hạn, hai nhà phân tích tài chính đã hỗ trợ vụ kiện chống lại nhà sản xuất thiết bị y tế Orthofix vào năm 2013.

Cả hai không làm việc trong công ty trên, nhưng bằng cách sử dụng thông tin công khai, họ nghi ngờ rằng Orthofix đã thổi phồng số liệu bán hàng. Những người tố giác đã gửi thông tin trên đến SEC, và cơ quan này phát hiện ra rằng Orthofix thực sự đã gian lận. 4 năm sau, Orthofix chấp nhận dàn xếp, thừa nhận hành vi sai trái và nộp phạt 14 triệu USD. Những người tố giác nhận được phần thưởng là 2,5 triệu USD.

SEC cho biết những lời tố giác đã giúp họ thu được 6 tỷ USD từ các tập đoàn có hành vi sai trái trong năm ngoái. Hoạt động tố cáo hành vi gian lận đang tăng lên. Vào năm 2022, SEC đâm 760 đơn kiện chống lại những người phạm luật.

SEC đang ngàng càng thu được nhiều tiền từ các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

Lượng tiền thưởng cho người tố giác cũng đã bùng nổ. Hai năm trước, 108 người đã nhận về về số tiền 564 triệu USD, nhiều hơn tất cả những năm trước cộng lại. Tính đến 2022, SEC đã trao tổng cộng 1,3 tỷ USD cho 328 người tố giác.

Số đơn tố giác hiện nay đang đổ về nhanh hơn mức mà SEC có thể xử lý. Chỉ tính riêng năm 2022, cơ quan này đã nhận được hơn 12.000 lời chỉ điểm, nhiều gấp 4 lần so với năm 2012. Chỉ một phần nhỏ trong số này nhận được tiền thưởng.

Wall Street Journal ước tính trong số 52.000 tố giác được gửi cho SEC trong một thập kỷ tính đến tháng 9/2021, chỉ 0,5% kiếm được thù lao.

Cơ hội kiếm lời cho cựu nhân viên SEC?

Nhiều người chỉ trích rằng SEC kém minh bạch về cách phân loại và trao thưởng cho những người cung cấp thông tin. Chẳng hạn, một cuộc điều tra của Bloomberg phát hiện ra rằng chính những người liên quan đến hành vi sai trái có thể đã thu lợi thêm bằng cách báo cáo cho SEC.

Trong một nghiên cứu, Phó Giáo sư Alexander Platt thuộc Đại học Kansas gợi ý rằng một số công ty luật, thường có cựu nhân viên của SEC làm việc, đã nhận được một phần lớn thù lao. Những doanh nghiệp này thường tính phí pháp lý cao cho khách hàng tham gia tố giác, có thể hơn một phần ba giá trị thù lao. 

Sử dụng dữ liệu từ năm 2012 đến 2020, ông Platt phát hiện rằng cựu nhân viên của SEC đã đã tham gia vào khoảng 1/3 các vụ việc mà người tố cáo sử dụng luật sư.

Ông tính toán rằng khoảng 1/4 số tiền được phân bổ theo kế hoạch đã đến tay những người được đại diện bởi các công ty luật thuê nhân viên cũ từ SEC. Và tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên. Từ năm 2021 đến giữa năm 2022, những công ty này đã thu về hơn 40% số tiền được trao.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).