|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ có khởi đầu thuận lợi, nhưng mùa báo cáo kết quả kinh doanh có thể gây rắc rối

15:48 | 09/01/2023
Chia sẻ
Kết quả kinh doanh quý IV/2022 kém khả quan có thể trở thành yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày tới.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters). 

Các nhà đầu tư lạc quan sớm

Báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ dường như đã đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Thị trường lao động vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đã chững lại một chút, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động được cải thiện và tăng trưởng tiền lương giảm tốc.

Báo cáo này có thể khiến nhà đầu tư tin rằng kịch bản nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là hoàn toàn khả thi. Nếu tăng trưởng việc làm có thể tiếp diễn mà không gây ra vòng xoáy lương-giá thì có lẽ các nhà hoạch định chính sách không cần đến một cuộc suy thoái để đè bẹp lạm phát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến chống lạm phát và ngưng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ ngay trong năm 2023, mở đường cho cuộc phục hồi của mọi loại tài sản.

Lối suy nghĩ tích cực này đã được thể hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ phiên 6/1. Các chỉ số chứng khoán đều bật tăng mạnh mẽ để kết thúc tuần đầu tiên của năm mới trong sắc xanh. Tính chung trong tuần trước, chỉ số S&P 500 tăng 1,45%, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đi lên 1,46%, và chỉ số Nasdaq tiến 0,98%.

Fed dự định sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong đầu năm 2023 và duy trì mức lãi suất cao trong một khoảng thời gian.

Tuy nhiên, thị trường lãi suất tương lai đang dự báo rằng Fed sẽ kéo lãi suất đi lên trong mùa xuân và hạ xuống trong nửa cuối 2023.

Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ chuyển hướng. Họ hy vọng báo cáo việc làm tháng 12 có thể gửi đến Fed một thông điệp mới, rằng các nhà hoạch định chính sách đã gần hoàn tất công việc.

Quỹ ETF SPDR S&P Bank mô phỏng hiệu suất của các cổ phiếu ngân hàng thuộc chỉ số S&P Total Market. 

Tuy nhiên, một dữ liệu đơn lẻ sẽ không đủ để lay chuyển ý chí của Fed. Tờ Barron's cho biết các nhà đầu tư đang trông đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 được công bố vào ngày 12/1 tới. Tỷ lệ lạm phát được kỳ vọng sẽ hạ từ mức 7,1% của tháng 11 xuống 6,5%.

Giới phân tích kỳ vọng thấp

Thị trường chứng khoán không chỉ chịu sự chi phối của dữ liệu kinh tế vĩ mô. Ngày 14/1 tới sẽ mở màn cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp Mỹ.

Các công ty lớn sẽ công bố kết quả bao gồm JPMorgan, Bank of America, UnitedHealthGroup và Delta Air Lines. Đa số các công ty trong S&P 500 sẽ báo cáo trong vòng 6 tuần tiếp theo.

Hầu như không nhà phân tích nào lạc quan về mùa báo cáo sắp tới. Nhìn chung, các công ty thuộc S&P 500 được cho là sẽ có quý thua lỗ đầu tiên kể từ năm 2020. EPS được dự báo sẽ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 53,87 USD, theo dữ liệu từ Refinitiv.

Các nhà phân tích hiện ước tính, EPS cả năm 2022 của các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 rơi vào khoảng 219,8 USD, tương đương mức tăng 5,6%.

Rất có thể EPS thực tế sẽ cao hơn con số này, bởi hầu hết các doanh nghiệp đều có xu hướng đánh bại kỳ vọng của giới phân tích.

Doanh thu quý IV được kỳ vọng tăng 4,1% so với cùng kỳ lên 3.700 tỷ USD, trong khi doanh thu cả năm 2022 dự kiến tăng 11,2% lên 13.800 tỷ USD. Doanh thu quý IV tăng nhưng lợi nhuận giảm là dấu hiệu cho thấy biên lợi nhuận doanh nghiệp trong chu kỳ kinh tế đã đạt đỉnh.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV sẽ không phủ bóng đen lên mọi doanh nghiệp. Ngành năng lượng và công nghiệp được dự đoán sẽ trở thành ngoại lệ, ghi nhận EPS tăng lần lượt 65% và 43% so với một năm trước. 

Ở chiều ngược lại là các công ty vật liệu, dịch vụ truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, EPS của các cổ phiếu công nghệ được cho là sẽ giảm 9% trong quý IV trong bối cảnh chi phí tiền lương phình to và nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp sa sút.

Kỳ vọng của các nhà phân tích Phố Wall thấp đến mức kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp Mỹ có thể mạnh hơn nhiều so với dự báo.

Giang