Ba ẩn số lớn của thị trường chứng khoán Mỹ năm 2023
Liệu thị trường lao động có nguội bớt?
Số liệu việc làm là tâm điểm của thị trường tuần trước. Báo cáo việc làm tháng 12 cho thấy sức mạnh của thị trường lao động đang cản trở nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế của Fed.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ mức 3,6% của tháng liền trước xuống mức kỷ lục 3,5%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 223.000 việc làm trong tháng 12, nâng tổng số việc làm được tạo mới trong năm 2022 lên 4,5 triệu, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Trong khi đó, Fed lại đang cố gắng làm suy yếu thị trường lao động. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng tiền lương tăng trưởng kéo dài sẽ khiến lạm phát khó mà đi xuống.
Theo dự báo do Fed công bố hồi tháng 12 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp phải tăng lên mức 4,6% thì ngân hàng trung ương Mỹ mới có thể đưa lạm phát xuống 2%. Cho đến khi đi đến vạch đích này, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất.
Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng khuyến nghị Fed tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Một trong những lý do bà đưa ra là sức bền của thị trường lao động.
Vậy liệu tiền lương có tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 không? Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng câu trả lời là có. Họ tin rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên và tăng trưởng tiền lương sẽ giảm từ mức 5% trong năm 2022 xuống khoảng 4% vào cuối năm nay.
Nhóm phân tích của Goldman Sachs viết: “Tốc độ tăng trưởng 4% vẫn còn hơi cao. Nhưng bất kỳ mức giảm đáng kể nào cũng sẽ mang lại cho các quan chức Fed bằng chứng rằng quá trình tái cân bằng của thị trường lao động có thể hạ nhiệt tiền lương và áp lực giá mà không gây ra suy thoái”.
Liệu người Mỹ có tiếp tục tiêu tiền?
Năm ngoái, mặc cho lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại, người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm.
Ông Brian Moynihan, CEO Bank of America, nói với tờ CNN rằng sức mạnh bền bỉ của người tiêu dùng gần như đang một mình đẩy lùi suy thoái.
Tuy nhiên, số liệu bán lẻ thấp hơn kỳ vọng của tháng 11 đã làm tổn thương tâm lý thị trường và làm tăng nguy cơ Fed thắt chặt chính sách và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Doanh số bán lẻ tháng 11 của Mỹ giảm 0,6% so với tháng trước đó, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong gần một năm. Các nhà phân tích dự kiến doanh số bán lẻ sẽ tiếp tục ảm đạm, gây rắc rối cho lợi nhuận của các nhà bán lẻ.
Thu nhập khả dụng của người Mỹ đã giảm từ mùa xuân năm 2021 đến mùa hè năm 2022 do lạm phát tăng nhanh hơn lương và tiền tiết kiệm trong đại dịch vơi dần.
Tài khoản ngân hàng của người Mỹ vẫn còn số dư đáng kể, nhưng cùng lúc đó người tiêu dùng lại đi vay nhiều hơn. Trong quý III/2022, dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi Fed chi nhánh New York bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2004.
Liệu Fed có chuyển hướng?
Câu hỏi quan trọng nhất trong tâm trí nhà đầu tư là liệu Fed có chuyển hướng từ tăng sang giảm lãi suất trong năm nay hay không. Câu trả lời sẽ quyết định vận mệnh của thị trường chứng khoán và cả số phận của nền kinh tế Mỹ.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed viết rõ: Không một nhà hoạch định chính sách nào dự kiến lãi suất sẽ được cắt giảm trong năm 2023.
Biên bản cảnh báo “việc các điều kiện tài chính được nới lỏng một cách không xác đáng sẽ khiến nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả của Ủy Ban Thị Trường Mở Liên bang càng thêm phức tạp”.
Giới chức Fed vui mừng trước sự giảm tốc của lạm phát trong những tháng gần đây. Nhưng họ nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn đang ở mức cao “không thể chấp nhận được” và họ “cần thấy thêm nhiều bằng chứng hơn nữa” để tin rằng lạm phát đang thực sự đi xuống.
Có thể Fed sẽ không giảm lãi suất như ý muốn của nhà đầu tư, nhưng rất có thể các quan chức sẽ lựa chọn mức tăng lãi suất nhỏ hơn hoặc đồng ý ngừng tay. Đây sẽ là điều đáng hoan nghênh với các nhà đầu tư sau 4 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) liên tiếp trong năm ngoái.