|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Không dễ ngăn chặn hành vi thao túng giá cổ phiếu

14:27 | 01/09/2017
Chia sẻ
Hiện tượng cấu kết với lãnh đạo doanh nghiệp, lợi dụng thông tin nội bộ hay mở nhiều tài khoản để “làm giá” cổ phiếu không phải là chuyện hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) từ trước tới nay.
khong de ngan chan hanh vi thao tung gia co phieu
Gần đây xuất hiện nhiều hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường

Thao túng, làm giá cổ phiếu

Mới đây nhất là vụ thao túng giá cổ phiếu HNG của bà Trần Thị Minh Phượng (Gia Lai). Theo kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), trong giai đoạn 20-7-2015 đến 1-4-2016, bà Trần Thị Minh Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó có ba tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán khác nhau để giao dịch cổ phiếu HNG nhằm mục đích tạo cung, cầu giả tạo. Theo quyết định của UBCKNN, bà Phượng bị xử lý hành chính với số tiền phạt là 600 triệu đồng.

Trước đó, năm 2016, một nhà đầu tư khác là ông Hoàng Ðức Dũng (Hà Nội) đã mở 26 tài khoản, có hành vi thao túng giá cổ phiếu TNT, bị phạt 550 triệu đồng, đồng thời phải nộp thêm hơn 400 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Năm 2015, bà Bùi Thị Ngọc Yến (Gia Lai) bị phạt 550 triệu đồng do sử dụng chín tài khoản để thao túng giá cổ phiếu VID. Điều đáng nói là không chỉ có nhà đầu tư bên ngoài có hành vi thao túng giá cổ phiếu mà còn xuất hiện tên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp của ông Trần Thanh Hữu, thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cmistone (CMI), đã bị phạt 705 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu CMI trong năm 2016.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu hơn, có lẽ cách tốt nhất để nhà đầu tư cá nhân tự bảo vệ mình là hãy tránh xa các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường.

Về cơ bản, cách thức làm giá phổ biến nhất là một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực “bắt tay” với nhau mở nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán. Họ sử dụng lượng lớn tiền hoặc cổ phiếu để “đánh lên” hoặc “đánh xuống” tùy theo tín hiệu của thị trường hay thông tin có được. Ngoài ra, để có thể thao túng giá thành công, nhóm thao túng thường kết hợp với doanh nghiệp công bố các thông tin tốt hoặc không tốt ra thị trường để đánh vào lòng tham cũng như nỗi sợ hãi của nhà đầu tư. Một hình thức khác là lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng các biện pháp để tác động vào diễn biến giá cổ phiếu như đăng ký mua bán với lượng lớn cổ phiếu (nhưng thực chất chỉ mua một lượng nhỏ), đưa ra liên tục các phát biểu về doanh nghiệp, hay các thông tin về chia, tách, phát hành thêm cổ phiếu...

Vi phạm về công bố thông tin

Bên cạnh việc thao túng làm giá cổ phiếu thì vi phạm có phần phổ biến hơn liên quan đến việc công bố thông tin. Ước tính sơ bộ thì từ đầu năm 2017 đến nay, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt 80 tổ chức và 32 cá nhân với tổng số tiền gần 9 tỉ đồng.

Phần lớn các cá nhân bị phạt đều nắm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc là cổ đông lớn của doanh nghiệp liên quan nhưng không đăng ký giao dịch hoặc không báo cáo kết quả giao dịch theo quy định. Như hồi cuối tháng 5-2017, UBCKNN có quyết định xử phạt bốn lãnh đạo của Công ty cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu NHP (Mã NHP) với tổng số tiền 152,5 triệu đồng do không báo cáo trước khi giao dịch. Trên TTCK, thị giá cổ phiếu NHP đã có thời điểm tăng lên hơn 20.000 đồng, tuy nhiên bất ngờ giảm mạnh vào cuối năm 2016, hiện chỉ còn 3.500 đồng. Tương tự, một loạt lãnh đạo của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (mã CDO) gồm hai thành viên hội đồng quản trị và kế toán trưởng cũng đã bị phạt tổng cộng 43 triệu đồng do không giao dịch đúng thời gian và khối lượng đăng ký.

Trong khi đó, đối với tổ chức, lỗi phổ biến là không công bố thông tin theo quy định, báo cáo sai hoặc chào bán cổ phần không đăng ký với UBCKNN. Vào tháng 5-2017, Công ty cổ phần Gang thép Cao Bằng bị phạt 435 triệu đồng do các lỗi: nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng; chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký với UBCKNN. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên cũng bị phạt 300 triệu đồng do lỗi tương tự.

Chế tài có đủ mạnh?

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, nếu cá nhân thực hiện hành vi thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên mới thuộc phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, cá nhân thực hiện một trong các hành vi được định nghĩa trong nhóm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỉ đồng đến dưới 3 tỉ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong trường hợp thực hiện hành vi thao túng giá có tổ chức, hoặc mức thu lợi bất chính từ 1,5 tỉ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỉ đồng trở lên thì mức phạt sẽ từ 2-4 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 2-7 năm. Đối với pháp nhân thì mức phạt mạnh nhất lên tới 5-10 tỉ đồng.

Tuy vậy, trong thực tế, việc xử lý mạnh tay các hành vi thao túng chứng khoán lại không hề dễ, đặc biệt là xử lý hình sự. Điều này trước hết là vì thời gian để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn. Báo cáo định kỳ của UBCKNN cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh được có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ. Tiếp đó là do cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư. Việc đánh lên hay đánh xuống một cổ phiếu, nếu thành công có thể thu được mức lợi nhuận rất lớn, thậm chí vượt xa mức xử phạt hành chính. Vì thế, các vụ xử phạt hành chính của UBCKNN dù có tăng về số lượng nhưng hiệu quả răn đe chưa thực sự lớn.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu hơn, có lẽ cách tốt nhất để nhà đầu tư cá nhân tự bảo vệ mình là hãy tránh xa các cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường, đừng vì mối lợi trước mặt mà có thể dẫn đến thua lỗ lớn về sau.

Đăng Linh