Nếu dịch COVID-19 kéo dài quá quí II, Chính phủ cần tính tới các biện pháp mạnh mẽ hơn mang tính 'giải cứu' nền kinh tế
Các nhà khoa học của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đánh giá và đưa ra các kịch bản tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, chính sách nhằm khắc phục những tác động tiêu cực cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau khi vượt qua dịch bệnh.
Nguy cơ suy giảm từ một nguyên nhân phi kinh tế
Theo đó, phân tích nhận định kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế.
Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, chúng sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch được kiểm soát.
Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, dịch vụ). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt (nông sản, thực phẩm, dược phẩm, …). Do vậy, cần có sự lựa chọn hợp lí các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ.
Các nhà phân tích cho rằng việc kích thích tổng cầu trong bối cảnh hiện nay hầu như không có tác dụng trong ngắn hạn bởi sức mua ở những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng một khi bệnh dịch chưa được kiểm soát.
Cùng với đó, tính chất của đại dịch COVID-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách li xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác.
Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản 2 chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
Nếu dịch COVID-19 có thể kiểm soát ngay trong quí II thì phản ứng chính sách nên mang tính 'hỗ trợ'
Báo cáo phân tích của ĐH KTQD cho rằng nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quí II/2020 thì phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ".
Các chuyên gia cho rằng việc ban hành các chính sách trong bối cảnh này cần đảm bảo các định hướng cụ thể.
Thứ nhất, ưu tiên chính sách nên hướng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. "Trong mọi trường hợp Việt Nam cần phải đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân".
Trong mọi trường hợp Việt Nam cần phải đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân
Các chuyên gia Trường ĐH KTQD
Mặc dù đây là những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết nếu cần để tránh không xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.
Đây cần được coi là giải pháp cấp bách tại thời điểm này. Bên cạnh đó, việc gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh cũng cần được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thứ hai, các chính sách nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các DNNVV trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tầu để từ đó lan sang các khu vực khác.
Thứ ba, các chính sách kích thích tổng cầu chủ yếu thông qua tăng đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng. Tránh việc lạm dụng chính sách tiền tệ gây ra các bất ổn kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Thứ tư, hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn.
Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.
Những chính sách hỗ trợ
Báo cáo cũng gợi ý những chính sách hỗ trợ có thể sử dụng trong kịch bản dịch bệnh sớm được kiểm soát như sau:
Đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các hộ gia đình mất thu nhập lâu dài không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động tự do không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng: i) Tiền tệ: nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn; ii) Tài khóa: hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng BHXH, v.v. Giai đoạn này nên ưu tiên các DNNVV bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này.
Có những hỗ trợ pháp lí trong tranh chấp đối với hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Tranh chấp hợp đồng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đối tác trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nếu dịch bệnh kéo dài, Chính phủ cần tính tới các biện pháp mạnh mẽ mang tính "giải cứu"
Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quí 3 hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "giải cứu".
Những chính sách giải cứu tập trung không chỉ vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1 – 2 điểm %.
Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Cần tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.
Cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực.
Bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng. Ngược lại sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng 2007 – 2008.