|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao kinh tế Anh tăng trưởng chậm?

16:30 | 02/04/2023
Chia sẻ
Vương quốc Anh được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là nền kinh tế lớn tăng trưởng kém nhất trong năm nay. Tuy nhiên, các vấn đề của nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới thực ra tồn tại từ nhiều năm trước.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nhìn lại lịch sử

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Anh đã giảm hơn một nửa. Kinh tế Anh hiện không cao hơn mức trước đại dịch vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ chỉ có thể hồi phục lại mức này sớm nhất vào năm 2026, theo dự báo của Ngân hàng trung ương Anh (BoE).

Điều đáng nói là Anh đã không thành công trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2007. Theo IMF, nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/đầu người của Anh trong giai đoạn 2007-2022 giữ được mức tăng như trong giai đoạn 1980-2007, thu nhập thực của mỗi người dân Anh sẽ tăng thêm hơn 10.600 bảng (tăng 31%/năm) so với mức 33.700 bảng được ghi nhận trong năm 2022.

Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế Anh sau năm 2007 được chia thành ba giai đoạn. Thứ nhất là thời kỳ khủng hoảng tài chính kéo theo cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng lan rộng thành một cuộc suy thoái sâu.

Tiếp theo là giai đoạn "thắt lưng buộc bụng" từ năm 2010, khi tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với trước năm 2007, song tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Anh vẫn đứng đầu Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, kinh tế Anh ngày càng xấu đi so với mức tăng trưởng trước đây cũng như so với các quốc gia G7 khác. Mặc dù tất cả các nền kinh tế G7 đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, Anh là nước duy nhất trong nhóm G7 chưa có sản lượng kinh tế trở lại trước đại dịch.

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tăng trưởng của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro sẽ tăng tương ứng ở mức 7% và 10% vào cuối năm 2025 so với thời kỳ trước đại dịch, BoE dự báo triển vọng kinh tế Anh kém lạc quan hơn nhiều khi không tăng trưởng trong giai đoạn này.

Nước Anh "thắt lưng buộc bụng"

Mặc dù tăng trưởng của Anh sau năm 2016 vẫn thấp hơn so với thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", các nhà kinh tế vẫn bất đồng về nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm trong thời kỳ đầu giai đoạn 2010-2016.

Một số cho rằng tăng trưởng giảm là do hệ thống tài chính lớn của Anh chịu tổn thương sâu sắc trước cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, sự suy giảm của ngành công nghiệp dầu mỏ ở Biển Bắc và vấn đề năng suất toàn cầu.

Theo nghiên cứu mới đây của tổ chức Centres for Cities (Anh), tăng trưởng năng suất của London giảm từ gần gấp đôi so với phần còn lại của Vương quốc Anh xuống thấp hơn so với các khu vực khác của đất nước.

Trong khi đó, số khác cho rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã tác động lên các hoạt động kinh tế, chỉ ra rằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu công từ năm 2010-2015 làm chậm quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Giáo sư Jonathan Portes tại Đại học King's College London tin rằng chính sách "thắt lưng buộc bụng" góp phần đáng kể giảm hiệu quả hoạt động kinh tế Anh, song điều này không phải toàn bộ câu chuyện.

Ông chỉ ra rằng việc cắt giảm đầu tư công làm giảm nguồn vốn quốc gia và góp phần làm suy yếu đầu tư tư nhân, trong khi các dịch vụ công hoạt động kém hơn cũng như thiếu vắng một "nền kinh tế nóng" thúc đẩy sự năng động và tăng trưởng.

Thay đổi chính sách đột ngột

Tuy nhiên, những thất vọng của người dân Anh vào đầu những năm 2010, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn ở mức trên 2%, vẫn nhẹ so với những gì đã xảy ra kể từ đó. Trong giai đoạn này, các nhà kinh tế phần lớn thống nhất về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tăng trưởng kinh tế kém của Anh.

Một trong những hạn chế quan trọng nhất đối với tăng trưởng là những "cú sốc" liên tục từ bên ngoài đã tác động đến Anh và nhiều nền kinh tế tiên tiến khác.

GDP của Anh giảm nhiều trong đại dịch. Anh cũng chịu tác động nặng nề bởi cuộc xung đột ở Ukraine cũng như tình trạng giá bán buôn khí đốt tự nhiên tăng bởi các hộ gia đình Anh sử dụng khí đốt nhiều hơn các quốc gia khác để sưởi ấm. Anh phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu để sản xuất điện so với hầu hết các nước trên thế giới do mục tiêu giảm phát thải carbon của nước này.

Tuy nhiên, những yếu tố này không đủ để giải thích lý do Anh là nền kinh tế lớn duy nhất chưa phục hồi mức GDP cuối năm 2019. Các nhà kinh tế chỉ ra ba trở ngại nước này phải đối mặt.

Thứ nhất là Brexit, khiến giá nhập khẩu tăng, tạo ra bất ổn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng các rào cản thương mại, phức tạp hóa việc tuân thủ luật và cản trở việc tuyển dụng lao động.

Phó giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu, John Springford, ước tính những tác động này khiến GDP của Anh thiệt hại 5,5% vào mùa Hè năm 2022. Ông chỉ ra một loạt yếu tố, trong đó có đầu tư yếu từ năm 2016 làm giảm tăng trưởng trong khi các nhà sản xuất ô tô cạn vốn và người nhập cư từ Liên minh châu Âu (EU) giảm.

BoE vào tháng Hai cũng đánh giá những tác động Brexit có thể đã xảy ra nhanh hơn so với dự báo trước đây. Các nhà kinh tế ủng hộ Brexit cho rằng Anh đương nhiên phải trả một cái giá cho việc rời EU, song nhấn mạnh sự yếu kém trong chính sách của chính phủ hơn là sự rạn nứt với khối này.

Vấn đề thứ hai của Anh, theo chuyên gia Julian Jessop tại Viện Kinh tế, là sau năm 2016 chính phủ có xu hướng thay đổi chính sách đột ngột từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, cho rằng đây là thời kỳ nhiều bất ổn, khiến các công ty tốn rất nhiều thời gian chỉ để duy trì hoạt động thay vì phát triển kinh doanh, đồng thời việc tăng thuế cũng như các quy định, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và năng lượng, khiến tình hình tệ hơn.

Và cuối cùng là sự suy giảm nhanh chóng và bất ngờ của thị trường lao động trong thời kỳ đại dịch. Mặc dù các công ty vẫn có thể cung cấp nhiều việc làm hơn cho các công dân Anh so với mức trung bình của châu Âu, số người hiện đang làm việc hoặc đang tìm việc ít hơn so với năm 2019. 

BoE cho biết xu hướng giảm tham gia vào thị trường việc làm, đặc biệt ở những người trên 50 tuổi, có khả năng sẽ tiếp tục bởi phần lớn những người đã rời lực lượng lao động nhiều khả năng sẽ không sớm quay trở lại.

Bên cạnh những yếu tố mới phát sinh tác động tới kinh tế Anh là những vấn đề mà chính phủ nước này đã không giải quyết được trong nhiều thập kỷ. Hệ thống quy hoạch và sử dụng đất của Anh hứng nhiều chỉ trích vì tạo ra lợi thế cho những người phản đối phát triển và ngăn chặn tăng trưởng.

Ông Sam Dumitriu, trưởng bộ phận chính sách tại Britain Remade, một tổ chức nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Anh, cho biết vấn đề của Anh hiện nay là "không có khả năng đạt được những gì cần xây dựng”.

Trong khi đó, trình độ kỹ năng của những người không theo học đại học ở Anh tụt hậu so với các nước giàu khác và trong nhiều thập kỷ đã có rất nhiều công ty có mức năng suất kém mà không có sự cải thiện hoặc phá sản. Anh cũng là quốc gia đang già đi nhanh chóng, là một vấn đề cản trở tăng trưởng trong 5 năm qua ngoài yếu tố Brexit và COVID-19.

Vì vậy, giới chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng tăng trưởng kinh tế Anh kể từ năm 2007 không phải là một vấn đề đơn lẻ, mà là sự kết hợp độc hại của các cuộc khủng hoảng toàn cầu, Brexit, năng lực quản trị yếu và thị trường lao động suy giảm.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)