|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao SWIFT là 'vũ khí' trừng phạt khiến Nga e dè nhất?

10:53 | 26/02/2022
Chia sẻ
Nếu các ngân hàng Nga bị chặn truy cập SWIFT, quốc gia này gần như mất liên lạc với hệ thống tài chính toàn cầu.

Phương Tây đã công bố nhiều lệnh cấm vận mới và cứng rắn hơn nhằm chặn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Dù vậy, một "vũ khí tài chính" cao nhất vẫn chưa được sử dụng, theo CNN.

Vì sao SWIFT là 'vũ khí' trừng phạt khiến Nga e dè nhất? - Ảnh 1.

SWIFT được coi là cầu nối hệ thống tài chính toàn cầu. (Ảnh: Telegraph).

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vẫn chưa chặn Nga khỏi SWIFT, một mạng lưới truyền thông bảo mật cao đang kết nối hàng nghìn định chế tài chính trên thế giới, sau khi chưa đạt được thoả thuận mà nhiều gọi là "lựa chọn hạt nhân". Việc chặn Nga khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng lớn đến Nga và các nền kinh tế lớn ở Châu Âu.

Ukraine đã kêu gọi chặn Nga khỏi SWIFT sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Lời kêu gọi này nhận được sự ủng hộ của Lithuania, Estonia, Latvia và Anh song các quốc gia Châu Âu khác phản đối.

Hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bộ chặn Nga tiếp cận SWIFT "luôn là một lựa chọn". Song ông cho biết, "ở thời điểm hiện tại, đây không phải tình thế mà phần còn lại của Châu Âu muốn thực hiện".

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, nói rằng biện pháp nói trên vẫn có thể được dùng "như một lựa chọn cuối cùng". Đó là "một trong những lựa chọn được bàn tới", ông nói với báo giới bên lề một cuộc họp giữa các bộ tài chính Châu Âu.

Đức, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, là quốc gia phản đối chặn Nga khỏi SWIFT đáng chú ý nhất. Hồi đầu tuần này, việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngừng chứng nhận cho các đường dẫn khí đốt tự nhiên mới của Nga đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ tại chính quê nhà.

"SWIFT là thanh gươm sắc nhất của chúng ta", ông Norbert Rottgen, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Liên bang Đức, chia sẻ trên Twitter cá nhân. "Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT không thể thất bại vào thời điểm này vì Đức!"

Dù vậy, chính phủ Đức vẫn cho rằng động thái này cần nhiều sự cẩn trọng.

"Cấm SWIFT sẽ có ảnh hưởng lớn đến thanh toán ở Đức và các công ty Đức đang kinh doanh với Nga, bên cạnh đó là các khoản thanh toán nguồn cung năng lượng – tất cả cần được chuẩn bị kĩ càng", người phát ngôn Chính phủ Đức, nói.

SWIFT là gì?

SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication) là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế. Nó được thành lập vào năm 1973 để thay thế điện telex và hiện đang được hơn 11.000 định chế tài chính sử dụng để gửi các lệnh thanh toán và giao tiếp bảo mật. SWIFT hiện được xem là một cầu nối của tài chính quốc tế vì không có một lựa chọn thay thế nào được chấp nhận rộng rãi đến mức này.

Việc chặn Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các ngân hàng khó thực hiện chuyển tiền đến và đi từ quốc gia này. Đây cũng sẽ là một cú sốc với các công ty Nga và các khách hàng ngoại thương của mình, đặc biệt là với những người mua dầu và khí đốt bằng đồng USD.

"Chặn Nga khỏi SWIFT sẽ chấm dứt toàn bộ giao dịch quốc tế, kích hoạt đợt biến động tiền tệ lớn và khiến dòng vốn chảy ra bên ngoài", bà Maria Shagina của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan, chia sẻ.

Nếu Nga rời SWIFT, kinh tế nước này có thể giảm quy mô tới 5%, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin ước tính vào năm 2014. Đây là lần gần nhất lệnh cấm Nga khỏi SWIFT được cân nhắc.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ và nằm dưới sự điều hành của hội đồng gồm 25 nhân sự, trong đó có ông Eddie Astanin, chủ tịch hội đồng quản trị của Trung tâm Thanh toán Bù trừ Trung ương Nga. SWIFT được thành lập theo luật Bỉ và tuân thủ với các quy định của Châu Âu.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết hôm thứ Sáu rằng việc loại bỏ Nga cần có sự đồng thuận. "Đây là các tổ chức quốc tế, và nếu không phải quốc gia nào cũng muốn họ bị loại khỏi hệ thống SWIFT, thì điều đó sẽ trở nên khó khăn", ông nói với BBC.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga rời SWIFT?

Việc SWIFT loại bỏ một quốc gia đã có tiền lệ.

SWIFT từng ngừng cung cấp dịch vụ tới các ngân hàng Iran vào năm 2012 sau khi quốc gia này chịu lệnh cấm vận liên quan đến chương trình hạt nhân của Châu Âu. Iran mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% hoạt động ngoại thường sau đó, theo bà Shagina.

"SWIFT là một tổ chức toàn cầu trung lập và hoạt động vì lợi ích của cộng đồng", SWIFT chia sẻ hôm 24/2. "Bất kỳ quyết định áp dụng lệnh cấm vận nào lên các quốc gia hoặc cá nhân đều phụ thuộc vào các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp", tổ chức này nói thêm.

Mỹ và Đức có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu Nga rời SWIFT vì các ngân hàng ở Mỹ và Đức thường xuyên giao tiếp với các ngân hàng Nga nhất trên SWIFT. Dù vậy, ảnh hưởng của nó có thể còn rộng hơn khi hoạt động trao đổi dầu, khí đốt và kim loại đến Châu Âu sẽ dừng lại.

"Nếu Nga rời SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ nhưng những khách hàng của chúng tôi, trước hết là các quốc gia Châu Âu, sẽ không nhận được hàng hoá – dầu, khí, kim loại và nhiều thành phần quan trọng khác", Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (thượng viện Nga) Nikolai Zhuravlev nói.

Biện pháp đáp trả của Nga

Trong vài năm gần đây, Nga cũng thực hiện nhiều động thái để giảm bớt ảnh hưởng nếu bị buộc rời khỏi SWIFT.

Nga thiết lập một hệ thống thanh toàn riêng có tên SPFS vào năm 2014. Hệ thống này hiện đang có khoảng 400 người dùng, theo ngân hàng trung ương Nga. 20% các lệnh chuyển tiền nội địa đang được thực hiện qua hệ thống SPFS song hệ thống này có kích thước điện khá giới hạn và không hoạt động vào cuối tuần.

Hệ thống Cross-Border Interbank Payment System (CIPS) của Trung Quốc cũng có thể là một thay thế cho SWIFT. CNN nhận định Nga cũng có thể sẽ buộc phải dùng tiền mã hoá. Thế nhưng đây không phải các lựa chọn hấp dẫn.

"Tôi không chắc các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có nhiều hoạt động thương mại với Nga, sẽ ủng hộ việc SWIFT chặn Nga", ông Zhuravlev nói.

Thái Sơn