Xử phạt trên thị trường chứng khoán một năm nhìn lại: Sẵn sàng cho cuộc chơi 2018?
Cựu Chủ tịch SPI nộp gần 10 tỷ đồng do thao túng cổ phiếu | |
Chứng khoán Công nghiệp bị đình chỉ hoạt động do chiếm dụng tiền khách hàng |
4 tội danh chứng khoán sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018 |
UBCKNN đang dần mạnh tay xử phạt
Năm 2017, công tác thanh tra, xử phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có nhiều điểm đáng chú ý. Hơn 72 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện những dấu hiệu vị phạm trên thị trường chứng khoán, ngay cả việc UBCKNN với các cơ quan thuế và công an.
Nhiều hành vi thao túng cổ phiếu bị phát hiện trong năm 2017 |
Gần đây, giới đầu tư rúng động việc phạt và truy thu số tiền kỷ lục trên thị trường đối với bà Đỗ Thị Cẩm Thúy – cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Đá Spilit (Mã: SPI), đã mở 1 tài khoản và nhờ 15 cá nhân mở 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán trong khoảng thời gian từ ngày 1/9/2015 đến ngày 13/5/2016. Sau đó, 29 tài khoản này đã liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo và thao túng cổ phiếu SPI.
Hành vi trên, bà Thúy bị UBCKNN phạt hành chính 600 triệu đồng, ngoài ra còn phải nộp lại gần 9,3 tỷ đồng số tiền bất hợp pháp có được.
Sự việc gây chú ý bởi tình tiết truy thu hơn 9 tỷ đồng, trước đó UBCKNN cũng đã xử phạt hành chính nhiều trường hợp thao túng giá cổ phiếu với mức từ 500 – 600 triệu đồng nhưng không đi kèm theo các điều khoản bổ sung, do xác định các hành vi thao túng giá không thu lợi bất chính.
Bà Lê Thị Việt Nga - Chánh thanh tra UBCKNN nước cho biết, nếu như hành vi trên xảy ra từ thời điểm 1/1/2018, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hành vi của bà Thúy diễn ra vào năm 2016, xác minh của cơ quan công an chưa có căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự, do đó xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ khoản tiền hơn 9 tỷ đồng, pháp luật hiện nay chưa có quy định về khởi tố.
Nhiều sự kiện gần đây cho thấy sự ra tay mạnh mẽ hơn đến từ phía UBCKNN trong công cuộc xử lý vi phạm, đem lại sự minh bạch hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
CTCP Chứng khoán Công nghiệp Việt Nam (ISC) bị UBCKNN đưa ra hàng loạt các hình phạt như không thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ (70 triệu đồng), vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán (phạt 125 triệu đồng), phạt chậm công bố thông tin (50 triệu đồng), báo cáo tài chính nội dung không chính xác (phạt 85 triệu đồng).
Chưa hết, hành vi nặng nhất của ISC là chiếm dụng tiền thuộc sở hữu của khách hàng để tự doanh và gửi ngân hàng, bị phát hiện với mức phạt hành chính 250 triệu đồng, đồng thời công ty bị đình chỉ hoạt động 3 tháng.
Đáng chú ý, thời điểm cuối tháng 11, UBCKNN phối hợp với Công an TP Hà Nội thực hiện khởi tố hình sự hành vi thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu CDO của bà Nguyễn Vân Giang, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Vẫn còn đó những hành vi bị xử phạt chưa thỏa đáng
Bên cạnh những động thái quyết liệt, vẫn còn những vi phạm bị xử phạt chưa thỏa đáng.
Cụ thể từ ngày 20 đến 24/10/2017, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC), bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Ông Quyết chỉ bị phạt 65 triệu đồng, rất ít so với số tiền thu về từ bán cổ phần FLC gần 430 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC gây rúng động thị trường chứng khoán năm 2017 |
Nhận định về điều này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) cho rằng hành động bán "chui" của ông Quyết là không thể chấp nhận được. Bởi thời điểm đó, ông Trịnh Văn Quyết thông báo với cổ đông sẽ mua thêm tới 50 triệu cổ phiếu FLC.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Vafi cho biết, nếu ông Quyết công khai thời gian bán cổ phần FLC, thì chưa chắc có thể bán nhanh và thu về số tiền lớn như vậy.
Đến ngày 18/12/2017, ông Trịnh Văn Quyết thông báo mua thành công 37 triệu cổ phiếu FLC. Với giá giao dịch trung bình thấp hơn thời điểm bán chui, ông Trịnh Văn Quyết chắc chắn thu lãi.
Diễn biến giá cổ phiếu FLC 3 tháng trở lại |
Tiếp tục câu chuyện, đại diện Vafi cho rằng, để chấm dứt tình trạng bán chui cổ phiếu cần áp dụng biện pháp mạnh tay. Cụ thể, với tất cả đối tượng phải công bố thông tin trước khi giao dịch thì phải tạm khóa và không cho giao dịch. Như vậy sẽ không còn xảy ra trường hợp bán chui mua chui cổ phiếu.
Cùng đó, khi các đối tượng trên cần mua hay bán chứng khoán thì phải công bố thông tin theo quy định và khi nhận được thông báo, sở giao dịch sẽ mở khóa và chỉ cho phép mua bán với số lượng đã đăng ký và trong khoảng thời gian đã đăng ký. “Nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật này không phải sửa đổi các luật, nghị định, thông tư hiện hành và rất đơn giản để thực hiện”, ông Hải cho hay.
Năm 2017 chỉ là khởi động, năm 2018 cuộc chơi sẽ bắt đầu?
Một năm 2017 quyết liệt hơn trong việc xử lý những vi phạm trên thị trường chứng khoán, nhưng vẫn còn đó những sự vụ khiến cho nhiều nhà đầu tư bất bình. Ủy ban chứng khoán Nhà nước vẫn đang nỗ lực để xây dựng một thị trường minh bạch hơn.
Bối cảnh Nhà nước đẩy mạnh tư nhân hóa, nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn, thì hành động đẩy mạnh phát hiện, xử lý các sai phạm trên thị trường là rất thiết thực để hướng đến nâng hạng thị trường trong tương lai.
Từ ngày 1/1/2018, hành vi thao túng cổ phiếu với khoản thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng, sẽ bị xử lý hình sự.
Vừa qua UBCKNN cũng đã đề xuất tăng thẩm quyền, trao cho khả năng triệu tập nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm, hoặc yêu cầu tổ chức có liên quan như việc ngân hàng cung cấp dữ liệu về dòng tiền để phát hiện và xử lý các hành vi thao túng và nội gián.