|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao tin tốt với nền kinh tế lại là tin xấu với Phố Wall?

08:41 | 08/01/2023
Chia sẻ
Những thông tin tích cực với nền kinh tế sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục thắt chặt chính sách, ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Báo cáo việc làm, dữ liệu sản xuất vẫn mạnh mẽ, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục nóng. Bất cứ khi nào nước Mỹ báo cáo rằng nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Phố Wall lại trở nên hoảng loạn.

Tốc độ tạo việc làm mới của Mỹ đang chậm lại.

Vậy tại sao tin tốt lại bị Phố Wall coi là tin xấu?

CNN dẫn lời ông John Leer, nhà kinh tế trưởng tại Morning Consult, giải thích: “Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt trên mặt trận việc làm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chịu thêm áp lực phải tăng lãi suất”.

Các báo cáo kinh tế mạnh mẽ đồng nghĩa với việc các đợt tăng lãi suất lịch sử của Fed có thể không mang lại tác dụng như mong đợi, và Thống đốc Jerome Powell cùng các đồng nghiệp có thể sẽ phải thắt chặt lâu hơn nhằm làm chậm nền kinh tế và hạ nhiệt lạm phát. Lãi suất tăng là tin xấu đối với chứng khoán, bởi chúng ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp.

Phố Wall đặc biệt nhạy cảm với số liệu việc làm tích cực. Nền kinh tế Mỹ năm 2021 đã tạo ra 4,5 triệu việc làm, nhiều thứ hai trong lịch sử, cùng với đó là 10 triệu việc làm đang tuyển dụng.

Điều đáng lo ngại nhất với thị trường là số liệu việc làm mạnh mẽ (tốt cho nền kinh tế thực) sẽ tạo ra nhiều lạm phát hơn (không tốt cho Phố Wall). Kịch bản hoàn hảo cho các nhà đầu tư là một thị trường việc làm mạnh mẽ và đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ví dụ, vào tháng 12/2022, Mỹ vẫn có thêm 223.000 việc làm mới, nhưng là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ 12/2020. Tiền lương trong tháng 12 tăng 4,6% theo cơ sở hàng năm, chậm nhất kể từ 8/2020.

Những thông tin trên không tốt với nền kinh tế, nhưng Phố Wall lại cho rằng chúng là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Fed có thể bắt đầu mang lại kết quả.

“Tăng trưởng tiền lương đang khá mạnh, và có lo ngại rằng tăng trưởng tiền lương cuối cùng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn”, ông Leer nói với CNN. “Vì vậy, Fed muốn tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu đối với người lao động và làm tiền lương [thực tế] đi xuống, khiến lạm phát giảm theo”.

Fed vừa phải cân bằng giữa việc kìm hãm lạm phát, đồng thời không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Một số thông tin kinh tế có thể vừa mang ý nghĩa tích cực với người này, nhưng lại là tin xấu với người khác. 

Theo CNN, một loạt khó khăn như COVID, xung đột Ukraine, tình trạng thiếu lao động và chuỗi cung ứng hỗn loạn,… làm nhiều quan điểm thông thường về kinh tế lung lay. Lịch sử cũng khó có khả năng soi đường, chỉ lối để vượt qua những khủng hoảng này, và cũng sẽ chẳng có giải pháp dễ dàng.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.