|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Nhật Bản quyết tổ chức Olympic giữa 'đại dịch' COVID-19?

07:06 | 16/03/2020
Chia sẻ
Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và nước chủ nhà Nhật Bản vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức Thế vận hội, bất chấp dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở nhiều nước trên toàn thế giới.

Quyết tổ chức

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, khi chủng mới của virus corona lan ra 141 nước và vùng lãnh thổ với 152.428 ca mắc, 5.720 ca tử vong (tính đến chiều 15/3). Nhật Bản chứng kiến sự tăng vọt số người nhiễm bệnh những ngày gần đây. Theo các quan chức y tế Nhật Bản, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình là 30 trường hợp mới/ngày ở nước này.

Sự tăng đột biến về số ca nhiễm ở Nhật Bản cũng như sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu châm ngòi cho việc kêu gọi hoãn Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua tái khẳng định, Thế vận hội vẫn diễn ra như kế hoạch. 

“Chúng tôi sẽ trả lời bằng cách phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, bao gồm Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Không có sự thay đổi nào trong vấn đề này. Chúng tôi muốn tổ chức Thế vận hội theo kế hoạch và sẽ tìm mọi cách ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19”, ông Abe cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, ông không có ý định ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước vào thời điểm này, mặc dù hôm 13/3 Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn dự luật cho ông đặc quyền này. Ông Abe nhấn mạnh, Tokyo sẽ nỗ lực hết sức để giành chiến thắng trong trận chiến với Covid-19 và biến Olympic Tokyo 2020 trở thành một trong những Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử.

Tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị hoãn ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, thay vì tổ chức thi đấu trên các khán đài vắng khán giả. Dự kiến, Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/7 đến 9/8.

Trước đó, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Yoshihide Suga cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 vẫn đang được tiến hành. IOC ủng hộ quyết định của Nhật Bản, đồng thời khuyến khích các vận động viên tiếp tục chuẩn bị cho sự kiện.

Yếu tố kinh tế

Dù không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng Nhật Bản đã huỷ các sự kiện lớn, đóng cửa hầu hết các trường học. Lễ hội hoa anh đào truyền thống tại Tokyo và Osaka năm nay không được tổ chức. Nhiều sự kiện thể thao, hòa nhạc và trình diễn thời trang diễn ra mà không có khán giả, chỉ được phát sóng trực tiếp trên một số kênh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn kiên quyết không hoãn hay huỷ kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020.

Theo giới phân tích, có nhiều lý do dẫn tới quyết định của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng thiệt hại nặng nề về kinh tế được xác định là nguyên nhân chính. Ngay sau khi trúng quyền đăng cai tổ chức Olympic Tokyo, chính phủ Nhật Bản đã chi 1.350 tỷ Yên (12,6 tỷ USD) để xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng. 

Trong số này, thành phố Tokyo đóng góp 597 tỷ Yên, 603 tỷ Yên đến từ Ủy ban Olympic Nhật Bản và chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 150 tỷ Yên. Tổng kinh phí thực cao gấp khoảng 10 lần con số dự kiến ban đầu là 1.060 tỷ Yên (9,81 tỷ USD). Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đổ tiền tài trợ cho sự kiện này với số tiền kỷ lục là 349 tỷ Yên (3,3 tỷ USD), trong đó có Toyota, Bridgestone, Panasonic.

Bên cạnh đó, việc huỷ Olympic Tokyo 2020 có thể gây thiệt hại khoảng 240 tỷ Yên (2,28 tỷ đô la) đối với ngành du lịch. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 từ chối cho biết có bao nhiêu du khách nước ngoài dự kiến tới Nhật Bản trong dịp Thế vận hội. Tuy nhiên, Bộ Du lịch Nhật Bản năm 2018 đưa ra con số khoảng 600.000 người. Đến nay, 4,5 triệu/7,8 triệu vé xem các sự kiện thể thao đã được bán ở Nhật Bản, trong đó 20-30% người mua là người nước ngoài.

Ngoài ra, hủy Olympic Tokyo 2020 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng trong nước, vốn đã chịu áp lực sau đợt tăng thuế bán hàng gây tranh cãi vào năm ngoái. Các nhà kinh tế Nhật Bản dự báo, nếu phải hủy kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 thì GDP của đất nước trong năm 2020 sẽ giảm 1,5%. 

Chuyên gia kinh tế Takashi Miwa nói rằng, việc hủy bỏ Thế vận hội có tác động chính tới tiêu dùng trong nước, bởi nó “sẽ ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mất mát đo đếm được bằng tiền, điều chính quyền Thủ tướng Abe lo ngại nhất là việc hủy Olympic Tokyo 2020 sẽ làm tổn thương hình ảnh quốc gia của Nhật Bản.

Huyền Mai