|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hy vọng 'lạm phát chỉ là tạm thời' nhen nhóm trở lại, các nhà kinh tế cảnh báo thực tế khác xa tưởng tượng

16:10 | 01/12/2022
Chia sẻ
Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát trong năm 2023 sẽ thấp hơn đáng kể so với năm 2022, nhưng vẫn cao hơn các mức thường thấy trong quá khứ.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Đừng mừng vội

Thị trường tài chính toàn cầu đã bắt đầu thấy an tâm hơn khi dữ liệu những tuần gần đây báo hiệu rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh. Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo nhà đầu tư không nên sa vào lối suy nghĩ lạm phát chỉ là “tạm thời”.  

Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng yếu hơn hơn dự kiến. Nhà đầu tư bắt đầu đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chiến dịch tăng lãi suất.

Theo tờ CNBC, hầu hết các nhà kinh tế dự kiến lạm phát toàn phần sẽ suy giảm đáng kể trong năm 2023. Tuy nhiên, không nhiều người cho rằng điều này đang báo trước xu hướng thiểu phát (disinflationary trend).

Ông Paul Hollingsworth, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại ngân hàng Pháp BNP Paribas, kêu gọi nhà đầu tư nên cảnh giác trước sự trở lại của “Phe Tạm thời” – những người cho rằng việc lạm phát gia tăng vào đầu năm tới sẽ chỉ là hiện tượng thoáng qua.

Bản thân Fed cũng từng cho rằng lạm phát sẽ nhanh chóng biến mất, nhưng về sau Chủ tịch Jerome Powell phải thừa nhận rằng ngân hàng trung ương Mỹ đã đánh giá sai tình huống.

Ông Hollingsworth viết trong lưu ý mới: “[Một số người] có vẻ muốn khơi lại nhận định 'lạm phát chỉ mang tính tạm thời', nhưng nhiều khả năng lạm phát cơ sở vẫn sẽ cao hơn các số liệu trong quá khứ”.

Ông tiếp tục nhắc đến các rủi ro khiến lạm phát toàn phần gia tăng vào năm sau, ví dụ như khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

BNP Paribas dự đoán lạm phát toàn phần trong năm tới sẽ “sụt giảm kỷ lục” và hầu hết các khu vực sẽ ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp hơn năm 2022. Nguyên nhân là do số liệu năm nay khá cao và cung - cầu trong nền kinh tế thay đổi.

Ông Hollingsworth lưu ý việc này có thể hồi sinh câu chuyện “lạm phát tạm thời” trong năm 2023, hoặc dễ khiến nhà đầu tư “suy diễn xu hướng lạm phát xuất hiện vào năm tới là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang nhanh chóng trở lại mức bình thường 'cũ'”.

Ông cảnh báo rằng các cơ quan chính phủ và ngân hàng trung ương cũng có nguy cơ mắc phải sai lầm này. Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh dự báo tình trạng giảm phát trong giai đoạn 2025-2026 – “trái ngược hoàn toàn với dự báo của thị trường về lạm phát giá bán lẻ”. Ngân hàng trung ương Anh cũng dự báo lạm phát trung hạn thấp hơn hẳn mục tiêu.

Ông Christian Nolting, Giám đốc đầu tư của Deutsche Bank, nói với CNBC rằng thị trường chứng khoán đang phản ánh vào giá viễn cảnh các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023. Ông cho rằng các nhà đầu tư đang ăn mừng hơi sớm.

Ông cho biết: “Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2023 sẽ thấp hơn 2022, nhưng vẫn cao hơn các năm trước đó. Điều đó có nghĩa là lạm phát trong năm tới vẫn sẽ cao hơn các mức trong lịch sử. Nhìn từ góc độ này, tôi dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lập trường và không sớm hạ lãi suất”.

Lý do cần cẩn trọng

Nhà kinh tế Hollingsworth của BNP Paribas cho rằng tình trạng thiểu phát hay thậm chí giảm phát trong một số khu vực kinh tế không nên được coi là chỉ báo cho thấy thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ lạm phát vừa phải như trước đây.

Lạm phát hàng hóa rất có thể sẽ giảm tốc nhưng BNP Paribas nhận định lạm phát dịch vụ sẽ khó dịu xuống hơn do áp lực từ tiền lương.

Ông Hollingsworth giải thích: “Thị trường đang khan hiếm lao động ở mức lịch sử, đặc biệt là ở Anh và Mỹ - đến mức chúng tôi ngờ rằng một số sự thay đổi đã diễn ra ở cấp độ cấu trúc. Do đó chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tiền lương vẫn sẽ cao tương đối so với trong quá khứ”.

Gần đây, giới chức y tế Trung Quốc thông báo rằng tỷ lệ tiêm vắc xin trong nhóm người cao tuổi đã gia tăng. Các chuyên gia coi đây là điều kiện tối cần thiết để Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

BNP Paribas dự đoán việc Trung Quốc nới lỏng dần dần chính sách Zero COVID có thể gây ảnh hưởng xấu tới lạm phát của những nước khác. Ông Hollingsworth nói: “Ngược lại, nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn rất có thể sẽ làm tăng nhu cầu trên thế giới – đặc biệt là đối với hàng hóa – và thổi phồng áp lực lạm phát”.

Yếu tố khác có nguy cơ kéo lạm phát đi lên trong trung hạn là việc các nước chú trọng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng như xu hướng phi toàn cầu hóa.

Chiến sự Nga-Ukraine đã thôi thúc nhiều quốc gia nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng khỏi Nga và tìm cách tăng cường khả năng tự cung ứng.

Giang