Vắc xin phòng viêm phổi Vũ Hán hy vọng có sau 3 tháng
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ gặp nhau trong tuần này để thảo luận và làm việc. Bằng cách xác định trình tự gene và mã di truyền, các nhà khoa học có thể bắt đầu quá trình điều chế mà không cần mẫu virus.
Ba tháng là khoảng thời gian nhanh nhất một loại vắc xin từng được thử nghiệm trên người.
Trước đó, vào đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003, các nhà khoa học Mỹ đã phải mất tới 20 tháng để đi từ việc phân tích trình tự gene đến giai đoạn thử nghiện lâm sàng và kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm nghiên cứu độc lập trên toàn thế giới cũng lên kế hoạch thử nghiệm vắc xin và thực hiện các biện pháp đối phó khác nhằm ngăn chặn loại virus mới nCoV.
Bằng việc nghiên cứu từ nhiều góc độ, các cơ quan phản ứng dịch bệnh và sức khỏe toàn cầu hy vọng, ít nhất một hình thức điều trị có thể đi vào thực tiễn trong vài tháng tới.
Hiện Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ để điều chế loại vắc xin dựa trên axit ribonucleic (ARN), một phân tử polyme có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa và biểu hiện gene.
Trong khi đó, được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Khẩn cấp Toàn cầu và Liên minh Sáng tạo và Chuẩn bị Dịch tễ học, các nhà khoa học tại Đại học Queensland, Australia, đang nghiên cứu loại vắc xin tiếp cận cơ thể dưới dạng phân tử. Đây là quy trình cơ bản để cơ thể người chống lại loại virus lây lan từ động vật.
Trước đó, các nhà khoa học đã thành công trong việc chế ngự một số loại bệnh tật nguy hiểm như MERS và SARS. Novavax, công ty sở hữu vắc xin phòng chống bệnh MERS cũng đang trong quá trình nghiên cứu tương tự.
Yêu cầu nghiên cứu và bào chế vắc xin trở nên cấp thiết khi số người tử vong do viêm phổi Vũ Hán đến hôm nay lên 41 người, hơn 1.000 người nhiễm bệnh. Viêm phổi do nCoV đã lây lan từ Trung Quốc ra nhiều nước trong khu vực và sang tới Mỹ, Ấn Độ.
Tại Việt Nam, bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận 2 ca bệnh dương tính với virus nCoV là ông Li Ding, sinh năm 1954 và con trai Li Zichao, sinh năm 1992. Hai cha con người Trung Quốc đã lây bệnh viêm phổi cấp cho nhau, do người cha từ Vũ Hán sang Việt Nam.
Bộ Y tế Việt Nam công bố hai số điện thoại "nóng" thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.