|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,9 triệu bao trong niên vụ 2024-2025

06:00 | 28/12/2024
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu đạt 174,9 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, tăng 6,9 triệu bao so với niên vụ trước. Trong khi đó, tiêu thụ dự kiến tăng 5,1 triệu bao lên 168,1 triệu bao.

Sản lượng cà phê toàn cầu tăng 6,9 triệu bao

Theo báo cáo định kỳ của USDA, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt 174,9 triệu bao loại 60kg, tăng 6,9 triệu bao so với niên vụ 2023-2024. Chủ yếu là do sản lượng phục hồi tại Việt Nam và Indonesia.

Trong đó, sản lượng cà phê arabica toàn cầu dự kiến tăng 1,5% lên hơn 97,8 triệu bao và sản lượng cà phê robusta tăng 7,5% lên 77,01 triệu bao.

Nguồn: USDA

Brazil: Sản lượng của Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới dự báo sẽ chỉ tăng nhẹ 100.000 bao sao với niên vụ trước, lên mức 66,4 triệu bao trong niên vụ 2024-2025. Trong đó, sản lượng cà phê arabica của Brazil dự kiến tăng 500.000 bao lên 45,4 triệu bao; còn sản lượng robusta giảm 400.000 bao xuống 21 triệu bao.

Theo USDA, hạn hán và nhiệt độ cao trong giai đoạn phát triển trái cà phê đã khiến năng suất arabica và robusta giảm so với các dự báo ban đầu.

Với sản lượng gần như không thay đổi, xuất khẩu cà phê nhân của Brazil được dự báo giảm 2,6 triệu bao, xuống còn 40,5 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, chủ yếu do lượng hàng tồn kho từ năm trước đã được sử dụng, làm giảm tổng nguồn cung.

Việt Nam: Tại Việt Nam, nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai toàn cầu, sản lượng được dự báo tăng 2,6 triệu bao lên 30,1 triệu bao. Nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 31,6 triệu bao của niên vụ 2021-2022.

Mùa mưa bắt đầu với điều kiện khô hạn, sau đó là lượng mưa và nhiệt độ thấp hơn mức trung bình tại nhiều khu vực trồng cà phê chính. Trong khi điều kiện tương tự đã làm giảm năng suất và sản lượng trong 2 vụ trước, năm nay, nông dân đã phản ứng với giá cà phê cao hơn bằng cách thu hoạch tối đa có thể, thay vì bỏ qua các quả nhỏ, ít lợi nhuận.

Xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo phục hồi và tăng 1,8 triệu bao lên 24,4 triệu bao nhờ nguồn cung tăng.

 Nguồn: USDA

Colombia: Sản lượng cà phê arabica của Colombia được dự báo tăng 100.000 bao, đạt 12,9 triệu bao nhờ điều kiện trồng trọt thuận lợi và năng suất được cải thiện. Xuất khẩu cà phê nhân của Colombia, chủ yếu sang Mỹ và Liên minh châu Âu, được dự báo tăng 200.000 bao, đạt 10,9 triệu bao nhờ nguồn cung tăng nhẹ và nhu cầu ổn định.

Trung Mỹ và Mexico: Sản lượng cà phê tại Trung Mỹ và Mexico được dự báo tăng 600.000 bao, đạt 17 triệu bao, chiếm 95% trong số đó là arabica.

Sản lượng của Honduras được dự báo tăng 300.000 bao, đạt 5,3 triệu bao, và Nicaragua dự kiến tăng 300.000 bao, đạt 2,7 triệu bao nhờ năng suất cải thiện. Sản lượng tại Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Mexico và Panama dự kiến giữ nguyên.

Xuất khẩu cà phê nhân của khu vực được dự báo tăng 800.000 bao, đạt 13,7 triệu bao, nhờ nguồn cung tăng tại Honduras và Nicaragua.

Indonesia: Sản lượng cà phê arabica và robusta của Indonesia được dự báo phục hồi và tăng gần 2,8 triệu bao trong niên vụ 2024 - 2025, đạt 10,9 triệu bao.

Trong đó, sản lượng robusta được dự báo tăng 2,7 triệu bao lên 9,5 triệu bao nhờ điều kiện trồng trọt thuận lợi tại các vùng thấp của Nam Sumatra và Java, nơi chiếm khoảng 75% diện tích trồng. Vụ mùa năm ngoái bị ảnh hưởng bởi mưa quá mức trong giai đoạn phát triển quả, gây điều kiện không tối ưu cho thụ phấn. Sản lượng arabica cũng được dự kiến tăng nhẹ, đạt 1,4 triệu bao.

Sản lượng phục hồi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 2,2 triệu bao, đạt 6,5 triệu bao.

Tiêu thụ tăng 5,1 triệu bao, đứng đầu là EU và Mỹ

Báo cáo USDA cũng cho biết tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ tăng 5,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 168,1 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, với mức tăng lớn nhất tại Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, lượng tồn kho cà phê cuối kỳ trong niên vụ 2024-2025 sẽ giảm 1,5 triệu bao (6,6%), xuống mức thấp nhất trong 24 năm, còn 20,9 triệu bao, so với 22,3 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. 

 Nguồn: USDA 

Liên minh châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ hơn 42 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, tăng 2,4 triệu bao so với niên vụ trước. Mức tiêu thụ tại Mỹ sẽ tăng ít hơn dự kiến ban đầu, từ 23,55 triệu bao trong niên vụ 2023-2024 lên 23,95 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.

Bên cạnh đó, USDA dự báo xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu tăng nhẹ 1,4 triệu bao lên hơn 144,8 triệu bao trong niên vụ 2024-2025 nhờ đà phục hồi ở Việt Nam và Indonesia bù đắp cho sự sụt giảm từ Brazil.

Về nhập khẩu, nhập khẩu của Liên minh Châu Âu được dự báo tăng 1 triệu bao lên 45 triệu bao, nhờ lượng hàng từ Việt Nam và Indonesia tăng. Các nhà cung cấp hàng đầu cho EU trong niên vụ 2023-2024 bao gồm Brazil (43%), Việt Nam (22%), Uganda (7%) và Honduras (6%). Dự trữ cuối kỳ của EU dự kiến tiếp tục giảm, còn 8 triệu bao.

Mỹ là nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai và được dự báo tăng 800.000 bao, đạt 22,3 triệu bao, nhờ tiêu thụ gia tăng. Các nhà cung cấp chính cho nước này bao gồm Brazil (32%), Colombia (20%), Việt Nam (8%) và Honduras (7%). Dự trữ cuối kỳ được dự báo giữ nguyên ở mức 5,7 triệu bao.

Đáng chú ý, theo USDA, tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc đã tăng gần 150% trong 10 năm qua và được dự báo sẽ đạt 6,3 triệu bao (60 kg) trong niên vụ 2024-2025. Trong khi sản lượng nội địa chỉ duy trì khoảng 2 triệu bao trong cùng kỳ, nhu cầu tăng mạnh sẽ được đáp ứng bằng nhập khẩu.

Mặc dù trà vẫn là thức uống chính tại Trung Quốc, cà phê đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với giới trẻ ở khu vực đô thị, những người thường xuyên mua cà phê tại các cửa hàng.

Trong thập kỷ qua, tổng lượng cà phê nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng gần gấp ba, đạt 5,5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024 và dự báo sẽ đạt 5,6 triệu bao vào niên vụ 2024-2025. Mức tăng trưởng bùng nổ này chủ yếu nhờ cà phê nhân xanh tăng từ chỉ 900.000 bao trong niên vụ 2014-2015 lên 3,6 triệu bao hiện tại.

Trước đây, Việt Nam và Indonesia là những nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc, nhưng hiện đã bị Brazil và Colombia vượt qua. Nhu cầu nhập khẩu cà phê hòa tan của Trung Quốc tương đối ổn định trong giai đoạn này và dự báo đạt 1,8 triệu bao vào niên vụ 2024-2025, với các nhà cung cấp chính bao gồm Việt Nam và Malaysia.

Trung Quốc thường nhập khẩu ít hơn 400.000 bao cà phê rang xay, chủ yếu từ Liên minh Châu Âu và Mỹ. Cà phê rang xay ít được ưa chuộng hơn để nhập khẩu vì dễ mất hương vị và mùi thơm sau khi rang nếu không được vận chuyển nhanh chóng trong bao bì đặc biệt.

Hoàng Hiệp