|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao lãi suất huy động không giảm ?

09:24 | 14/07/2017
Chia sẻ
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì tiền đồng sẽ “chảy” sang các kênh khác.
vi sao lai suat huy dong khong giam
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 10/7. Đây là một tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên xung quanh câu chuyện này vẫn có nhiều vấn đề đáng bàn.

Những chia sẻ dưới đây của phóng viên TTXVN với Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia sẽ mang lại một góc nhìn về vấn đề này.

Thưa ông, tại sao trong lần điều chỉnh lãi suất lần này nhà điều hành lại không điều chỉnh giảm lãi suất huy động?

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh lãi suất huy động là có lý do đúng đắn. Bởi nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì tiền đồng sẽ “chảy” sang các kênh khác, có thể là vàng hay chứng khoán, bất động sản. Điều đó sẽ rủi ro cao, khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn chưa phải là cao trong 6 tháng đầu năm nay.

Vậy theo ông vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên mà không thể cao hơn?

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp và bàn bạc rất kỹ, chúng tôi đã đề xuất mức giảm như vậy. Bởi nếu giảm sâu quá, đương nhiên doanh nghiệp sẽ hài lòng nhưng sẽ có những tác động khác. Thứ nhất, ngân hàng sẽ không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp. Thứ hai, hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của Việt Nam sau khi trừ chi phí đang ở mức khoảng 2%

. Trong khi đó, các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều, tại Trung Quốc con số này vào khoảng 3%, Philippin và Inđônêxia vào khoảng trên 4%. Như vậy nếu giảm sâu hơn thì hệ thống ngân hàng không thể chịu đựng được trong bối cảnh nợ xấu còn cao.

Vậy tại sao Ngân hàng Nhà nước không để thị trường tự giảm mà phải điều hành bằng biện pháp hành chính, thưa ông?

ản thân tôi cũng đã nhiều lần đề xuất bỏ các loại trần lãi suất, tuy nhiên tôi hiểu rằng trong bối cảnh hiện nay còn nhiều biến động, còn nhiều rủi ro cho nên đâu đó vẫn phải dùng mệnh lệnh hành chính.

Nếu Ngân hàng Nhà nước không dùng mệnh lệnh hành chính thì vấn đề điều chỉnh lãi suất cũng rất khó. Tất nhiên môi trường cạnh tranh tăng lên rất nhiều trong hệ thống ngân hàng. Nếu có dự án tốt, phương án kinh doanh tốt thì luôn luôn có nguồn vốn hấp dẫn.

Có ý kiến cho rằng nếu giảm lãi suất cho vay như vậy thì sẽ dẫn đến tín dụng tăng trưởng nóng và điều này có đáng quan ngại trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?

Tôi cho rằng tín dụng không thể tăng nhanh quá được. Bởi kể cả lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm nhưng chỉ giảm với lĩnh vực ưu tiên mà tăng trưởng tín dụng cho 5 lĩnh vực đó không phải là quá cao cho nên vẫn còn dư địa để tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực đó.

Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước kiểu gì cũng phải chốt chặn tăng trưởng tín dụng ở mức từ 17 – 18% trong năm 2017 chứ không thể để vọt lên trên 20% được. Bởi IMF cũng như các chuyên gia đã cảnh báo Ngân hàng Nhà nước không để tín dụng tăng trưởng quá nóng. Về cơ bản, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn, đảm bảo hệ số cho vay so với vốn huy động.

Tuy nhiên, nếu tín dụng tăng trưởng quá cao mà huy động vốn không đảm bảo được thì cuối năm thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn hơn, đồng thời không hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Chúng ta không nên điều chỉnh tăng quá mức 18%. Và bài toán bây giờ là huy động vốn như thế nào. Câu chuyện này lại có liên quan đến vàng, USD.

Vậy để giải bài toán huy động vốn từ nay đến cuối năm, theo ông cần những đáp án nào?

Để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước trước hết phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, chỉ có thời gian 5 năm để thực hiện, nếu không nhanh chân sẽ bị chậm.

Thứ hai, nên xem xét điều chỉnh Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này cho phép hệ thống ngân hàng năm nay sử dụng 50% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, năm tới con số này chỉ còn 40%. Có nghĩa là hệ thống ngân hàng trong năm tới sẽ được sử dụng ít vốn ngắn hạn hơn để cho vay trung dài hạn.

Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng hiện nay phải đẩy nhanh huy động nguồn vốn trung dài hạn để đảm bảo tỷ lệ trên đáp ứng từ đầu năm tới. Và nếu như thế, hệ thống ngân hàng cùng lúc phải đảm bảo vốn cho vay trung dài hạn, một mặt phải huy động vốn để tăng trưởng tín dụng đạt 18% trong năm nay. Còn nếu điều chỉnh Thông tư 06 sẽ đáp ứng được nhu cầu huy động vốn trung dài hạn và qua đó sẽ giảm chạy đua lãi suất đầu vào; đồng thời sẽ giảm chi phí đầu vào và như vậy sẽ góp phần giảm lãi suất đầu ra.

Ngoài ra, tôi cũng đề xuất cần nghiên cứu để huy động USD, xem xét điều chỉnh trần lãi suất USD. Bởi nhu cầu cho vay ngoại tệ năm nay cao hơn năm trước. Ngoài vấn đề nhập siêu, 6 tháng đầu năm nay cho vay ngoại tệ tăng khoảng 5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng từ 1,5 – 2%. Rõ ràng nền kinh tế của chúng ta vẫn có nhu cầu vay ngoại tệ rất lớn. Hiện nay, nếu các ngân hàng phải đi vay ngân hàng nước ngoài, lãi suất khoảng 2,5%/năm; trong khi đó, nếu huy động từ dân cư, lãi suất huy động USD nếu được điều chỉnh lên 0,25% thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đi vay từ các ngân hàng nước ngoài.

Như vậy cũng góp phần giảm lãi suất đầu ra. Ngoài ra, về lâu về dài cần có biện pháp huy động vàng trong dân để tận dụng nguồn lực này cho nền kinh tế. Đó cũng góp phần giảm áp lực lên lãi suất tiền đồng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Huyền