|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao Phố Wall bỗng nhiên thấy lạc quan?

10:41 | 10/01/2023
Chia sẻ
Sang năm mới, tâm lý của Phố Wall đột ngột chuyển từ u sầu sang hưng phấn.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. 

Thông tin tiêu cực

Chứng khoán Mỹ đã có khởi đầu tốt đẹp sau khi trượt dài trong năm ngoái. Chỉ số Dow Jones kết phiên 9/1 giảm 0,3% nhưng vẫn tăng 1% tính từ đầu năm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,1% nhưng Nasdaq đi lên 0,6%. Kể từ cuối năm 2022, hai chỉ số này đã tăng khoảng 1,5%.

Chỉ số Tham lam và Sợ hãi của CNN cũng đang tiến gần tới mốc “Tham lam”, dù từng chìm trong vùng “Sợ hãi” trong suốt vài tuần qua. Vì sao Phố Wall lại đột nhiên cảm thấy lạc quan trong khi các thông tin kinh tế gần đây không quá tốt đẹp?

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể đang ăn mừng báo cáo việc làm tháng 12 bởi số liệu cho thấy tiền lương đang tăng trưởng chậm lại, có thể dẫn đến việc áp lực giá suy giảm và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm quy mô các đợt tăng lãi suất.

Song, báo cáo cũng tiết lộ rằng tốc độ tăng trưởng việc làm đang đi xuống – và đây có thể là chỉ báo cho một cuộc suy thoái.

Mặt khác, dữ liệu mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy ngành dịch vụ, một trong những động cơ chính của nền kinh tế Mỹ, đã suy yếu trong tháng trước.

Một số công ty lớn trong ngành công nghệ, tài chính, tiêu dùng đã công bố kế hoạch sa thải lớn. Những nhà bán lẻ như Macy’s và Lululemon đang phát đi cảnh báo về doanh thu và lợi nhuận.

Toàn bộ những thông tin trên không giống như lý do để ăn mừng. Nhưng Phố Wall là nơi rất kỳ lạ, bởi nhà đầu tư thường sẽ coi tin tốt là tin xấu và ngược lại.

Dữ liệu kinh tế xấu được Phố Wall nhìn nhận tích cực bởi chúng cho thấy chiến dịch tăng lãi suất của Fed đang phát huy tác dụng và Chủ tịch Jerome Powell có thể không cần phải mạnh tay thêm nữa.

Không dễ dàng

Dĩ nhiên, nếu Fed có thể thực hiện một cuộc hạ cánh mềm, tức là giảm tốc nền kinh tế mà không gây ra suy thoái và khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm đáng kể, thì đó sẽ là lực đẩy lớn cho thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng kịch bản này không dễ xảy ra.

Phe lạc quan còn đang đặt niềm hy vọng vào một triển vọng khác: suy thoái sẽ chỉ diễn ra nhẹ nhàng và doanh nghiệp đã chuẩn bị rất tốt để đối phó nhờ hàng loạt cảnh báo từ năm trước. Khi đó, sẽ không có bất kỳ sự kiện “thiên nga đen” hay “khoảnh khắc Lehman” nào khiến thị trường bất ngờ.

Miễn là Fed có thể khống chế lạm phát thì có lẽ các nhà đầu tư cũng sẽ không quá sợ hãi vì suy thoái. Đó là cách nhìn của những người lạc quan.

Ông Robert Teeter, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Silvercrest Asset Management, viết trong báo cáo: “Dù suy thoái có xảy ra thì các nhà đầu tư cũng sẽ không quá lo lắng nếu họ cho rằng lạm phát đã được kiềm chế đủ và Fed đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra phản ứng chính sách tiền tệ thích hợp”.  

Ông Teeter nói thêm rằng lạm phát giảm tốc sẽ giúp thúc đẩy chứng khoán trong năm 2023 “bất chấp lợi nhuận doanh nghiệp mờ nhạt”.

Nhưng những người khác thì thấy lập luận trên có lỗ hổng. Nhóm chuyên gia của Morgan Stanley viết trong báo cáo: “Hầu hết các nhà đầu tư đều giả định rằng ‘mọi người đang bi quan’ và do đó chứng khoán sẽ chỉ giảm nhẹ trong một cuộc suy thoái”.

Các chuyên gia Morgan Stanley cảnh báo rằng nhà đầu tư có nguy cơ bị sốc khi chứng kiến chứng khoán giảm sâu trong trường hợp suy thoái ập đến. Họ lưu ý rằng thị trường có thể chưa phản ánh đầy đủ khả năng lợi nhuận doanh nghiệp yếu đi đáng kể.

Các nhà đầu tư cũng có thể đang đánh giá thấp quyết tâm của Fed trong việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát.

Bà Seemah Shah, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Principal Asset Management, đánh giá: “Nhiều nhà đầu tư cảm thấy yên tâm bởi sức mạnh của thị trường lao động Mỹ. Nhưng Fed quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi sức mạnh đó bị xóa sổ - đồng hồ suy thoái đang điểm”.

Và bà Shah không tin rằng Mỹ sẽ chỉ suy thoái nhẹ. Sau khi Mỹ công bố báo cáo lao động tháng 12, bà viết rằng “có vẻ như nền kinh tế hạ cánh cứng là kịch bản dễ xảy ra nhất trong năm nay”.

Giang