|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hệ lụy của những gói hỗ trợ trăm nghìn tỉ nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát sớm trong năm 2020

16:13 | 13/04/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu đưa ra các gói hỗ trợ trong khi sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ tạo ra hai hệ lụy rất lớn đó là đẩy lạm phát lên cao, nợ công và ngân sách rơi vào khủng hoảng. Trong trường hợp này, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.
Hệ lụy của những gói hỗ trợ trăm nghìn tỉ nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát sớm trong năm 2020 - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng. (Nguồn: Nhà đầu tư).

Sáng nay 13/4, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quí I/2020.

Liên quan đến thanh khoản hệ thống ngân hàng, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết Việt Nam có rất nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế như gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỉ đồng, gói gia hạn thuế và tiền thuê đất trị giá 180.000 tỉ đồng và gói 62.000 tỉ đồng.

"Nếu may mắn chúng ta kiểm soát được dịch COVID-19 vào cuối tháng 6 thì những gói đó sẽ hỗ trợ rất tốt và chúng ta không lo sợ về vấn đề thanh khoản vì có rất nhiều tiền chảy vào vào nền kinh tế.

Nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và không thể kiểm soát được vào trong nửa năm sau 2020 thì tôi e sợ những gói đó cũng không đủ", ông Hiếu phân tích.

Trong trường hợp đưa ra các gói hỗ trợ nhưng sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ tạo ra hai hệ lụy rất lớn đó là đẩy lạm phát lên cao, nợ công và ngân sách rơi vào khủng hoảng. Theo đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Chúng ta nên lưu ý liệu rằng đưa tiền vào thị trường nhưng thiếu hoặc quá dồi dào đều đẩy nền kinh tế vào cuộc khủng hoảng mới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Về vấn đề lãi suất, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có cơ hội hạ lãi suất bởi vì nhu cầu vay giảm xuống rất thấp, ngân hàng lúc này cũng đang dồi dào tiền.

Còn về thị trường ngoại tệ, nguồn cung giảm bởi nhập khẩu và xuất khẩu đang bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt quãng và vốn ODA, FDI cũng có sự sụt giảm.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quí II/2020 của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cho biết thanh khoản hệ thống trong quí I/2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng cao nhất so với cùng kì trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản dư thừa và không thể chảy ra ngoài thị trường đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, hoạt động trường mở và thị trường liên ngân hàng khá trầm lắng với việc NHNN chỉ sử dụng công cụ tín phiếu nhằm hút lượng lớn tiền trong hệ thống (147 nghìn tỉ đồng).

Thu Hoài

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.