|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời nói dối của Chủ tịch Tesla và cách nhìn nhận về thao túng giá cổ phiếu

05:15 | 03/10/2018
Chia sẻ
Bằng cách tung ra các tin đồn thất thiệt về giá cổ phiếu cũng như hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể tác động tới quyết định giao dịch của nhà đầu tư để trục lợi cho cá nhân mình.
loi noi doi cua chu tich tesla va cach nhin nhan ve thao tung gia co phieu Xử phạt trên thị trường chứng khoán một năm nhìn lại: Sẵn sàng cho cuộc chơi 2018?
loi noi doi cua chu tich tesla va cach nhin nhan ve thao tung gia co phieu Không dễ ngăn chặn hành vi thao túng giá cổ phiếu

Bị cáo buộc thao túng giá cổ phiếu, Elon Musk từ chức Chủ tịch Tesla

Mới đây, Elon Musk - Chủ tịch hãng xe điện Tesla đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) khởi kiện vì tội gian lận.

Theo một thỏa thuận sau đó với SEC, tỷ phú Elon Musk sẽ tiếp tục được làm CEO Tesla nhưng ông phải rời vị trí chủ tịch trong vòng 45 ngày. Trong ít nhất ba năm, ông không được quay lại làm chủ tịch.

Tuy nhiên, phương án này vẫn cần sự chấp thuận của toà án. Theo một tài liệu của toà án, Musk chấp nhận thoả thuận với SEC mà không thừa nhận hay phản bác những cáo buộc. Ngoài ra, Tesla cũng đồng ý nộp 20 triệu USD tiền phạt vì đã không kiểm soát phát ngôn của Elon Musk trên Twitter.

Các bằng chứng của SEC cho thấy Elon Musk không có "nguồn tiền" như ông đã khẳng định và khiến nhiều nhà đầu tư chịu tổn thất.

"Chúng tôi đưa ra các điều khoản về việc Elon Musk từ chức chủ tịch Tesla, cũng như gói bồi thường cho các nhà đầu tư để giải quyết những hành vi không phù hợp trong hoạt động quản trị và giám sát Tesla nhằm bảo vệ các nhà đầu tư", Stephanie Avakian, đồng giám đốc của bộ phận thực thi pháp luật thuộc SEC, tuyên bố.

Trước thông tin này, chiều 28/9, giá cổ phiếu Tesla đã phản ứng tiêu cực khi giảm tới 14%, xuống chỉ còn 264,77 USD/cổ phiếu, thổi bay 7,3 tỷ USD giá trị thị trường của hãng. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của cổ phiếu Tesla kể từ tháng 11/2013.

Tuy nhiên trong phiên giao dịch 1/10 , cổ phiếu Tesla đã tăng 17% giúp bù lại toàn bộ cú giảm 14% hôm thứ Sáu tuần trước.

Có thể thấy, bằng cách tung ra các tin đồn về giá cổ phiếu cũng như hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể khiến các nhà đầu tư dao động và có những phản ứng dây chuyền đột ngột trong việc mua bán cổ phiếu.

loi noi doi cua chu tich tesla va cach nhin nhan ve thao tung gia co phieu
(Hình minh họa).

Xác định thao túng giá cổ phiếu có khó không?

Trao đổi với người viết, một chuyên gia chứng khoán cho biết, để khẳng định một hành vi được coi là thao túng, trước hết phải xác định được những biến động bất thường trong việc mua, bán cổ phiếu với khối lượng lớn của tổ chức hoặc cá nhân để lôi kéo các nhà đầu tư khác mua bán theo.

Sau đó phải xác định được những hành vi mua bán này là có ý đồ tác động tới giá cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch giá cho người thao túng hay không. Nếu việc mua bán cổ phiếu với khối lượng lớn, ở mức độ lôi kéo thị trường mua bán theo, thì mới chỉ là những dấu hiệu bất thường chứ chưa phải là hành vi thao túng.

Theo chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp để tác động vào diễn biến giá cổ phiếu như đăng ký mua bán với lượng lớn cổ phiếu, đưa ra liên tục các phát biểu về doanh nghiệp, hay chia, tách, phát hành thêm cổ phiếu…..

Việc công bố thông tin và đăng ký mua bán là hoàn toàn hợp lệ, tuy nhiên, trong một số trường hợp lãnh đạo đăng ký mua/ bán nhưng không thực hiện mua bán hoặc thực hiện với tỷ lệ rất nhỏ so với số đăng ký.

Ngoài ra, để có thể thao túng giá bằng hình thức này thành công, nhóm thao túng phải có mối quan hệ sâu sắc với lãnh đạo doanh nghiệp, vì để có thể lôi kéo được nhà đầu tư mới tham gia, ngoài việc thực hiện giao dịch tạo cung cầu giả tạo, phải kết hợp với doanh nghiệp công bố các thông tin tốt hoặc không tốt về doanh nghiệp ra thị trường để đánh vào lòng tham cũng như nỗi sợ hãi của nhà tư.

Trong khi đó, để chứng minh hành vi thao túng, cơ quan quản lý phải xác định được đối tượng, thu thập đầy đủ thông tin về danh tính về mối quan hệ giữa các tài khoản.

Vị này cho biết, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh được có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ.

Tiếp theo là do cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư. Việc đánh lên hay đánh xuống một cổ phiếu, nếu thành công có thể thu được mức lợi nhuận rất lớn, thậm chí vượt xa mức xử phạt hành chính.

Do đó, để có thể kết luận đâu là hành vi thao túng giá cần phải có các chuyên gia phân tích thị trường và hệ thống công nghệ giám sát thị trường, chứ không phải chỉ căn cứ trên các tài khoản mua bán cổ phiếu.

Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán chỉ là 10 tỉ đồng (chưa tới 500.000 USD).

Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì hành vi thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên mức phạt thực tế trong các trường hợp này không quá 550 triệu đồng.

Tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định, hướng dẫn tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Xem thêm

Minh Anh