Vì sao tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam thấp?
Chia sẻ tại Hội thảo Nhu cầu và xu hướng thị trường thuỷ sản hậu COVID-19 mới đây, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) điểm yếu của ngành nuôi tôm là nhỏ lẻ, manh mún tự phát, tỷ lệ thành công thấp, giá thành nuôi cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
Người dân nuôi tôm theo xu hướng tự phát, một số người khi thấy giá tôm tăng cũng nuôi theo mà không quan tâm vùng đất đó có thuộc quy hoạch nuôi tôm hoặc ít nhất là đủ điều kiện môi trường nuôi tôm hay không. Điều này dẫn đến hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh trên tôm.
Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan (55%), Ấn Độ (48%). Thậm chí, tỷ lệ nuôi của Thái Lan có thời điểm ở mức trên 80%.
Trong nuôi tôm yếu tố con giống quyết định trên 50% tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, hiện nay tôm giống chất lượng thấp, trôi nổi quá nhiều. Cả nước có khoảng 2.500 cơ sở kinh doanh tôm giống. Số lượng này quá nhiều nên khó quản lý. Những con tôm giống không đạt chất lượng vẫn lưu hành.
“Người ít vốn, ham tôm giống giá rẻ vẫn mua về nuôi. Về cơ bản, bỏ giống bao nhiêu chết hết bấy nhiêu. Do đó, cần phải quản lý tốt hơn các nhà kinh doanh tôm giống.Bộ NN&PTNT đang nỗ lực gia hoá chất lượng con tôm bố mẹ, chống chịu bệnh, tăng trưởng nhanh.Điều này nói thì dễ làm thì khó nhưng các bên vẫn đang nỗ lực làm điều này ”, ông Lực cho biết.
Yếu tố cuối cùng quyết định sự thành công của nuôi tôm là nước. Việt Nam nuôi tôm tập trung nhiều lưu vực sông Hậu, sông Tiền, phổ biến ở các tỉnh từ Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Tuy nhiên, những con sông này phụ thuộc vào thượng nguồn từ Trung Quốc.
“Năm nay, Trung Quốc xả lũ sớm, nước ngọt về nhiều nên nước mặn không thể vào được. Do đó, năm nay nước ngọt về sớm hạ lưu, nuôi tôm không được”, ông Lực cho biết.
Bên cạnh đó, một số vùng tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, xả nước thải vào Sông Cửu Long khiến chất lượng nước không tốt.
Các nước như Indonesia, Thái Lan, Ecuador có lợi thế về nguồn nước sạch nên tỷ lệ thành công cao hơn.
Trước đó, chia sẻ trên trang Undercurrent News,Phó Chủ tịch Điều hành của C.P Foods ông Robin McIntosh cảnh báo:“Tỷ lệ tôm chết cao là vấn đề lớn. Nếu ngành tôm châu Á nếu giải quyết được điều này thì chi phí cũng sẽ giảm theo. Ecuador đang đẩy mạnh sản lượng và xuất khẩu. Họ cũng đang đầu tư mạnh vào khâu chế biến. Nếu các nước nuôi tôm ở khu vực châu Á không giải quyết được vấn đề tỷ tôm chết cao, họ sẽ dần mất đi thị phần”.
Sản lượng tôm toàn cầu khoảng 5 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng 5%/năm. Sàn lượng của Việt Nam năm 2021 đạt 930 nghìn tấn và đặt mục tiêu đạt 1 triệu tấn trong năm 2022, tương đương khoảng 1/5 tổng sản lượng thế giới. Tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ecuador lên tới 20% năm nhờ phương pháp nuôi thâm canh 3 vụ/năm. Năm 2021, sản lượng của nước này chính thức vượt 1 triệu tấn.
Ông Robins McIntosh cho rằng sản lượng tôm của Ecuador có thể tăng lên tới 2,5 triệu tấn đến năm 2027. Con số này cao gấp gần 2,5 lần so với sản lượng hiện tại và gần bằng lượng tôm mà thế giới nhập khẩu mỗi năm.
Để giảm tỷ lệ tôm chết, theo ông Lực một trong những giải pháp là quy hoạch lại vùng nuôi tôm đồng thời đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, thay vì làm nhỏ lẻ thì gom lại thành vùng nuôi lớn.
Ngoài ra, ông Lực kiến nghị sửa đổi luật đất đai, nâng hạn điền lên, để nhà đầu tư mạnh dạn đi mua gom, có diện tích đất sở hữu lớn, đầu tư trang trại, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Ngành cũng cần có chủ trương thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm, tăng được số trang trại sớm nâng tầm tôm lên.