|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cái khó của việc thiết lập danh mục đầu tư trong năm 2023

08:25 | 06/01/2023
Chia sẻ
Các xu hướng kinh tế tồn tại trong hàng thập kỷ đã bị đảo lộn trong năm 2022. Câu hỏi mà các nhà đầu tư cần suy ngẫm trong năm nay là liệu đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời hay thế giới đã bước vào thời đại mới.

(Hình minh họa: Wall Street Journal). 

Câu hỏi hóc búa

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những chuyển biến khổng lồ của nền kinh tế thế giới đã khiến giá của hầu hết các loại tài sản đi lên.

Sang đến năm 2022, chiến lược đầu tư thành công là làm ngược lại xu hướng cũ: bán tất cả mọi thứ. Năm 2023 là lần đầu tiên trong 15 năm qua nhà đầu tư cần phải lập ra các giả định lớn về thế giới.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 19% trong năm 2022, nhưng thực chất trong nửa cuối năm thị trường chứng khoán Mỹ lại biến động trong biên độ tương đối ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể.

Trong giai đoạn này, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng rất có thể lạm phát đã đạt đỉnh, nhưng suy thoái sẽ xảy ra tại các nước giàu trong hai quý đầu tiên của năm 2023. Điều an ủi là nhiều khả năng cuộc suy thoái sẽ không nghiêm trọng.

 

Dự đoán trên không mấy vui vẻ nhưng gợi ra một chiến lược đầu tư rõ ràng. Nếu các ngân hàng trung ương sắp phải hạ lãi suất để đối phó với sự suy giảm của nền kinh tế thì mua trái phiếu là chiến lược hợp lý.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết hầu hết các công ty chứng khoán lớn tin rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ kết năm 2023 dưới mức hiện tại là 3,9%. Sau đó, nhà đầu tư có thể bổ sung cổ phiếu vào danh mục để chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, có thể nói rằng nhà đầu tư nên quan tâm đến 12 năm tới hơn là 12 tháng sau. Đây chính là phần hóc búa: gần như chưa bao giờ việc đưa ra các dự đoán dài hạn lại khó như hiện nay.

2022 là năm diễn ra những thay đổi chóng mặt, giá cả biến động dữ dội và các ngân hàng trung ương quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ. Sự gấp gáp này trái ngược hoàn toàn với giai đoạn bắt đầu vào năm 2008, khi đó tăng trưởng và lạm phát đều ổn định và lãi suất được duy trì ở mức siêu thấp.

Liệu năm ngoái chỉ là sự gián đoạn ngắn ngủi, hay là khởi đầu của một xu hướng lâu dài mới sẽ định hình lại chiến lược đầu tư?

Về câu hỏi này, các chuyên gia Phố Wall chưa thể đi đến sự đồng thuận. Điều đó được thể hiện trong 44 báo cáo triển vọng hàng năm của các công ty chứng khoán và nhà quản lý tài sản.

Lạm phát đang là vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận. Những người cho rằng sẽ rất khó để lạm phát quay trở về mức trước đại dịch đang thắng thế, nhưng chỉ chiếm đa số ít ỏi là 56%.

 

Bước vào thời đại mới... 

BlackRock, tập đoàn quản lý đầu tư lớn nhất thế giới nắm trong tay hơn 10.000 tỷ USD, tin rằng thế giới đã bước vào thời đại mới. BlackRock cảnh báo: “Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ”.  

Quan điểm của BlackRock được ủng hộ bởi hai lập luận chính. Lập luận thứ nhất, được nhà kinh tế nổi tiếng Charles Goodhart tán thành, là sự già hóa dân số sẽ thu hẹp lực lượng lao động, làm tăng khả năng thương lượng lương thưởng và phúc lợi của người lao động.

Xu hướng trên từng bị cản lại bởi sự hội nhập của người lao động Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng hiện tại, đến cả Trung Quốc cũng đối mặt với hiện tượng già hóa dân số.

Lập luận thứ hai liên quan đến tác động của xu hướng phi toàn cầu hóa đối với nhu cầu lao động và giá cả hàng hóa, dịch vụ. Thế giới đang thu hẹp lại thành các khối kinh tế và tài chính, và quá trình này có thể được đẩy nhanh bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Nếu điều này là đúng, thì trái phiếu là khoản đầu tư kém hấp dẫn hơn hẳn đối với các nhà đầu tư dài hạn. Tệ hơn nữa, trái phiếu có thể sẽ không còn là bệ đỡ cho danh mục trong giai đoạn cổ phiếu bị bán tháo. Nhà đầu tư nên lựa chọn các loại trái phiếu được bảo vệ khỏi lạm phát như TIPS và cổ phiếu giá trị có lợi nhuận dễ đoán.

... hay trở về như cũ?

Trong 44 báo cáo triển vọng do WSJ  tổng hợp, các dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại mức trước đại dịch chiếm tỷ lệ thấp nhất. Nhưng quan điểm này vẫn có người ủng hộ: các thước đo của thị trường về kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn đang ở mức vừa phải.

Ví dụ, ngân hàng Thụy Sỹ UBS khuyên khách hàng đặt cược rằng tình trạng thiểu phát sẽ xảy ra và để tiền vào những khoản đầu tư thành công trong hai thập kỷ qua, bao gồm trái phiếu kỳ hạn dài và các cổ phiếu tăng trưởng như Netflix.

Các nhà kinh tế của UBS nhấn mạnh rằng từ trước đến nay toàn cầu hóa cũng chỉ khiến lạm phát giảm khoảng 0,16 điểm % mỗi năm. Và dựa trên tuyên bố của các doanh nghiệp, xu hướng đưa hoạt động sản xuất về nước sẽ chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ.

Dữ liệu hiện có cũng không xác nhận mối quan hệ giữa hiện tượng già hóa và sự gia tăng của lạm phát. Nhiều nhà lý thuyết còn tin rằng già hóa dân số sẽ hạ thấp lạm phát.

Tỷ lệ thành lập công đoàn tại các nước phương Tây đang đi xuống, điều này sẽ làm giảm cơ hội  thương lượng lương bổng của người lao động. Tác nhân thiểu phát này vẫn còn đứng vững.

 

Giang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.