|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao các gói hỗ trợ của ngân hàng vẫn chậm giải ngân?

05:30 | 22/04/2020
Chia sẻ
Nếu không có một cơ chế đặc biệt khác thì rất khó đẩy nhanh tốc độ “giải cứu” các doanh nghiệp hiện nay, một phần vì các gói hỗ trợ đang công bố đều xuất phát từ “túi tiền” các ngân hàng thương mại.
Vì sao các gói hỗ trợ của ngân hàng vẫn chậm giải ngân? - Ảnh 1.

Bản chất gói cho vay hỗ trợ của các ngân hàng thương mại là ngân hàng tự bỏ “tiền túi” nên các ngân hàng đều đang tính toán, chờ đợi diễn biến thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN.

Tiền “giải cứu” là của các ngân hàng

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết có khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Con số này ước tăng gần 2 lần so với tính toán cách đây 1 tháng của ngành ngân hàng.

Đáng chú ý là quy mô các gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất cũng tăng dần cùng dư nợ nói trên, hiện đã lên đến gần 300.000 tỉ đồng. 

Việc nhanh chóng tung ra các gói hỗ trợ được đánh giá cao, nhưng thực tế triển khai lại khiến cho nhiều doanh nghiệp than phiền vì quá khó để tiếp cận, dù đã liên hệ làm việc với ngân hàng.

Cũng theo số liệu mới công bố gần đây, đã có khoảng hơn 300.000 tỉ đồng được “giải ngân” trong mùa dịch, con số này bao gồm khoảng 165.000 tỉ đồng cho vay mới. Nhưng tính theo tỷ lệ thì mới chỉ khoảng 15% nhu cầu dư nợ cần được hỗ trợ.

Nói như vậy để thấy rằng kể từ thời điểm đầu tháng 2 đến nay, số dư nợ được hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn trong khi thu nhập doanh nghiệp cần như về mức “zero” vì giãn cách xã hội.

Theo TS. Cấn Văn Lực, cần hiểu đúng bản chất gói cho vay hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Đây là dòng vốn của các ngân hàng, là ngân hàng tự bỏ “tiền túi” nên họ có toàn quyền để quyết định sẽ hỗ trợ ai và như thế nào.

Vì vậy nên việc các ngân hàng tính toán, chờ đợi và quan sát thêm diễn biến thị trường cũng là điều dễ hiểu. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, các ngân hàng có lý do riêng để “phòng thủ”, chủ yếu là tái cấu trúc các khoản nợ cho khách hàng hiện hữu hơn là đi xem xét cho vay mới, bởi các khoản nợ xấu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng nếu không “xử lý” kịp thời.

Cần một dòng "máu" mới

“Thực tế cái doanh nghiệp cần hiện nay là vốn lưu động để trả các khoản chi phí từ thuê nhà xưởng cho đến lương nhân viên, chứ không chỉ là chi phí lãi vay. Mà đa phần các ngân hàng giảm lãi vay, giãn nợ như vậy cũng là chưa đủ, mà cần phải có dòng tiền để sống sót qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, TS. Hiếu nhận định.

Đó cũng là lý do vì sao mà nhiều ngân hàng đặt tiêu chuẩn “giải cứu” khá cao, như lịch sử, hồ sơ tài chính ở mức tốt. Nhưng trong bối cảnh không có doanh thu như hiện nay, hàng tồn kho tăng lên, doanh nghiệp ngừng sản xuất thì sức khỏe tài chính của hầu như tất cả doanh nghiệp đều đã đi xuống.

Sự đối lập này xuất hiện ngay từ khâu giải quyết hồ sơ nên việc chậm chạp giải quyết cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, có nhiều chuyên gia và doanh nghiệp còn đặt thẳng vấn đề: các gói hỗ trợ làm truyền thông cho ngân hàng nhiều hơn là hỗ trợ thực tế.

Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy ở làn sóng giải cứu” lần thứ 3 (sau Chỉ thị 02 của NHNN vào cuối tháng 3), đó là nhiều nhà băng chọn giải pháp tự động giảm phần lãi suất cho mọi khoản vay hiện hữu, khách hàng không cần phải chứng minh thêm về việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Đây cũng là phương án tốt với phần đông khách hàng, nhưng thực tế thì mức giảm vẫn chưa thực sự đủ nhiều vì chỉ tính ở phần lãi suất, thêm nữa, mức độ ảnh hưởng của mỗi doanh nghiệp là sẽ khác nhau.

Trên thực tế, doanh nghiệp còn trăm khoản chi phí khác, chứ không chỉ là chi phí lãi vay ngân hàng. Dòng tiền doanh nghiệp ở mức âm mới là điều khiến các ông chủ doanh nghiệp đứng ngồi không yên, nên rất cần ngân hàng “bơm” thêm thanh khoản để tồn tại.

Chính vì vậy mà gần đây có nhiều ý kiến đề xuất cần phải có dòng tiền hỗ trợ từ phía Chính phủ để một dòng tiền mới chảy vào các doanh nghiệp, chứ không chỉ là hoạt động tái cấu trúc các khoản nợ hiện hữu, vốn hiệu quả nhưng được đánh giá là chưa đủ trong thời điểm hiện nay. 

Nhưng vấn đề này cũng vấp phải câu chuyện về ngân sách, vốn đang rất “căng kéo” cho các gói hỗ trợ khác cho người dân và xã hội.

Tại buổi tọa đàm “Chiến lược quản lý khủng hoảng” do Endeavor Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital, nhận định rằng ngoài việc “đóng băng” các khoản nợ hiện hữu là điểm nhấn quan trọng, thì những chính sách ngân hàng còn lại vẫn chưa thực sự rõ nét.

Lo ngại nợ xấu phát sinh

Mới đây, trong văn bản phản hồi lại câu chuyện vì sao chậm trễ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đính kèm theo danh sách yêu cầu hỗ trợ của Sở Du lịch TPHCM, NHNN chi nhánh TPHCM cũng nêu lên câu chuyện chung của các doanh nghiệp đang “mòn mỏi” chờ đợi các gói hỗ trợ từ phía ngân hàng thương mại.

Theo văn bản này, những kiến nghị nói chung của Sở Du lịch về việc giải cứu doanh nghiệp trên thực tế đã được giải quyết về mặt cơ chế và chính sách mà NHNN đã ban hành, nhưng có vấn đề ở khâu thực hiện và phối hợp thực hiện giữa các ban ngành với nhau. 

Thêm nữa, một lý do khác là hoạt động rà soát mức độ thiệt hại để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện đang quá tải.

Theo NHNN Chi nhánh TPHCM, vì số lượng doanh nghiệp nhiều, trong khi làm việc trong điều kiện cách ly xã hội, do đó kết quả không thực hiện được như trong điều kiện làm việc bình thường. 

Ngoài ra không chỉ có danh sách từ phía Sở Du lịch, mà còn nhiều quận, huyện và các hiệp hội cũng gửi danh sách đề nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ lên cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng địa phương.

Nhưng vấn đề không chỉ là việc “xếp hàng” chờ giải cứu, mà một lý do quan trọng khác là bản thân các ngân hàng thương mại cũng e ngại câu chuyện nợ xấu nếu cứ nhắm mắt cho vay trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, vấn đề “giải cứu” không chỉ nằm ở phía các ngân hàng thương mại, mà còn đến từ những vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, chẳng hạn như doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, sử dụng vốn không mục đích hay phương án đi vay không hiệu quả.

“Vấn đề không đảm bảo đáp ứng được quy định của pháp luật về tín dụng, về cho vay thì mong quý doanh nghiệp chia sẻ và chủ động trong phương án hoạt động của doanh nghiệp, tôn trọng yếu tố thị trường trong nền kinh tế thị trường. 

Bởi lẽ cho vay không đủ điều kiện tín dụng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phát sinh nợ xấu, và gây nhiều hệ lụy không chỉ cho doanh nghiệp, ngân hàng mà cả nền kinh tế”, văn bản của NHNN chi nhánh TPHCM có đoạn.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm về rủi ro nợ xấu mới phát sinh khi cho vay trong giai đoạn hiện nay.

 "Cần tránh việc ép các ngân hàng thương mại cho vay nhưng phương án kinh doanh không khả thi thì lại mất nhiều năm đi giải quyết như giai đoạn 2012”, PGS., TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ trong buổi tọa đàm về báo cáo kinh tế quí 1 mới đây của VEPR.

Dũng Nguyễn